Rugby football, gọi tắt là rugby, là mẹ đẻ của môn bóng bầu dục American football mà nhiều người Việt ở Mỹ rất mê. Nhưng bạn có biết rugby lại là con đẻ của … football?!

Các nam sinh trong một trận football. nguồn: williamson public liBrary

Rugby là tên của một ngôi trường nam sinh ở vùng Midlands, nằm giữa nước Anh. Huyện Warwickshire bên bờ sông Avon thơ mộng còn được biết đến là vùng đất địa linh, sản sanh nhà thơ và kịch tác gia nổi tiếng William Shakespeare (1564-1616). Hai trăm năm sau Shakespeare nước Anh mới có hệ thống trường công lập toàn quốc. Trường Rugby School ở Warwickshire được xây dựng năm 1749. Nơi đây các cậu nam sinh, như đa số thanh niên thời bấy giờ, ngoài giờ học hay trong giờ ra chơi thường chơi một trò “đá banh và chuyền banh” gọi là football.

Tuy có nguồn gốc từ đế quốc La Mã,  nhưng football của người Anh không có luật lệ đồng nhất. Mỗi nơi chơi mỗi kiểu. Ðại khái là người chơi chỉ được cầm banh lên đá về phía trước, hoặc đưa ngược về phía sau cho người khác đá – gọi là punt. Ðối phương không được tấn công qua khỏi lằn ranh nơi trái banh được chụp, do đó chụp banh xong đưa banh ra sau cho người khác đá là cách tốt nhất để mang banh đến đích: một lằn vạch cuối sân gọi là “touchline” (football Mỹ gọi là “touchdown”). Sân banh football thuở đó chẳng có quy định về kích thước, lớn nhỏ sao cũng được. Duy có điều người chơi không được phép ôm banh chạy tới.

Người đá banh thời Hy Lạp cổ. nguồn: wikimedia

Năm 1823 một sự kiện bất ngờ đã xảy ra tại sân banh trường Rugby. Nam sinh William Webb Ellis đã cố tình ôm banh nhào về phía touchline của đối phương. Hành động táo bạo này đã dẫn đến việc năm 1841 luật football được thay đổi để cho phép cầu thủ ôm banh chạy. Ðến năm 1845 thì Rugby School in ra bộ luật football đầu tiên cho trường. Các học sinh Rugby School sau khi ra trường mang luật chơi football của họ (gọi là football code) đến các trường đại học như Oxford, Cambridge v.v. Chẳng bao lâu sau luật “Rugby football code” được nhiều người tiếp nhận như tiêu chuẩn, dần dà nó trở thành bộ luật chung. Trận Rugby Football chính thức đầu tiên ở cấp đại học diễn ra vào năm 1857 giữa Edinburgh University vs Edinburgh Academicals ở Scotland.

Trong khi Rugby football càng ngày càng bành trướng thì môn football truyền thống (lối chơi không có luật lệ rõ ràng) vẫn tiếp tục được chơi. Ðến năm 1863, thấy tình hình không ổn, một tổ chức mới tên là Football Asssociation (FA) được thành lập để quản lý football. Người Anh thường gọi Association football là Soccer (từ chữ viết tắt Assoc.) cho tiện. Từ đó football được chia làm hai môn thể thao riêng biệt: Rugby (bóng bầu dục) và Soccer (bóng tròn).

Một trận rugby năm 1868. Lúc này cột gôn vẫn còn khá thô sơ. nguồn: aslagnyrugby.net

Trong khi Rugby lan truyền sang các nước trong khối Commonwealth của Anh thì Soccer được mang đến các thuộc địa khác của Âu Châu, trong đó có Việt Nam. Rugby football theo chân người di dân sang Mỹ Châu. Các hiệp hội football lần lượt ra đời ở Nam Mỹ và Bắc Mỹ. Một số trường đại học ở Mỹ và Canada cũng lập đội banh và tổ chức những cuộc tranh tài. Tuy nhiên, một lần nữa việc mạnh ai nấy chế ra luật chơi riêng lại tái diễn. Canada chuộng lối chơi football theo kiểu Rugby (dùng tay), Mỹ thích chơi kiểu Soccer (không dùng tay); cả hai đều thêm bớt và thay đổi luật chơi theo ý mình.

Năm 1874, đại học Harvard (Mỹ) và McGill University (Canada) tổ chức một cuộc tranh tài football. Họ chơi hai trận – một theo kiểu Mỹ, một theo kiểu Canada. Sau sự kiện này, Harvard bắt đầu nghiêng sang lối đá banh theo kiểu rugby và đứng ra tổ chức những trận đấu tương tự với các trường đại học khác. Từ đó rugby bắt đầu lấn sân soccer. Nhiều hội banh bầu dục  được thành lập. Họ chế ra một số luật chơi mới khác với rugby football “cổ điển”.

All Blacks của New Zealand thè lưỡi hù dọa đối phương với màn Haka truyền thống. nguồn: AllBlacks twitter

Năm 1906 đánh dấu một bước tiến nhảy vọt cho football ở Mỹ. Người ‘quarterback’, sau khi nhận được banh từ cái đống bùi nhùi phía trước – tiếng Anh gọi là ‘scrum’, tiếng Mỹ là ‘scrimmage’ – thay vì chỉ được chuyền banh ra phía sau cho tay ‘halfback’ hay ‘fullback’ ôm chạy, thì hắn được quyền ném banh lên phía trước cho một cầu thủ khác. Cú ‘forward pass’ này đã thay đổi toàn diện môn football của Mỹ, biến nó thành một môn chơi mới, tách biệt hoàn toàn khỏi rugby football của người Anh. American Football chào đời. Và từ đó đến nay, qua bao nhiêu thay đổi thăng trầm, nó đã trở thành một ngành thể thao hàng đầu nước Mỹ, hàng năm hốt vào bạc tỷ!

Tất nhiên đồng tiền cũng gây áp lực lên Rugby Football. Thuở ban đầu hầu hết mọi môn thể thao đều theo dạng a-ma-tơ, tức không có liên hội chuyên nghiệp như bây giờ. Nhưng dần dà do nhu cầu giải trí và làm tiền, một số cầu thủ Rugby đứng ra lập hội riêng, hoặc một số hội a-ma-tơ lén lút mướn cầu thủ chuyên nghiệp chơi cho mình. Sau một thời gian giằng co cãi cọ, năm 1895  Rugby tách ra làm hai nhánh – Rugby Union (a-ma-tơ) và Rugby League (chuyên nghiệp). Lúc đầu họ vẫn chơi theo cùng một bộ luật, nhưng càng ngày Rugby League càng có nhiều thay đổi nên giờ đây nó đã trở thành một môn thể thao hoàn toàn riêng biệt, y như American Football đã chuyển thể vậy.

Rugby mới được chơi tại các quốc gia như Úc, Pháp, Liban… Trong khi đó Rugby cũ thịnh hành tại Anh, Nam Phi, Tân Tây Lan… Vì lý do đó nên khi nói đến “Rugby” ta phải cẩn thận cho thêm chữ “Union” (cũ) hay “League” (mới) vào để phân biệt. Trong làng Rugby Union, nổi tiếng nhất có lẽ là đội All Blacks của Tân Tây Lan với màn múa Haka có nguồn gốc từ thổ dân Maori, dùng để áp đảo tinh thần đối thủ trước trận đấu.

Phù hiệu của một số đội rugby trên thế giới tại Bảo Tàng Viện Rugby, New Zealand – ảnh: bb/trẻ

Ngày nay Rugby đang rộ lên trở lại ở Mỹ. Nhiều trường trung học và đại học đã có đội banh, chơi theo luật Rugby Union. Một số thành phố còn có những hiệp hội Rugby a-ma-tơ. Chẳng hạn như Allen ở Bắc Dallas đang có dự án xây một sân Rugby và Cricket, do lượng di dân từ những nước ngày xưa là thuộc địa Anh đến vùng Bắc Texas làm việc và sinh sống khá cao.

Tuy có vẻ khác biệt với American Football, nhưng Rugby không quá xa lạ với người Mỹ nên có thể nó sẽ thịnh hành. Trước mắt ta có thể hình dung một số học sinh nếu có cơ hội sẽ chọn chơi môn này thay vì football vì nó không đòi hỏi phải to con mà cần sự nhanh nhẹn. Nó cũng khác American football ở chỗ gần như không có timeout, nghĩa là mỗi hiệp các cầu thủ phải chơi không ngừng. Không những điều này đòi hỏi thể lực bền bỉ, nó còn có thể là trở ngại chính để các trận Rugby được chiếu trên TV vì sẽ có ít quảng cáo. Ðây cũng là một trong những vấn đề nhức đầu cho ngành đá banh ở Mỹ bao lâu nay.

Khởi thuỷ từ La Mã và Hy Lạp thời tiền Công Nguyên, môn chơi banh dùng chân và tay mang tên ‘harpastum’ (tóm lấy) đã biến hoá theo thời gian để đẻ ra một lô những môn thể thao mà ngày nay đã thành các kỹ nghệ bạc tỷ, bao trùm khắp quả địa cầu. Ngoài những giải quốc tế lớn như World Cup Bóng Tròn, World Cup Rugby, World Cup Nữ v.v. còn có bao nhiêu là giải quốc gia, giải vùng, giải tiểu bang, giải tỉnh, giải thành phố, giải đại học, giải trung học, giải thiếu niên, giải lão tướng, thậm chí giải… cộng đồng NVQG!

Nếu là fan của soccer hay football, có lẽ bạn cũng sẽ thích rugby một khi bạn hiểu luật chơi.

BB