Tiếng Anh có thành ngữ “passing the torch”, nghĩa đen là chuyền tay ngọn đuốc, nghĩa bóng là truyền sứ mệnh từ thế hệ này sang thế hệ kế thừa…

Trên bục nhận huy chương môn Floor Exercise. Từ trái: Sunisa Lee (Bạc), Simone Biles (Vàng), Angelina Melnikova (Đồng) – nguồn startribune.com   

Tại giải World Gymnastics Championship năm nay ở Stuttgart (Ðức) đội Nữ của Mỹ thắng lớn với chiếc huy chương vàng đồng đội 5 lần liên tiếp (và 7 lần tổng cộng). Kỷ lục này huề với đội Nữ Romania trong thập niên 1990-2000. Ðó là chưa kể từ 2011 đến nay, đội Nữ Hoa Kỳ đã đoạt huy chương vàng tại tất cả các giải Olympic và World Championship. Thành tích vô cùng đáng nể này tương đương với các đội gymnastic hùng hậu của Liên Xô vào thập niên 1960-1980, khi bộ môn thể dục dụng cụ gần như bị thống lĩnh hoàn toàn bởi các xứ Ðông Âu, Nga và Trung Quốc.

Về phía cá nhân, Simone Biles, lực sĩ giỏi nhất của đội Mỹ, trở thành lực sĩ đoạt nhiều huy chương nhất trong lịch sử giải Quốc Tế cho cả Nam lẫn Nữ, với 25 chiếc huy chương. So với Nữ, Simone Biles qua mặt nhẹ nhàng cô nàng Svetlana Khorkina người Nga (20 huy chương tại giải Quốc Tế). Nhưng ngầu hơn gấp bội là Simone đã dứt sữa luôn kỷ lục 23 huy chương Quốc Tế (giữ từ 1996 đến giờ) của nam lực sĩ Vitaly Scherbo, người Nga. Không còn chối cãi hay nghi ngờ gì nữa, Simone Biles là gymnast vĩ đại nhất mọi thời đại – GOAT (Greatest of all time).

Nhưng đường đến đỉnh vinh quang của Simone Biles không suôn sẻ tí nào. Sau khi thắng bốn huy chương Vàng tại Thế Vận Hội 2016 tại Rio De Janeiro (Brazil), cô quyết định tạm ngưng thi đấu một năm để dưỡng sức. Bình thường, một lực sĩ dù giỏi cách mấy khi ngưng chơi một thời gian dài như vậy đều sẽ gặp khó khăn khi quay trở lại. Ðó là chưa kể gymnastics là môn thể thao ngắn hạn, nhất là cho phái nữ. Năm nay “đã” 22 tuổi, Simone hay bị gọi đùa là “Bà Ngoại”.

Vậy mà Bà Ngoại ngày trở lại còn hung hãn hơn khi ra đi. Bà đã làm thiên hạ lé mắt với nhiều chiêu mới, vừa độc đáo vừa khó cực kỳ mà chưa ai làm nổi trong các giải đấu quốc tế. Tại Stuttgart 2019, Bà tóm gọn 5 huy chương Vàng, kể cả trong nội dung yếu nhất của mình là Balance Beam. Tiết mục này tại Olympic Rio 2016 bà đã xém té lọt đài, khiến Bà tập dợt nó càng hăng hơn, và chế ra một cú hạ cánh (không an toàn) được giới thể dục dụng cụ đặt tên là “cú nhảy Biles”.

Simone Biles và Sunisa Lee – nguồn Sunisa Lee, Instagram

Sau khi qua mặt Vitaly Scherbo với huy chương thứ 24, Simone đã kết thúc giải World Championship cuối cùng của mình với chiếc huy chương Vàng trong nội dung Floor Exercise (nhào lộn trên sàn). Dĩ nhiên mọi người đã đoán trước được kết quả này; Simone Biles mà không thắng mới là chuyện lạ vì môn này là sở trường của cô. Cái làm nhiều người ngạc nhiên là chiếc huy chương Bạc lại về tay Sunisa Lee – một cô gái người H’mong đến từ tiểu bang Minnesota, lần đầu tiên xuất hiện trong giải Vô Ðịch Quốc Tế.

Mới 16 tuổi, Sunisa là nữ lực sĩ nhỏ nhất trong đội Nữ và là người H’mong đầu tiên lọt vào đội tuyển Mỹ. Năm ngoái Sunisa còn chơi cho đội thiếu nhi Junior, vậy mà năm nay, lần đầu tiên được tranh tài cho đội người lớn Sunisa đã gây ấn tượng mạnh. Có tài năng và thể lực đã đành, điều làm cho nhiều người phải nể phục là sự quyết chí và khả năng tập trung cao độ của cô.

Vài tuần trước khi đội tuyển nữ chuẩn bị sang Ðức tranh tài, cha của Sunisa trong lúc giúp người hàng xóm cưa cây thì bị té thang và liệt nửa người. Sunisa vừa phải đi học ở trường (năm nay cô học lớp 11), đi tập ở gym, lại còn phải vào bệnh viện để thăm cha. Dù phải nằm một chỗ, John Lee đã thuyết phục con gái của mình phải gạt tình riêng qua một bên để sang Stuttgart dự giải Quốc Tế. Hàng ngày John Lee dùng Facetime để nói chuyện với con gái mình từ bệnh viện, uỷ lạo tinh thần cho Sunisa. Khi đội tuyển Mỹ thắng Giải Ðồng Ðội cách đây mấy hôm, Sunisa trở thành người Mỹ gốc H’mong đầu tiên được huy chương Vàng tại cuộc thi Gymnastic Quốc Tế. Cô nói trước mỗi cuộc tranh tài cô đều nghĩ đến cha mình, và cố gắng hết mình để làm cho ông vui.

Mẹ của Sunisa, bà Yeev Thoj, kể rằng con gái bà bắt đầu học gymnastics lúc 6 tuổi, tức khá trễ so với những đứa bé khác. Gia đình bà chẳng ai biết gì về môn thể thao này, nhưng bà để ý thấy từ nhỏ Sunisa đã thích nhào lộn đủ kiểu – từ trên giường ra tới sân vườn. Một ngày kia có người bạn giới thiệu với vợ chồng bà một lò luyện lực sĩ gymnastics (còn gọi là gymnasts) ở Minnesota. Thế là ông bà cho con mình đi học thử. Với năng khiếu bẩm sinh, chẳng bao lâu Sunisa đã qua mặt các học sinh cùng trang lứa.

Đội tuyển Nữ Hoa Kỳ, từ trái: Sunisa Lee, Grace McCallum, Jade Carey, MyKayla Skinner (thay thế), Simone Biles, Kara Eaker – nguồn lipstickalley.com

Năm 7 tuổi Sunisa thắng giải all-around của thiếu nhi Minnesota. Năm lên 8  cô nhảy vọt ba cấp lớp trong vòng một năm. Năm 11 tuổi cô được cho lên cấp 10, tức cấp cao nhất, sẵn sàng vào hạng “elite” – tức hạng tối ưu được chọn vào đội tuyển đi tranh tài tại Thế Vận Hội hay Giải Vô Ðịch Quốc Tế.

Từ ngày Sunisa xuất hiện, các bậc phụ huynh H’mong dần hiểu ra giá trị của thể thao. Trước giờ cha mẹ H’mong chỉ muốn con mình “học chữ” chứ không chú trọng đến thể thao cho lắm vì đa số cho là nó … phí thì giờ, khó kiếm cơm. Ông Lee Pao Xiong, giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hoá H’mong tại đại học Concordia nói:

“Sau 40 năm sống ở Mỹ, đầu óc của các bậc cha mẹ này đã thay đổi. Họ hiểu được vì sao thể thao quan trọng. Giờ đây họ nhận thấy thể thao mang đến nhiều lợi ích cho con cái họ – tạo cho chúng dịp để sinh hoạt chung với bạn bè; tạo môi trường có cấu trúc chặt chẽ để chúng biết tự kỷ luật, tăng tự tin, phát triển kỹ năng lãnh đạo…”

Nhưng vào được đội tuyển quốc gia như Sunisa đâu phải chuyện dễ. Hiện nay có cả trăm ngàn nữ sinh ghi danh vào các chương trình trực thuộc tổ chức USA Gymnastics. Từ con số đó chỉ có 24 em gymnasts là được chọn vào đội Junior hay Senior. Các em này phải cực kỳ giỏi là chuyện hiển nhiên. Nhưng điều ít ai biết là gia đình các em phải hy sinh rất nhiều thì giờ cũng như tiền bạc để con mình có cơ hội đại diện quốc gia tại các cuộc tranh tài trên thế giới.

Sunisa Lee (trái) đang làm homework với sự giúp đỡ của cha cô, John Lee; hai đứa em ngồi coi. nguồn: MPRNEWS.org

John Lee nói hai vợ chồng ông phải thay phiên nhau đi theo Sunisa mỗi khi cô đi tranh giải. Họ phải tính toán từng đồng, từng xu, vì Sunisa có đến năm anh chị em. Lâu lâu họ tổ chức tiệc gây quỹ, khi thì hát karaoke, khi thì nấu phở mời bà con láng giềng đến ăn ủng hộ. Ông hay đùa là “nếu không có ‘Suni’ thì giờ đây tôi đã tậu được chiếc xe đời mới, hay chí ít một chiếc tàu để đi câu cá!”

Huấn luyện viên của Sunisa cho biết nhiều khi họ dạy cho cô miễn phí vì họ biết hoàn cảnh khó khăn của những gia đình có con theo đuổi giấc mơ Olympic. Họ lý luận: “Không ai có thể làm ngơ nếu có một ‘Simone Biles’ bước vào gym của mình và nhờ được giúp đỡ. Và Sunisa sẵn sàng hy sinh làm việc cật lực, nên không lý gì chúng tôi bỏ rơi cô ấy chỉ vì tiền. Một tài năng xuất chúng như thế rất hiếm khi ta bắt gặp.”

Giải vô địch World Championship đã qua. Sunisa và Simone hiện đang chuẩn bị cho Thế Vận Hội 2020 tại Nhật. Simone Biles cho biết cô sẽ giải nghệ sau đó. Nhưng ngọn đuốc có lẽ sẽ được cô chuyền sang cho Sunisa, ngôi sao mới đang lên. John Lee cho hay nếu Sunisa được chọn vào đội tuyển Olympic, bằng bất cứ mọi giá vợ chồng ông sẽ có mặt ở Tokyo để xem con gái mình biểu diễn.

Nghĩa là bà con láng giềng của họ sắp được cho … ăn phở!

BB

Dallas – TX