Tại Hoa Kỳ đang lâm râm dư luận về việc những nữ lực sĩ có nhiều nam tính tranh tài khiến nữ giới bị thiệt thòi. Thí dụ như bộ đôi võ sĩ người Brazil đang đình đám trên võ đài Ultimate Fighting Championship (UFC) hiện thời: Amanda Nunes 31 tuổi (đang đứng thứ #5 trên bảng xếp hạng UFC), và Bethe Correia 36 tuổi (biệt danh “Pitbull” với phong cách tấn công bão táp).

Edinanci Silva Ảnh www.photoegrafia.com.br

Bên điền kinh còn nhiều hơn. Thử liệt kê vài đấu thủ từng gây những tranh cãi nảy lửa quanh chuyện họ thật sự là nam hay nữ:

STELLA WALSH

Tay đua gốc di dân Stanisława Walasiewicz, tên cúng cơm, di cư sang Hoa Kỳ từ 1911 nhưng luôn chạy đua tốc độ trong màu áo cố hương Ba Lan, giật huy chương vàng 100m nữ Thế Vận Hội Los Angeles 1932 và bạc 100m nữ TVH Berlin 1936, có tổng cộng 26 lần phá kỷ lục thế giới nữ. Cả đời Stella Walsh… vô tư sống như phụ nữ, chỉ đến khi qua đời năm 1980, lúc khám nghiệm tử thi người ta mới phát giác Walsh có dương vật bị dị tật một phần.

HORST RATJEN

Cựu đấu thủ nhảy cao người Ðức có thể xếp vào hàng táo tợn nhất. Ngay lúc lọt lòng mẹ, bà mụ đỡ đẻ đã không chắc Horst Ratjen là trai hay gái. Ðược cha mẹ xem và nuôi nấng như bé gái, Ratjen âm thầm đi qua tuổi vị thành niên như bất cứ thiếu niên nào khác (tuyến vú không phát triển, lông lá đầy mình mẩy, thậm chí xuất tinh, v.v…) Lớn lên được thừa nhận như nữ lực sĩ, Ratjen đại diện Ðức Quốc tranh tài TVH Berlin 1936 và European Athletics Championships 1938, từng vượt mức sào 1.7m lập kỷ lục thế giới dành cho nữ. Tình cờ bị cảnh sát câu lưu vì tội giả gái, huy chương bị tịch thu, rồi đổi tên thành “Heinrich” chuyển sang sống đời đàn ông.

Horst Ratjen. Ảnh New York Daily News

EWA KLOBUKOWSKA

Góp mặt trong đội chạy đua tiếp sức 4x100m nữ Ba Lan giật huy chương vàng và lập kỷ lục thế giới tại TVH Tokyo 1964. Ðến năm 1967, Ewa Klobukowska trở thành lực sĩ đầu tiên xưa nay bị thử nghiệm nhiễm sắc thể (chromosome test) và bị Liên Ðoàn Ðiền Kinh Quốc Tế International Association of Athletics Federations-IAAF- khai trừ, tước bỏ mọi huy chương. Thình lình năm 1968 Klobukowska… mang bầu và sanh con trai. Ba mươi năm sau, Ủy Ban Olympic Quốc Tế IOC mới giao trả huy chương cho Ewa Klobukowska.

RENÉE RICHARDS

Thời còn chơi thể thao đại học cho Yale University đầu thập niên 1950, nam sinh viên David Raskind, tên khai sanh, vượt trội trong banh bầu dục, banh chày, bơi lội, và đặc biệt được kể như tay vợt sinh viên hay bậc nhất thời đó, làm thủ quân đội quần vợt nam của nhà trường. Về sau, ra trường, chuyển giới, đổi tên thành Renée Richards, rồi đánh quần vợt nhà nghề nữ giới. Giải Grandslam banh nỉ US Open 1976 yêu cầu Renée Richards phải thử “chromosome testing” trước khi được tranh tài. Sự vụ ra pháp đình, năm 1977 tòa xử Renée Richards có quyền đánh tennis nữ mà khỏi phải chịu xét nghiệm gì ráo.

Renée Richards. Ảnh Sports Illustrated

Renée Richards sau khi chuyển giống. Ảnh Transgender Universe

EDINANCI SILVA

Suốt nhiều năm, hầu như đối thủ nào đụng phải Edinanci Silva, cựu võ sĩ nhu đạo người Brazil, đều than trời rằng Silva mạnh mẽ như đàn ông con trai. Trên thực tế, Edinanci Silva từng lên bàn mổ giải phẫu giữa thập niên 1990, rồi được IOC chánh thức nhìn nhận là nữ lực sĩ, và đại diện Brazil tranh tài TVH Atlanta 1996 và Sydney 2000.

CASTER SEMENYA

Từ 2009 đến nay, tay đua Caster Semenya người Nam Phi bá chủ đường chạy 800m nữ, giật huy chương vàng TVH London 2012 và Rio 2016, nhưng cũng thu hút chú ý toàn cầu vì cơ thể có lượng testosterone cao gấp 5 lần nữ giới bình thường. Caster Semenya bị IAAF lẫn IOC hơn 1 lần khám nghiệm cơ thể: tuyến vú không phát triển, có tinh hoàn ẩn, có âm hộ nhưng không có buồng trứng lẫn dạ con. Sau vô số thưa kiện, hiện tại tòa án chấp thuận quy định của IAAF, buộc Semenya phải chích hormone hạ mức testosterone nếu muốn góp mặt trên đường đua nữ trong tương lai.

Caster Semenya. Ảnh Los Angeles Times

Những trường hợp này tựu trung ở chỗ như thế nào là “nam tính” hoặc “nữ tính”, và làm sao phân biệt rạch ròi một lực sĩ là “đàn ông” hay “đàn bà”.

Thể thao mang lại sức khỏe, tâm lý, tài chánh, tiếng tăm, cơ hội, v.v… Dĩ nhiên, giới nữ lực sĩ có thể bị thiệt thòi nếu phải tranh hùng trong cảnh bất lợi về sức vóc.

Trên mặt sinh học đơn thuần, cơ địa nữ giới không thể sánh với cơ địa nam giới. Ðàn ông có xương vai to hơn, cơ bắp nhiều hơn trong khi tuyến mỡ ít hơn, và quan trọng nhất, buồng phổi cũng lớn hơn, có thể hấp thụ oxy nhiều hơn nhanh hơn. Ðể nữ lực sĩ có thể tranh tài một cách công bằng và giật huy chương xứng đáng, họ cần được bảo vệ.

Giữa thế kỷ 20 có nhiều nghi vấn chuyện lực sĩ giả gái, nhất là trong các phái đoàn thể thao Nga Sô cũ, hay các xứ Ðông Âu cộng sản như Ba Lan, Ðông Ðức, Tiệp Khắc “Czechoslovakia”…

Amanda Nunes. Ảnh Rolling Stone

Từ 1950 trong điền kinh IAAF đã bắt đầu kiểm tra giới tính, đến 1968 tới phiên IOC theo chân tại các kỳ Olympic. Các “testing” có đủ loại, từ khám xét, sờ mó, đo đạc, đến thử nghiệm nhiễm sắc thể chromosome, và mới nhất là đo đếm lượng testosterone. Cách chung, testosterone nam giới cao hơn nữ giới từ 10 tới 30 lần, đơn giản vì tinh hoàn tạo ra testosterone vượt trội so với buồng trứng. Y khoa hiện đại cũng xác nhận lượng testosterone ở nam giới trung bình giảm khoảng 1% mỗi năm, và đến độ tuổi ngoài 50 sụt giảm mạnh từ 30% tới 50%. Sự có mặt của vô số sản phẩm chỉ dành cho đàn ông trung niên (thuốc bổ thận, cường dương, kích dục…) thêm xác nhận thực tế này.

Trên sân đấu thể thao, phán quyết của toà án về vụ Caster Semenya là giải pháp tạm thời: các trường hợp nhiều sắc tố nam và lực sĩ chuyển giới thành đàn bà, gọi là TRANS WOMEN, có thể phải chích hormone hạ mức testosterone xuống mức trung bình của nữ giới–hoặc đơn giản đổi sang tranh tài với nam giới. Chưa thấy nam lực sĩ nào bị dị nghị là… nữ, và những người chuyển giới thành đàn ông, gọi là TRANS MEN, có thể tranh tài  với nam giới thực thụ mà không gặp trở ngại pháp lý.

TTD