Nhiều nhà độc tài trên thế giới có cái tật… chung là muốn “sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. Kẻ xây lăng, người xây tượng; riêng đương kim Tổng thống Robert Mugabe của xứ Zimbabwe bên Phi châu thì xây… trường đại học mang tên ông. Mugabe làm tổng thống từ năm 1987 tới giờ, hiện 93 tuổi, và đã tuyên bố sẽ “tranh cử” tổng thống nhiệm kỳ tới. Mới tháng trước, ông ra chỉ thị làm sao tên tuổi của ông vẫn còn mãi sau khi ông “ra đi”. Chính quyền đã chấp thuận ngân quỹ 1 tỉ Mỹ kim để xây dựng trường đại học Robert Mugabe University.

chet-ma-van-song-mai

Tổng thống Mugabe của Zimbabwe.

Quýt làm cam chịu

Làm ăn buôn bán cũng giống như làm chính trị, phải cần thiên thời, địa lợi, và nhân hòa. Hai vợ chồng ông Tommy Daras cứ ngỡ mình được cả 3 yếu tố đó khi mua lại một khu đất ở thị trấn Orangeburg thuộc tiểu bang South Carolina. Họ mua trọn khu đất này để mở nhà hàng, ngoại trừ miếng đất nhỏ xíu nằm ngay mặt tiền. Miếng đất này chỉ rộng vừa đủ trồng một cái cột… cờ. Trên cây cột này treo lá cờ Miền Nam thời nội chiến ngày xưa. Trước khi khu đất được bán cho ông Daras, miếng đất nhỏ đó đã được bán cho một hội “ái hữu Miền Nam” mang tên “Sons of Confederate Veterans Camp 842”. Nghe cái tên đủ biết lý do tại sao cái hội này mua miếng đất nhỏ xíu đó để treo lá cờ của phe Confederate Miền Nam. Ngay từ khi mới “grand opening” cái nhà hàng, đêm nào mấy cửa sổ cũng bị ném đá bể hết kính. Lý do vì có hơn ba phần tư cư dân thị trấn này là người da đen. Ông Daras muốn hạ lá cờ đó xuống mà không được vì miếng đất nhỏ xíu đó không thuộc quyền sở hữu của ông. Ai ngờ khu đất “đắc địa” này ngày càng trở nên… “độc địa”. Hiện nay khắp nước Mỹ đang bùng lên cuộc “cách mạng văn hóa” đòi xóa bỏ mọi hình ảnh của chính quyền Miền Nam như tượng đài, cờ quạt, tên các tướng lãnh và quan chức…

quyt-lam-cam-chiu1

Ông Daras đang phân trần với báo chí về cái cột cờ

quyt-lam-cam-chiu

Lá cờ Miền Nam (ở phía dưới) đang tung bay trước cửa tiệm của vợ chồng Daras.

Hoàng tử ăn nói “bất tử”

Không phải ai làm hoàng tử cũng sướng, nhất là khi ăn nói bất lợi cho hoàng gia. Ðó là trường hợp một số hoàng tử của Hoàng gia Ả Rập Saudi. Năm 2002, một hoàng tử tên là Sultan bin Turki bin Abdulaziz, đi chữa bệnh ở Âu châu được báo chí mời phỏng vấn. Ông nói chính quyền nước ông vi phạm nhân quyền trầm trọng và nạn tham nhũng hoành hành trong các hoàng tử và quan chức. Ðột ngột năm sau, ông bị mất tích. Ðến năm 2010, ông lại… đột ngột trở lại Âu châu và ra trước Tòa án Thụy Sĩ khai mình đã bị Hoàng gia Ả Rập bắt cóc ngay tại Thủ đô Geneve của Thụy Sĩ. Ðầu năm 2016, ông bị lừa phỉnh đi trên một chiếc máy bay tư nhân và bị đưa thẳng về Ả Rập. Ông “im hơi lặng tiếng” từ đó đến nay. Một hoàng tử khác tên là Turki bin Bandar, từng là thiếu tá cảnh sát, chịu trách nhiệm bảo vệ hoàng gia. Trong một lần cãi vã với các thành viên trong hoàng tộc về một tài sản thừa kế, ông bị bỏ tù. Sau khi được thả, ông trốn qua Pháp và lên trang mạng Youtube kêu gọi chính quyền Ả Rập cải cách. Khoảng 3 năm sau, vào năm 2015, ông cũng đột ngột biến mất từ đó tới giờ. Một hoàng tử nữa tên là Saud bin Saif al-Nasr cũng qua châu Âu lưu vong và viết báo chỉ trích chế độ nước ông. Rồi ông cũng bị mất tích cùng thời gian với Hoàng tử Turki. Hiện giờ còn một hoàng tử khác sống ở Ðức, tên là Khaled. Ông nói ông là vị hoàng tử lưu vong cuối cùng đang còn… “tại ngoại”, không biết sẽ bị bắt cóc lúc nào. Hoàng gia Ả Rập Saudi cai trị xứ này kể từ năm 1932 với bàn tay sắt. Từ dân thường cho đến người thuộc hoàng tộc đều bị trừng trị nếu làm những chuyện trái với chủ trương của hoàng gia.

hoang-tu-an-noi-bat-tu3

Sultan bin Turki bin Abdulaziz

hoang-tu-an-noi-bat-tu2

Turki bin Bandar.

hoang-tu-an-noi-bat-tu1

Saud bin Saif al-Nasr

hoang-tu-an-noi-bat-tu

Khaled.

Bán cái cho nhau

Trước cuộc “cách mạng văn hóa” đòi xóa bỏ các biểu tượng về Miền Nam, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ, tiêu biểu là bà Pelosi, kêu gọi bên đảng Cộng hòa (đang chiếm đa số ở Quốc hội) ra luật dời tất cả những bức tượng về phe Miền Nam ra khỏi tòa nhà Capitol Hill của Quốc hội Hoa Kỳ. Tổng cộng là 10 bức tượng; trong đó có tượng Alexander Hamilton Stephens làm Phó tổng thống chính quyền Miền Nam. Bên Cộng hòa thì… đá qua cho các tiểu bang với lý do là các bức tượng đó do các tiểu bang hiến tặng. Giờ tiểu bang nào muốn đòi lại thì trả về; còn không thì đành phải giữ lại. Kẹt cái, trong khí thế tưng bừng của cuộc “cách mạng”, các tiểu bang đòi lại mấy bức tượng đó để làm gì và để… đâu?

ban-cai-cho-nhau

Tượng Robert Lee được tiểu bang Virginia tặng Quốc hội Hoa Kỳ năm 1909.

ban-cai-cho-nhau1

Tượng Alexander Hamilton Stephens cùng nhiều tượng khác trong tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ.