Singapore không phải là một quốc gia “gia đình trị” theo đúng nghĩa nhưng chuyện nhà của một gia đình ở nước này khiến cả nước phải chộn rộn theo. Đó là gia đình cố Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông Diệu làm Thủ tướng mấy chục năm, về hưu thì con trai cả là Lý Hiển Long, hiện 65 tuổi, lên thay. Không phải kiểu “cha truyền con nối” mà do được dân chúng tín nhiệm, thấy ông Long cũng thuộc loại “hổ tử” nên bầu lên. Ông Diệu còn có 2 con hổ khác; đấy là bà Lý Vĩnh Linh (63 tuổi) và ông Lý Hiển Dương (59 tuổi). Bà Linh là bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Ông Dương làm tướng trong quân đội, sau khi về hưu nắm những chức vụ quan trọng nhiều công ty lớn ở Singapore. Cả ba người con đều thuộc loại trí thức tinh hoa của nước này. Vậy mà cái gia tài (không lớn gì lắm) của ông Diệu để lại thì mấy anh em giải quyết không được đến nỗi đem tố cáo lẫn nhau trên báo chí. Phần chính gia tài là cái nhà vợ chồng ông Diệu ở từ hồi mới cưới. Ý hai người em là muốn phá hết xây lại (vì cũ quá). Ý ông Long thì chỉ tân trang lại mà thôi, đặc biệt giữ y nguyên căn phòng ăn vì nơi đây là “di tích lịch sử”, ông Diệu từng dùng để họp hành với các quan chức trong chính phủ. Những năm cuối đời, ông Diệu không muốn phá hủy căn nhà mà chỉ tân trang lại hoàn toàn và nhất là không muốn biến nó thành “viện bảo tàng” để người ngoài vào xem. Ông Dương và bà Linh tố cáo ông Long lợi dụng chức vụ Thủ tướng để giành phần thắng trong tranh chấp này. Ông Dương còn tố cáo thêm ông Long đang “nhắm” căn nhà đó cho cậu con trai đang du học bên Mỹ vài năm nữa về. Kể ra giỏi “kinh bang tế thế” như ông Diệu mà không thấy trước mâu thuẫn của mấy người con sau khi mình chết thì cũng uổng… tài!

chuyen-nha-ra-chuyen-quoc-gia3

Ngôi nhà (mái ngói) của vợ chồng ông Lý Quang Diệu nhìn từ trên cao. https://www.nytimes.com

chuyen-nha-ra-chuyen-quoc-gia1

Ông Lý Quang Diệu lúc mới lên làm Thủ tướng năm 1959.

chuyen-nha-ra-chuyen-quoc-gia2

Đám tang ông Lý Quang Diệu (Hàng thứ nhì từ trái qua là ông Dương, rồi đến ông Long, còn bà Linh ở ngoài cùng bên phải).

chuyen-nha-ra-chuyen-quoc-gia

Ông Long đang điều trần trước Quốc hội về những lời tố cáo của hai người em.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Đấy không chỉ là câu thơ của Việt Cộng dụ khị người dân cật lực lao động mà còn là ý của ông Phạm Sỹ Quý đang làm Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái. Mấy tuần qua, ông bị báo chí và cộng đồng mạng soi mói khu biệt thự quá vĩ đại của ông. Ông “khai” với báo chí là (để xây khu biệt thự đó) ông đã vay ngân hàng 20 tỷ đồng, mượn của bà con bạn bè, và nhất là tích góp từ hồi còn trẻ. Ông nói nguyên văn: “Thời thanh niên tôi đi mua chổi đót, lá chít từ trên này xuống Hà Nội, đã có những lúc tôi lạc trong rừng, ngủ trong rừng. Từ ngày xửa xưa tôi còn làm men nấu rượu, làm bánh kẹo, làm giá đỗ. Tôi chả thiếu nghề gì trên đời. Năm thứ 3 đại học thì tôi cùng chung với bạn mở xưởng đóng giày ở Ngã Tư Sở. Mọi người đừng nhìn ở hình ảnh ngày hôm nay mà nên tìm hiểu cả quá trình”. Nói kiểu ông này thì đúng là “Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”, như lời của Hoàng Trung Thông, tác giả của câu thơ trên.

ban-tay-ta-lam-nen-tat-ca2

Phạm Sỹ Quý ngồi “họp báo”

ban-tay-ta-lam-nen-tat-ca1

Toàn cảnh khu biệt thự nằm trên đồi. http://dantri.com.vn

ban-tay-ta-lam-nen-tat-ca3

Bên trái là nhà thờ họ, ở giữa là nhà sàn để giải trí, bên phải là biệt thự để ở. http://vnexpress.net

Đá banh… đánh ba

Mới đây, Tổng thống Moon Jae-in của Nam Hàn đưa ra một diệu kế đặng giảm bớt căng thẳng chính trị hiện nay giữa ba, bốn nước Á Đông. Trung Cộng đang bực tức Nam Hàn vì để cho Mỹ đặt thêm hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Nam Hàn thì lâu nay còn hận Nhật Bản về cái vụ bắt phụ nữ nước họ “phục vụ” binh lính Nhật hồi Đệ nhị Thế chiến mà tới nay vẫn chưa chịu xin lỗi. Nhật Bản và Trung Cộng cũng căng thẳng với nhau vì tranh chấp hòn đảo Điếu Ngư. Nam Hàn và Bắc Hàn không những kình chống nhau trên thực tế mà còn cả trên… “giấy tờ”. Hai quốc gia này vẫn còn trong tình trạng chiến tranh với nhau, chưa ký hiệp định đình chiến! Ông Moon đề nghị với… FIFA là Hiệp hội Túc cầu Quốc tế cho hai nước (Nam và Bắc) Triều Tiên với Trung Cộng và Nhật Bản đồng tổ chức giải Túc cầu Thế giới vào năm 2030. Ông cho rằng môn thể thao đó sẽ đem lại tình hữu nghị giữa các nước này. Ý tưởng của ông hay dở ra sao chưa biết chứ trong quá khứ thì môn thể thao này từng gây ra chiến tranh giữa hai quốc gia láng giềng ở Nam Mỹ. Đấy là mùa hè năm 1969, El Salvador và Honduras tranh nhau vòng loại để tham dự World Cup 1970. Trận đầu diễn ra ở Honduras và đội banh nước chủ nhà thắng 1-0. Trận thứ nhì diễn ra ở El Salvador thì đội banh nước này thắng lại 3-0. Trận thứ ba để phân thắng bại tại nước thứ ba là Mexico thì hai đội hòa nhau phải đá thêm giờ và cuối cùng El Salvador thắng sát nút 3-2. Trong khi cầu thủ hai đội đang thi đấu (hung hăng) trên sân thì bên ngoài và trên khán đài các cổ động viên hai bên cũng đá… đấm nhau dữ dội. Dĩ nhiên hai nước này đã hiềm khích với nhau từ trước mà chuyện đá banh chỉ là giọt nước tràn ly. Sau trận thứ ba, trong ngày hôm đó, El Salvador tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ ngoại giao với Honduras và khoảng 3 tuần sau thì cho quân tấn công nước này. Hai nước đánh nhau được 4 ngày thì ngưng chiến; nên nó được gọi là Cuộc chiến 100 Giờ.

da-banh-danh-ba

Tổng thống Moon Jae-in đang đề nghị với Chủ tịch FIFA Gianni Infantino về việc đồng tổ chức World Cup 2030 với ba nước láng giềng. http://edition.cnn.com