Marie Antoinette (1755-1793) là hoàng hậu cuối cùng của nước Pháp. Bà từng bị lên án làm sụp đổ vương triều Louis XVI, dẫn đến cuộc cách mạng Pháp. Nhưng đa số sử gia ngày nay cho rằng bà cũng chỉ là một nạn nhân bị nghiền bởi bánh xe lịch sử. Phim “Marie Antoinette” (2006) của nữ đạo diễn Sofia Coppola mô tả khá chính xác những sự kiện liên quan đến bà, và được xem là một trong những bộ phim hay nhất về nhân vật lịch sử này.

Marie Antoinette (Kirsten Dunst) tìm mọi cách khêu gợi anh chồng cù lần Louis XVI. Sony pictures  

Marie Antoinette tên thật là Maria Antonia Josepha Johanna von Habsburg-Lothringen. Bà là cô con gái út và là người con thứ 15 trong 16 đứa con của Hoàng hậu Maria Theresa, một nhân vật đầy quyền lực của Nhà Habsburg ở Áo quốc. Bố bà là Hoàng đế Francis I, đứng đầu Ðế chế La Mã Thần thánh (Holy Roman Empire). Họ cai trị một vùng đất rộng lớn ở Trung Âu với dân số gần 30 triệu người phần lớn nói tiếng Ðức.

Maria Antonia sanh ngày 2 tháng 11, 1755, đúng vào ngày Lễ Cô Hồn (All Souls Day). Vì thế nên hồi còn nhỏ bà được cho ăn mừng sinh nhật vào Lễ Các Thánh (All Saints’ Day) trước đó một ngày để tránh không khí ảm đạm. Lúc còn bé Maria Antonia gặp khó khăn trong việc học đọc và viết, nhưng lại giỏi về âm nhạc cũng như múa hát. Bà nổi tiếng có chất giọng tốt, biết đánh đàn phong cầm (harp), harpsichord (tiền thân của piano) và thổi sáo.

Năm Maria lên bảy, một cậu bé nhạc sĩ nhỏ hơn cô hai tháng được mời đến Vienna để trình diễn cho Hoàng Gia nghe. Sau buổi diễn, Hoàng hậu Maria Theresa hỏi cậu muốn được thưởng gì. Cậu bé trả lời cậu chẳng muốn đồ vật gì trong cung điện cả, chỉ xin được cưới Maria Antonia làm vợ. Câu nói thật thà đầy tự tin ấy làm mọi người phải phì cười, nhưng giả sử cậu ta được toại nguyện thì lịch sử nhân loại có lẽ đã rẽ sang một ngả hoàn toàn khác. Chàng nhạc sĩ tí hon ấy không ai khác hơn là thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart (1756-1791).

Marie Antoinette làm quen với cuộc sống xa hoa nơi cung điện Versailles. sony pictures

1763 cũng là thời điểm cuộc Ðại chiến Bảy Năm vừa kết thúc. Áo trước là đồng minh với Anh nay quay sang bắt tay với địch thủ của Anh là Pháp; ngược lại, Phổ đang từ đồng minh với Pháp nhảy qua làm bạn với Anh.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Ðể gầy dựng và củng cố mối bang giao chính trị mới, Hoàng hậu Maria Theresa đồng ý sẽ gả Maria Antonia cho cháu nội của Louis XV là thái tử Louis-Auguste, người sẽ nối ngôi vua Pháp. Năm 1770, khi chưa đầy 15 tuổi, Maria Antonia được đưa sang Pháp để làm thái tử phi, từ đó người ta gọi cô theo tên tiếng Pháp là Marie Antoinette.

Theo kế hoạch của hai nhà thông gia, một khi Marie Antoinette sanh được một đứa con trai để nối dõi Nhà Bourbon, cuộc liên minh giữa hai cường quốc sẽ ổn định và trật tự được tái lập tại Âu châu. Nhưng dự án hôn nhân tưởng dễ lại vấp phải trục trặc … “kỹ thuật”.  Louis-Auguste, lớn hơn Marie Antoinette một tuổi, chỉ mê săn bắn và … làm ổ khoá, không tha thiết gì chuyện gối chăn. Tình trạng này kéo dài từ năm này qua năm khác khiến ông nội là Louis XV rất buồn rầu. Trong khi đó thì Madame du Barry, nàng phi tần cưng quý của nhà vua, sinh lòng ghen ghét và trở thành kẻ thù của cô công chúa trẻ đẹp đang được triều đình cũng như dân chúng yêu mến vì tánh tình nhân hậu.

Du Barry bắt đầu phao đủ thứ tin đồn về Marie Antoinette. Không khác gì fake news ngày nay, chuyện hậu cung thêm mắm thêm muối được lan truyền nhanh chóng trong giới bình dân cũng như quý tộc. Bản thân Marie Antoinette lại quá ngây thơ và cứng đầu. Và vì được bảo bọc trong nhung lụa từ nhỏ nên cô thái tử phi tuổi mới lớn hoàn toàn không biết gì về tình hình tài chánh bấp bênh của nước Pháp từ khi vua Louis XV lên ngôi, cũng như tình trạng đói khát của người dân vì sưu cao thuế nặng. Ðược ăn sung mặc sướng, Marie Antoinette dần làm quen với lối sống xa hoa quá độ của giới vua chúa quý tộc Pháp.

Tiệc cưới của Marie Antoinette và Louis XVI (Jason Schwartzman). nguồn: Sony pictures

Sau bốn năm hôn nhân không có con (vì không có sex), Louis-Auguste bỗng dưng trở thành vua nước Pháp khi Louis XV qua đời vì mắc bệnh đậu mùa. Lễ tấn phong cho Louis XVI và Hoàng hậu Marie Antoinette diễn ra tại Thánh đường Reims. Sau sự kiện này, thiên hạ đồn rằng khi nhìn thấy cảnh thiếu đói của dân chúng Marie Antoinette đã tuyên bố: “Nếu họ hết bánh mì thì cho họ ăn bánh!” (If there’s no bread then let them eat cake). Sự thật không hẳn như vậy. Lúc bấy giờ ở Pháp có loại bánh mì Brioche không cần dùng nhiều bột, nên ý của tân hoàng hậu là đề nghị dân chúng hãy ăn Brioche cho đỡ tốn. Nhưng một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc Marie Antoinette bị mang tiếng là một người nhẫn tâm.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Louis XVI lên ngôi khi mới 22 tuổi, không những không có kinh nghiệm mà còn thiếu khả năng lãnh đạo của cha ông. Ông cố của chàng, Louis XIV, là một vị vua lừng lẫy, còn được gọi là The Sun King — vị vua mặt trời Apollo trong truyền thuyết Hy Lạp. Trong 72 năm trị vì, Louis XIV đã đưa nước Pháp lên hàng cường quốc, cho xây cung điện Versailles mà đến nay vẫn được xem là kỳ tích của Châu Âu. Nhưng cái gì cũng có cái giá phải trả của nó. Ðến đời Louis XVI thì nước Pháp rơi vào cơn khủng hoảng kinh tế, nợ ngập đầu vì mấy đời vua trước ăn xài quá phung phí. Không những thế, Pháp còn tài trợ cuộc kháng chiến của George Washington chống lại kẻ thù của mình là Anh Quốc. Thế nhưng nhà vua vẫn tiếp tục bỏ tiền cho Marie Antoinettes mua sắm, lại còn xây cho hoàng hậu một thôn ấp riêng — Hameau de la Reine, để bà có thể làm thường dân, trồng rau, nuôi gà, vắt bò sữa…

Phải sau bảy năm sau Marie Antoinette mới có bầu và hạ sinh một bé gái. Liền theo đó là hai cậu con trai và một cô gái út. Ðược làm mẹ, Marie Antoinette trưởng thành ra và bớt những trò tiệc tùng, cờ bạc, hát múa. Bà ăn mặc giản dị hơn, và rất mực thương yêu con cái mặc dù luật hoàng gia không cho bà trực tiếp nuôi con hay cho con bú.

“Hameau de la Reine” – Thôn ấp của Hoàng hậu, ngày nay là một điểm du lịch không thể bỏ qua nếu có dịp ghé thăm Versailles. nguồn: wikimedia

Thế nhưng niềm vui chưa hưởng được bao lâu thì bi kịch đời bà bắt đầu với cái chết của trưởng nam và cô con gái út. Tiếp theo là cuộc cách mạng Pháp, khởi đầu với vụ phá ngục Bastille. Ít lâu sau một đám đông phụ nữ thường dân (trong đó có một số đàn ông giả dạng) kéo đến đòi bắt nhà vua và hoàng hậu. Marie Antoinette đã khéo léo hạ nhiệt đám đông khi bà xuất hiện một mình trên ban-công và cúi đầu như tạ lỗi với công chúng.

Xem thêm:   Đóa hoa mong manh

Nhưng hành động này không đủ để ngăn cản sự giận dữ của dân chúng sau nhiều thập niên đói nghèo trong khi giới quý tộc nhởn nhơ ăn chơi phè phỡn. Những năm trẻ tuổi vui chơi đã vô tình biến Marie Antoinette thành biểu tượng cho sự thối nát của chế độ phong kiến. Cuộc cách mạng ở Mỹ thành công càng khiến người Pháp muốn dẹp chế độ vua chúa và đổi nước họ thành một xứ Cộng hoà Dân chủ. Cách mạng Pháp bùng nổ; một giai đoạn khủng hoảng đầy máu me nối tiếp. Louis và Marie cùng hai đứa con phải rời Versailles và sau đó bị bắt giam.

Phim “Marie Antoinette” đến đây thì chấm dứt. Ta không phải xem kết cuộc bi thảm khi Louis XVI bị lên đoạn đầu đài, rồi vài tháng sau Marie Antoinette cũng chịu chung số phận. Âu cũng tốt thôi, vì đây thực sự là một bộ phim rất đẹp, với nhiều cảnh trí và trang phục cầu kỳ. Kirsten Dunst nhập vai Marie Antoinette rất đạt, chuyển đổi tánh nết theo trình tự thời gian hết sức tự nhiên. Chỉ tiếc là phim nói tiếng Anh nên mất phần nào cái không khí Pháp cổ mà có lẽ khán giả Việt như người viết bài này sẽ còn thích hơn nữa.

PA

Dallas