Giải Túc Cầu Rugby Quốc Tế lần thứ 9 vừa khai mạc tuần qua tại Tokyo, Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên giải thể thao lớn thứ ba trên thế giới được tổ chức tại Á Châu.

Một màn diễn trong đêm khai mạc tại sân vận động Tokyo Stadium, 20/9/2019. nguồn: epa     

Bảy tui còn nhớ như in lần đầu tiên trong đời “làm cái chuyện ấy” – đi coi một trận đá banh World Cup, tại Dallas năm 1994. Ôi, cái không khí hừng hực đó nó hồ hởi, hào hứng làm sao. Ðã vậy còn được dắt ông già tui theo nữa mới thiệt là … hả hê. Bởi, hồi còn nhỏ ổng hay dẫn tui đi coi đá banh ở sân Cộng Hoà – nào là Tổng Tham Mưu, Cảnh Sát Quốc Gia, Hải Quan… đủ thứ – giờ ổng già, tới phiên mình dẫn lại ổng đi coi World Cup, thử hỏi hổng háo hức sao đặng? Cũng kể từ đấy, môn đá banh bùng nổ trên nước Mỹ; ngày nay đội tuyển Nữ Hoa Kỳ coi như sếp sòng thiên hạ.

Cho nên khi nghe tin Nhựt Bổn được phép  tổ chức Rugby World Cup (RWC) vào năm 2019, Bảy tui liên tưởng ngay đến một tương lai khá sáng sủa cho “rugby football” trên lục địa Á Châu, vốn xưa nay ít ai quen thuộc với môn này, trừ người Nhật – vì họ đã biết chơi rugby từ hồi … Tự Ðức còn làm vua ở nước Việt Nam! Nhưng trước khi tui kể chuyện đội “Lùn” đá với đội “Cao”, xin tóm lược nguồn gốc chữ “rugby” cho những ai chưa đọc (hoặc đã quên) bài “Football vs Rugby” trên báo Trẻ cách đây không lâu.

Bức tranh xưa vẽ cảnh lính Anh chơi rugby, có dân chúng Nhật đứng xem, ghép với hình cầu thủ rugby Nhật thời nay của Andrew Lee. nguồn: kyodo

Rugby (rấc-bi) đến từ một ngôi trường ở Scotland tên “Rugby School”. Năm 1832, trong giờ chơi “Foot Ball” (banh bầu dục, vừa đá vừa ném) nam sinh William Webb Ellis nổi hứng ôm banh chạy tới phía trước thay vì thảy nó ra phía sau theo lệ thường. Hành động ngẫu hứng táo bạo này đã khai sinh môn football mới, được nhiều người chấp nhận và lan tràn khắp nước Anh, kể cả tại các nước từng là thuộc địa như Mỹ. Người ta gọi nó là “rugby football” để phân biệt với football kiểu xưa. Riêng tại Mỹ nó lại đẻ ra thêm hai trường phái khác nữa là soccer (đá banh) và gridiron football (tức NFL ngày nay).

Rugby football ở Mỹ cũng có một thời khá huy hoàng, đoạt hai Huy Chương Vàng tại Thế Vận Hội 1920 (Antwerp, Bỉ); và 1924 (Paris) – trận chung kết này Pháp bị Mỹ upset ngay trên sân nhà nữa mới đau! Sau lần đó rugby bị rút ra khỏi Olympics luôn, cho tới năm 2016 mới xuất hiện trở lại tại Rio de Janeiro với phiên bản thu nhỏ gọi là “rugby seven” (mỗi bên 7 người thay vì 15; 2 hiệp 7 phút thay vì 2 hiệp 40 phút). Thành thử khi nghe chữ rugby, nhiều người ở Mỹ, nhứt là dân Việt ta, ít ai biết nó là Mẹ của NFL và bà Ngoại của Super Bowl.

Cô gái Nhật trong chiếc áo Kimono đêm khai mạc RWC 2019. nguồn: sport24.co.za

Xưa nay môn này thường chỉ được chơi tại những nước thuộc địa Anh hay nằm trong Khối Thịnh Vượng Chung (Commonwealth). Nhật Bản là trường hợp ngoại lệ. Ðó là vì vào thập niên 1860, Nhật cho phép Hải Quân Hoàng Gia Anh đóng quân tại Yokohama sau khi hai bên đánh nhau vì một sự hiểu lầm chết người vào năm 1862 (The Namamugi Incident). Thời đó nước Nhật vừa mở cửa thông thương với Tây Phương nên nhiều thương nhân nước ngoài đến làm ăn buôn bán. Yokohama là thành phố cảng nên có khá đông người Anh.

Sau vụ Namamugi, khoảng 1,000 hải binh Anh đến lập căn cứ tại Yokohama; một phần để bảo vệ công dân Anh Quốc trong vùng, một phần để giúp người Nhật hiện đại hoá Hải Quân của họ.

Tại Yokohama, một số sĩ quan Anh lập đội thể thao cho binh lính giải trí. Họ dựng sân cricket và rugby football trên những miếng đất trống, bày ra các cuộc thi đấu. Dần dà không chỉ có lính Anh mà dân Nhật cũng chơi luôn. Một số đội banh cây nhà lá vườn bắt đầu mọc lên. Một bài báo vào thập niên 1860 có kể lại một trận banh giữa “The Talls” (Ðội Cao) và “The Shorts” (Ðội Lùn).

Đội tuyển Nhật mừng chiến thắng bất ngờ trước đội Ireland hạng nhì thế giới hôm 28/9 trên sân Shizuoka. ảnh: toshiki sasazu

Dĩ nhiên là “Ðội Lùn” thua đậm, nhưng nhờ đó sử gia ngày nay mới phát hiện rugby đã có mặt ở Nhật ít nhất từ năm 1866, tức là trước cả Pháp, Nam Phi và New Zealand!

Thế rồi thời cuộc đổi thay, Hải Quân Anh rút khỏi nước Nhật sau một thời gian; rugby từ từ biến vào hậu trường. Bóng đá và nhất là bóng chày (baseball) lên ngôi. Như đã nói ở trên, giải Rugby World Cup chỉ mới bắt đầu từ 1987. Ðến nay đã 9 mùa, trong đó New Zealand được xem là đại cường quốc với ba lần đoạt cúp Webb Ellis danh giá. Nam Phi cũng là một cường quốc rugby.

Ðầu thế kỷ 20, các cuộc tranh tài giữa đội Springboks của Nam Phi và All Blacks của New Zealand được xem là những trận chiến ác liệt và kinh điển nhất trong lịch sử rugby. Nhưng sau khi Nam Phi bị thế giới tẩy chay vì chế độ kỳ thị apartheid thì đội Springboks cũng bị tẩy chay theo.

Nelson Mandela trao cúp Webb Ellis cho thủ quân Nam Phi tại Rugby World Cup 1995 ở Pretoria. nguồn: AP

Mãi đến năm 1991, sau khi apartheid bị xoá sổ thì Springboks mới được gia nhập cộng đồng rugby trở lại. Ðể đánh dấu sự kiện chính trị này, Rugby World Cup 1995 được tổ chức tại Nam Phi. Trận chung kết vô cùng hồi hộp giữa Nam Phi và New Zealand đã đưa đến kết quả bất ngờ là Nam Phi đọat cúp trên sân nhà với sự chứng kiến của tân Tổng thống Nelson Mandela, người trao cúp (đã được dựng thành phim “Invictus”, Morgan Freeman đóng vai Mandela).

Hai mươi năm sau, trong một trận vòng nhóm tại Rugby World Cup 2015, đội Springboks huyền thoại đã bị hạ đo ván bởi một đội banh đứng cuối bảng — Nhật Bản. Trận banh này được giới thể thao liệt vào hàng những trận ngựa về ngược hãn hữu nhất, ngang hàng với trận hockey Mỹ đánh bại Nga tại Thế Vận Hội 1980. Chiến thắng bất ngờ của “Ðội Lùn” trước một đại cường quốc đã khiến môn rugby ở Nhật càng được chú ý. Thành thử ta cũng không nên lấy làm lạ khi thấy dân Nhật đổ xô đi xem Rugby World Cup 2019 với niềm háo hức, hân hoan và… hăng hái!

Tại Tokyo vào ngày 20/9, đội tuyển Nhật đã mở màn bằng một trận đấu với đội tuyển Nga. Như để nhấn mạnh khí thế đang dâng, “Ðội Lùn” (nay cao lên cũng kha khá) đã đè bẹp mấy anh Nga ngồng nghệu với tỉ số 30-10. Chưa hết, trong trận thứ nhì Nhật đã quật chàng khổng lồ Ireland hiện đang đứng hạng nhì thế giới với tỉ số 19-12, khiến thế giới phải sững sờ và dân Nhật phát cuồng.

Học sinh Nhật tập chơi rugby dành cho trẻ em gọi là “tag rugby.” nguồn: world.rugby

Ðược một cái là tuy người Nhật rất tự hào dân tộc, nhưng họ đón tiếp phái đoàn nước ngoài rất long trọng và niềm nở. Khán giả Nhật vô cùng lịch sự, nhiều người còn cố gắng tập hát quốc ca của các nước bạn để hát theo trong lúc chào cờ. Và trận banh nào cũng có dàn trống cổ truyền daiko yểm trợ. Ban tổ chức cho biết vé RWC 2019 đã bán gần sạch.

Một điểm đặc biệt nữa của giải RWC là từ 2021 trở đi, tên của giải Nữ không còn thòng thêm chữ Nữ vào nữa. Thành thử giải Nữ sắp tới tại New Zealand chỉ được gọi là Rugby World Cup 2021. Ðây cũng là một trong những bước tiến bộ đến từ phong trào nam nữ bình đẳng mà công lớn do đội bóng đá Nữ Hoa Kỳ cầm đầu.

RWC 2019 sẽ kết thúc với trận chung kết vào ngày 2/11. Không ai nghĩ Nhật sẽ đoạt giải, nhưng chắc chắn một điều là môn chơi này sẽ phổ biến hơn, cũng như bóng đá đã phát triển ở Mỹ sau World Cup 1994. Biết đâu một ngày không xa đội Nữ Nhật Bản sẽ giơ cao chiếc cúp vô địch?

BB