“The Post” là một bộ phim của đạo diễn Steven Spielberg, xoay quanh câu chuyện về tờ nhật báo Washington Post vào năm 1971, khi chiến tranh Việt Nam đang đến hồi cao điểm. Do hai diễn viên gạo cội thủ vai chính – Meryl Streep và Tom Hanks, “The Post” được đề cử hai giải Oscar: “Best Picture” và “Best Actress” – nhưng rất tiếc cả hai đều không thắng giải. 

the-post

Poster phim “The Post”

Phim kể câu chuyện về bà Katherine Graham (Meryl Streep) chủ tờ báo Washington Post, và Tổng Biên Tập Ben Bradlee (Tom Hanks). Vào thời điểm 1971, tờ Post vẫn còn là một tờ báo địa phương do gia đình bà Graham làm chủ. Cha của bà, Eugene Meyer, là người mua nó lại từ một chủ báo sắp sửa khánh tận vào năm 1933. Ông Meyer từng là Chủ Tịch một chi nhánh của Ngân Hàng Quốc Gia (Federal Reserve Bank) nên quen biết rộng. Vào thời Ðệ Nhị Thế Chiến ông Meyer giao quyền hành lại cho người con rể là Phil Graham. Ðến năm 1963 thì Phil Graham qua đời vì tự tử. Vợ ông là Katherine Meyer Graham, người thân gọi là Kay, quyết định không bán tờ báo đi mà thay thế chồng mình tiếp tục điều hành nó, mặc dù từ nhỏ tới lớn bà chưa đi làm bao giờ. Trong bối cảnh xã hội Mỹ vào thập niên 60, việc một người phụ nữ lên làm Tổng Giám Ðốc một đại công ty là chuyện chưa từng có, đừng nói chi một người chẳng có kinh nghiệm gì trong thế giới làm ăn buôn bán của các tay đại tư bản, hầu hết là đàn ông.

the-post2

Vợ chồng Ben Bradlee cùng Tổng thống Kennedy và phu nhân nguồn: JFK Library

Nhưng khác với những phụ nữ bình thường, nhờ có người cha giao thiệp rộng trong giới thượng lưu và chính trị gia của Mỹ, Kay Graham không phải bắt đầu từ con số không. Một trong những người bạn thân của bà chính là Robert McNamara, Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng thời Kennedy và Lyndon Johnson. Trong phim, McNamara (Bruce Greenwood) là người đã đứng ra khuyên Kay Graham nên tránh đụng độ với chính quyền Nixon nếu bà muốn giữ cho tờ báo được an toàn. McNamara cũng là người rò rỉ cho Kay Graham hay việc tờ New York Times sắp sửa tung ra loạt bài về tập tài liệu tối mật Hồ Sơ Ngũ Giác Ðài (Pentagon Papers) mà họ lấy cắp từ bộ Quốc Phòng.

Hồ sơ Ngũ Giác Ðài dài gần 7,000 trang, gồm 47 tập, đào sâu vào nguyên nhân dẫn đến việc Mỹ nhảy vào Việt Nam, từ thời của các Tổng thống Truman, Eisenhower cho đến Kennedy và Johnson. Một nhà báo đồng thời là nhân viên Bộ Quốc Phòng tên Daniel Ellsberg (Matthew Rhys) đã lén  chụp lại tập hồ sơ này và trao nó cho New York Times, tờ nhật báo có lượng độc giả lớn nhất nước thời bấy giờ. Ellsberg cho rằng dân Mỹ cần biết giới lãnh đạo Hoa Kỳ đã từ lâu xem cuộc chiến ở Việt Nam là “không thể thắng nổi”. Ông hy vọng phát hiện này sẽ thúc đẩy phong trào phản chiến lên cao hơn nữa, áp lực chính quyền Nixon chấm dứt chiến tranh càng sớm càng tốt vì dân Mỹ đang bị các chính trị gia lường gạt. Mặc dù biết ăn cắp tài liệu quốc gia là phạm pháp, nhưng Daniel Ellsberg nói ông sẵn sàng đi tù để cứu thanh niên Mỹ khỏi cảnh bị tống sang Việt Nam bởi những con buôn chính trị. Bản thân ông từng là phóng viên chiến trường và đã sang Việt Nam, nên cái nhìn của ông về chiến cuộc thời bấy giờ đến trực tiếp từ kinh nghiệm cá nhân.

the-post5

Kay Graham và Ben Bradlee năm 1971 nguồn: Washington Post

Cùng vào thời điểm 1971 tờ Washington Post đang bị lâm nguy về mặt tài chánh nên bà Kay Graham quyết định cổ phần hoá tờ báo. Nghĩa là biến nó từ một công ty tư nhân thành một công ty cổ phần. Tuy biết rằng làm như vậy gia đình bà sẽ mất quyền làm chủ 100%, cũng như bà không thể toàn quyền quyết định mọi việc như xưa nữa, nhưng bà phải chọn đường này để ít ra vẫn còn giữ được tờ báo vì dù sao bà vẫn là Tổng Giám Ðốc.

Ðang lúc Washington Post phải đối đầu với vấn đề chủ quyền thì loạt bài Pentagon Papers bung ra. Tất nhiên tờ New York Times nhờ đó bán chạy vô cùng. Thế nhưng, chính quyền Nixon đã nhanh tay chặn được tờ Times bằng cách ra lệnh cho Chưởng Lý (Attorney General) của chánh phủ liên bang kiện New York Times tội tiết lộ bí mật quốc phòng. Mặc dù Times cho biết họ có quyền đăng vì tự do báo chí được Hiến Pháp bảo đảm, nhưng họ sẽ tạm ngưng để luật sư đôi bên có cơ hội tham vấn và điều đình. Nhược bằng không đạt được thoả thuận thì họ sẵn sàng kháng án lên Tối Cao Pháp Viện.

the-post1

Daniel Ellsberg phát biểu trước thềm toà án Liên Bang tại California, 1973 nguồn: AP

Trong lúc hai bên đang giằng co thì Ben Bradlee, chủ biên tờ Washington Post và từng là bạn thân với John F Kennedy, nảy ra ý định tìm cho bằng được tập Hồ Sơ Ngũ Giác Ðài để đăng trên báo của mình. Chủ đích của ông Bradlee là lợi dụng thời cơ để tạo uy tín cho tờ Post, đưa nó lên ngang hàng với New York Times. Tất nhiên những nhà đầu tư, những tay nhà băng chủ chốt trong hội đồng quản trị mới của công ty Post không đồng ý việc làm của Bradlee vì nó gây nguy hiểm đến sự sống còn của công ty. Ngoài ra, bà Kay Graham cũng e ngại vì Tổng thống Nixon, thuộc đảng Cộng Hoà, không những rất ghét những người thuộc phe Dân Chủ như bà và Ben Bradlee mà ông ta còn thuộc hạng người sẵn sàng dập tan mọi mầm mống chống đối bằng mọi hình thức đê tiện.

Trực diện viễn cảnh báo bị sập tiệm và mất tất cả, đồng thời bản thân mình có thể ngồi tù vì chống lại chính quyền, bà Kay Graham phải đi đến một quyết định quan trọng nhất trong đời mình. Không những vậy, nó sẽ là một phép thử cho nền dân chủ pháp trị của nước Mỹ khi Tu Chính Án Thứ Nhất của Hiến Pháp đụng chạm đến quyền hạn của bên Hành Pháp. Thêm vào đó, vì Kay Graham là một người phụ nữ trong guồng máy tư bản do toàn những người đàn ông điều khiển, nhiều người không tin bà đủ bản lãnh để lèo lái con thuyền Washington Post qua cơn bão này.

the-post4

Tom Hanks trong vai Ben Bradlee nguồn: The Post

Tuy không phải là phim kinh dị nhưng “The Post” khá hồi hộp và lôi cuốn. Steven Spielberg cho biết đây là một bộ phim ông làm tương đối nhanh gọn. Số là trong khi chờ đợi đoạn special effects của phim “Ready Player One” hoàn tất, không có chuyện gì làm, sẵn đọc được kịch bản của “The Post” và thấy nó hợp với tình hình nước Mỹ hiện nay, Spielberg quyết định làm phim này. Ông nói nó là một nhắc nhở đến sự cần thiết của nền báo chí tự do—đệ tứ quyền trong một chế độ dân chủ.

Tuy là một câu chuyện dựa trên người thật, nhưng cuốn phim có nhiều chi tiết hơi khác với sự thật lịch sử để cho cốt truyện trôi chảy và có kịch tính hơn. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi. Nói chung, Spielberg đã giữ được những nét quan trọng nhất về cuộc đấu trí giữa Kay Graham và những người xung quanh. Meryl Streep cũng thể hiện nhân vật Kay Graham với tất cả sự điêu luyện của một diễn viên dầy kinh nghiệm. Dù không là phim hành động nhưng Tom Hanks đã góp phần giúp cho câu chuyện được trôi chảy với những màn hài hước nhè nhẹ pha vào các tình huống ngặt nghèo.

the-post3

Meryl Streep trong vai Kay Graham nguồn: The Post

Nhạc phim do John Williams soạn cũng là một điểm son khác cho “The Post”. John Williams, như nhiều người biết, là một nhà soạn nhạc nổi tiếng cho những phim như “Home Alone”, “Star Wars” v.v. Trong phim “The Post”, nhạc của ông đã đóng một vai trò thiết yếu, diễn tả đúng lúc đúng chỗ những tình tiết của câu chuyện cũng như vẽ nên bao cảm xúc của nhân vật. Người xem phim nếu chú ý đến phần nhạc sẽ cảm nhận được rất nhiều thứ mà bình thường ít ai để ý tới.

Nhiều người Việt có lẽ sẽ thích phim này vì nó có liên quan đến một phần lịch sử Việt Nam. Nhưng vì phim dựa trên đối thoại là chính nên khi xem nếu có thêm phần phụ đề (subtitle) bằng tiếng Anh thì có thể sẽ dễ theo dõi hơn. “The Post” đã được tung ra trên các kênh phim mạng như iTunes, Amazon Videos cũng như trong dạng DVD và Blu-Ray.

PA