Hai tuần trước, chỉ vì người General Manager đăng lên Twitter ủng hộ dân Hong Kong biểu tình phản kháng, tức thì bão tố ập lên đội banh rổ nhà nghề NBA Houston Rockets. Các “mạnh thường quân” China như hiệu đồng phục Li-Ning hay nhà băng tài trợ Thượng Hải SPD Bank cắt đứt mọi giao dịch. Lãnh sự quán China ở Houston ra tuyên cáo báo chí chỉ trích. Tại các cửa tiệm tạp hóa China, vật dụng thể thao của đội này cũng đồng loạt bị dẹp sạch.

Đội banh bầu dục Đại Học University of Alabama viếng thăm Tòa Bạch Ốc sau khi giật cúp vô địch sinh viên quốc gia 2017. Ảnh Susan Walsh/AP      

Tháng trước, trong trận banh vòng loại World Cup 2022 hôm 10/9/2019 (chủ nhà Hong Kong thua đội khách Iran 0-2), khán giả Hong Kong cũng đã la ó và xoay lưng lại camera lúc quốc ca China trỗi lên để tỏ vẻ bất bình (từ khi Anh giao trả năm 1997, mặc dù Hong Kong tiếp tục được lập đội banh riêng đá World Cup nhưng quốc ca phải dùng bài hát China). Chưa rõ  FIFA có bị áp lực gì không khi ra quyết định phạt vạ thẩm quyền đá banh Hong Kong $15,100 vì đã “khi quân”.

Thợ Tàu tháo bỏ nhãn hiệu vật dụng thể thao của đội Houston Rockets. Ảnh www.reuters.com

Tuần qua, tới phiên nữ danh hài Ellen DeGeneres 61 tuổi “lên bàn mổ” tại Hoa Kỳ. DeGeneres là thần tượng của vô số người cách riêng trong cộng đồng người đồng tính luyến ái. Trận banh bầu dục NFL giữa Dallas Cowboys và Green Bay Packers hôm Chúa Nhật 6/10/2019 tại sân AT&T Stadium ở thành phố Arlington (Texas), DeGeneres là khách mời và được xếp ngồi cạnh cựu Tổng Thống Hoa Kỳ George W. Bush (Bush “con”). Bình thường ra đây là điều vinh hạnh. Nhưng Ellen DeGeneres lại bị ăn trứng thúi tơi bời vì đã… cả gan ngồi cạnh một Tổng Thống Cộng Hòa phe “bảo thủ”, phải lên TV thanh minh thanh nga đủ kiểu với người ái mộ.

Olympic Berlin 1936 tiền thế chiến II. Ảnh medium.com

Những chuyện này thoạt xem  có vẻ kỳ dị, không liên can tới cầu trường và những cuộc thư hùng. Nhưng mối dây ràng buộc thể thao với chánh trị xã hội thật ra là chuyện… xưa rồi Diễm. Thời chiến tranh lạnh, các lực sĩ Nga sô khét tiếng trong màu áo CCCP. Khối Ðông Âu cộng sản, cách riêng 2 nước Ðông Ðức và Ba Lan, thường có những chương trình thể thao bí mật chỉ hướng tới mục tiêu duy nhất là gặt hái huy chương tại các cuộc thư hùng quốc tế, để xác nhận “tính ưu việt XHCH”. Trận chiến tư bản – cộng sản  năm 1974 đã từng diễn ra trên 64 ô bàn cờ. Thời đó, làng cờ Sô Viết xem việc đấu cờ như cơ hội chứng tỏ sức mạnh bá chủ. Nhưng sự đời không bằng phẳng. Giữa lúc người Nga thống trị làng cờ thế giới, thình lình kỳ thủ Bobby Fischer, người Hoa Kỳ, một cái tên tuổi lạ hoắc xuất hiện, đã  đánh gục vua cờ Nga sô Boris Spassky trong trận chung kết cờ World Chess Championship 1974. Trong khi nước Nga rúng động, dư luận Hoa Kỳ và Tây phương lại ăn mừng.

Bobby Fischer (phải) và Boris Spassky (trái). Ảnh ASSOCIATED PRESS

Quay sang Ðông phương, năm 1971, có một nhóm các tay vợt ping-pong Hoa Kỳ được thu xếp đưa sang thăm China  gọi là “Ping-Pong diplomacy”. Chuyến du đấu này và các trận bóng bàn tưởng như vô thưởng vô phạt, nhưng đã góp công rất lớn trong việc khai thông bang giao Hoa Kỳ – China. Không đầy một năm sau đó, TT Richard Nixon đích thân bay sang Beijing hội họp thượng đỉnh với Mao.

Ping pong “diplomacy”. Ảnh www.sandiegouniontribune.com

Tại Hoa Kỳ mấy năm trước có nhiều tin tức ì xèo quanh Colin Kaepernick, cựu chủ công “Quarterback” của đội San Francisco 49ers. Kaepernick khởi xướng phong trào cầu thủ NFL “protest” giữa nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca Hoa Kỳ,  gây đình đám để phản đối “bất công” và “kỳ thị chủng tộc”. Kaepernick rất “máu” chuyện “đánh trâu” hay “tránh đâu”, thích khoe niềm ngưỡng mộ những chiến binh cộng sản như Fidel Castro hay Che Guevara. Nhưng làng banh NFL và giới chủ nhân cần cầu thủ góp mặt để đánh banh chứ không phải để “đánh trâu”. Từ chỗ năm 2014 đưa San Francisco 49ers vào chung kết Super Bowl, được tái ký hợp đồng 7 năm trị giá $126 triệu, Colin Kaepernick bị San Francisco 49ers sa thải chỉ sau một mùa giải. Ðã 3 năm trôi qua nhưng Kaepernick vẫn triền miên thất nghiệp. Nếu không đội banh NFL nào chịu thuê Kaepernick nữa, biết đâu anh chàng nổi hứng đi làm chánh trị gia thực thụ, tiếp bước những cựu lực sĩ trở thành chánh khách như tài tử Arnold Schwarzenegger, Thống đốc California (2003 – 2011), hay Jesse Ventura cựu đô vật nhà nghề trở thành Thống đốc Minnesota (1999-2003).

George W. Bush một thời là chủ nhân đội banh chày Texas Rangers. Ảnh AP Photo/Eric Gay

Các cựu lực sĩ trở thành chánh khách nổi tiếng khác bao gồm tay ném banh NBA / Thượng Nghị Sĩ New Jersey / ứng cử viên TT 2000 Bill Bradley, hay như các cựu Tổng Thống Dwight Eisenhower, Gerald Ford và Ronald Reagan đều từng đánh banh bầu dục thời sinh viên đại học. Gần đây nhất có cựu TT Bush “con” thời trẻ không chơi thể thao nhưng lại mua $500,000 cổ phần đội banh chày nhà nghề MLB Texas Rangers, để đến thời điểm đang làm Thống đốc Texas, trước khi tranh cử TT Hoa Kỳ, nhượng lại tư cách đồng chủ nhân thu lợi gần $15 triệu.

Colin Kaepernick. Ảnh www.tmz.com

Ngay cả phong trào Olympic cũng không thiếu chuyện vui buồn với chánh trị. Nhà độc tài Adolf Hitler tận dụng TVH Mùa Hè Berlin 1936 để phô trương thanh thế Ðức Quốc Xã. TVH Munich 1972 thì vĩnh viễn dính với vụ khủng bố Palestine bắt cóc rồi tử hình 11 lực sĩ người Do Thái. Và không thể không nhắc tới TVH Moscow 1980 và vụ tẩy chay thể thao lớn nhất xưa nay. Nhằm để phản đối Nga sô xua quân xâm chiếm Afghanistan 1 năm trước khi mở màn Olympic, Hoa Kỳ và đồng minh Tây phương nhất loạt tẩy chay TVH Moscow.

Sự kiện cá nhân lực sĩ bày tỏ chánh kiến cũng không phải mới đây. Nổi tiếng bậc nhất phải kể võ sĩ huyền thoại Muhammad Ali chống chiến tranh Việt Nam tới bến, không chịu đi quân dịch, cho dù phải trả giá bị treo găng. Tóm lại, những chuyện “nhạy cảm”, nổi giận quanh các vụ “phạm thượng” hay “kỵ húy” trong thể thao không hẳn chỉ xảy ra riêng với China. Ngày nay, thời đại Internet với hệ thống mạng xã hội “Social Media” càng thêm khuyến khích trăm hoa đua nở, mọi nhà có thể vào “Facebook”, có thể đưa tin trên “Twitter”… Những xung khắc thể thao – chánh trị sẽ  ngày càng nhiều hơn và… táo tợn hơn.

TTD