Tình cờ cháu bắt gặp dì ruột và ba của cháu ôm nhau trong garage. Cháu rất bàng hoàng và kinh tởm hai người. Từ đó, cháu có thái độ bất kính. Mẹ cháu đã rầy la, chửi mắng  cháu. Còn ba cháu có lần ra tay đánh cháu và giảng chuyện đạo đức với cháu nữa (vì ông không hề biết cháu đã nhìn thấy), Cháu giận và bất mãn lắm. Cháu có ý định sẽ nói ra chuyện xấu của hai người. Nhưng cháu lại sợ Mẹ cháu chịu không nổi vì  mẹ  đang bị chứng bệnh tim rất nặng. Cháu nghĩ hoài mà không biết phải làm sao. Xin quý vị giúp đỡ và cho ý kiến dùm cháu. Lai K.

NÀNG

T.A: Nghe cháu kể chuyện, cô mủi lòng muốn khóc! Ước gì cháu đừng bao giờ gặp phải cảnh tượng đau lòng như thế này để cháu có thể hồn nhiên vui sống như những người bạn đồng trang lứa khác. Hỡi ơi! mảnh giấy trắng đã bị lấm lem mất rồi, làm sao tẩy sạch được đây?

Ðã nhiều lần, cô tự hỏi: “Cháu Lai K. bao nhiêu tuổi rồi nhỉ? Mình nên tâm tình với cháu như thế nào cho phù hợp với khả năng hiểu biết và sự cảm nhận của cháu?” Cô không muốn dẫn dắt cháu đi quá xa, nhưng đồng thời cũng không muốn mình thiếu sót. Ðiều khiến cô quan tâm nhiều hơn hết không phải là giải quyết câu chuyện giữa Ba và Dì của cháu mà chính là làm thế nào để cứu cháu thoát khỏi tâm trạng “bàng hoàng, kinh tởm” và thái độ bất kính đối với hai người thân thuộc ruột thịt ấy.

Cho dù sự việc đã dĩ lỡ như vậy rồi nhưng cô cũng khuyên cháu nên hết sức bình tĩnh, cần bình tâm suy xét trước khi quyết định hành động. Có lẽ, tuổi cháu còn nhỏ nên cháu chưa hiểu rằng dẫu sao ba và dì của cháu cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt, không phải là thần thánh, vì vậy khó cưỡng lại được những cám dỗ nhất thời. Biết đâu vì mẹ cháu bị bệnh tim rất nặng, không đáp ứng được những đòi hỏi sinh lý của một người chồng bình thường đang sung sức nên Ba cháu dễ bị sa ngã chăng?  

Cô biết là cháu rất thương mẹ, không muốn mẹ buồn nên cam tâm chịu đựng một mình. Tuy nhiên, nếu như cứ để ba và dì của cháu tiếp tục u mê dấn thân vào con đường tội lỗi, rồi đây một ngày nào đó thế nào Mẹ cháu cũng sẽ biết hoặc tai hại hơn nữa là dì của cháu mang thai thì sự việc sẽ trở nên nghiêm trọng đến dường nào! Cháu có nghĩ rằng Mẹ sẽ chịu đựng nổi cảnh miệng đời mai mỉa và quan trọng hơn nữa là bà có thể rộng lượng tha thứ cho chồng về tội ngoại tình với chính em gái của mình hay không?

Theo thiển ý của cô:

– Trong thời gian qua, như cháu đã thấy, sự im lặng và thái độ bất kính của cháu đã không giúp ích gì được cho ai, trái lại đã làm cho không khí gia đình trở nên căng thẳng hơn và biết đâu chẳng khiến cho chứng bệnh đau tim của mẹ cháu càng trầm trọng hơn. Riêng phần cháu, không những cháu cảm thấy khổ tâm, bất mãn mà còn mất cả niềm tin trong cuộc sống nữa.

– Từ bấy lâu nay, cháu đã không dám nói thẳng với ba và dì. Vậy thì cháu nên nhờ cậy một người thân thuộc lớn tuổi (chẳng hạn như ông bà nội, ông bà ngoại hoặc một người thân rất có uy tín) khéo léo khuyên nhủ cả hai người.

– Nếu chẳng may không còn ai có thể giúp được cháu thì cháu nên nhỏ nhẹ tâm tình với ba trước thử xem sao. Nếu như tấn tuồng ấy vẫn còn tái diễn, cháu đành phải quay sang dì. Là người có lương tâm, chắc chắn ba và dì sẽ bình tâm suy nghĩ lại. Vì thương cháu, vì tương lai của cháu, chẳng lẽ nào hai người thân ruột thịt ấy lại đành lòng để cho tâm hồn non nớt của cháu bị vẩn đục bởi hai tấm gương mờ tối đến như vậy hay sao? Làm thế nào cháu có thể trưởng thành một cách bình thường và yên tâm học hành cho được? Và chẳng lẽ nào ba và dì đang tâm chứng kiến cảnh Mẹ của cháu oằn oại đau khổ trước sự đam mê bất chính của họ hay sao.

– Riêng phần cháu, cháu nên tìm cách nhắc Mẹ gần gũi, tâm tình với Ba nhiều hơn để Ba cảm thấy rằng đây mới thật sự là tổ ấm gia đình an vui và hạnh phúc, nhờ vậy ông không cần tìm một ai khác để giải khuây nữa (À! có khi nào cháu thừa lúc mẹ đang vui, làm bộ kể chuyện của ai đó, tương tự như chuyện của gia đình cháu để thăm dò xem phản ứng của mẹ như thế nào. Biết đâu Mẹ của cháu đã biết chuyện nhưng vì thương chồng đành làm ngơ…)

Cho dù sự thể có xảy ra như thế nào đi chăng nữa, cô mong rằng cháu Lai K. vẫn luôn giữ thái độ hòa hoãn, chuyên tâm học hành để tích cực chuẩn bị tương lai tươi sáng cho cuộc đời mình. Ðó cũng chính là phương thuốc hữu hiệu để góp phần chữa bệnh cho mẹ đấy, cháu Lai K. ạ!

CHÀNG

Tran Alex: Ðối với tôi, không gì xấu bằng chuyện anh rể và em vợ tằng tịu với nhau. Tôi thật không hiểu được cái lương tâm của người đàn ông, của người chồng để ở chỗ nào mà người ta lại có thể làm chuyện nhơ nhớp đến dường ấy.

Khi bước vào nhà vợ, nếu là người đàng hoàng có đạo đức hẳn là người ta đã tự coi em của vợ là em của mình. Khi lý trí mình xác định hẳn hoi vị trí của mình và chị em nhà vợ thì chẳng bao giờ ta có thể làm chuyện trái đạo lý được. Nếu suy nghĩ kỹ càng chúng ta sẽ thấy chính hành vi xấu xa của người cha đã làm nát lòng đứa con gái bé bỏng của mình.

Cháu Lai K ạ! thật tội cho cháu, tôi không biết cháu được bao nhiêu tuổi, nhưng dù tuổi nào cháu vẫn có thể thẳng thắn nói chuyện với ba mình một cách cứng rắn, miễn là cháu phải cố gắng kìm giữ, đừng vô phép hỗn hào. Tôi nghĩ khi ba cháu biết cháu đã thấy những hành vi không tốt của ông thì ông sẽ phải giật mình và nghĩ lại. Ðiều quan trọng là cháu phải đánh động vào tình cảm giữa cha con và sự kính yêu ngưỡng mộ của cháu đã dành cho ba bấy lâu. Cháu hãy nhắc cho ba cháu nhớ mẹ cháu đang mang căn bệnh nặng có thể ra đi bất cứ lúc nào nếu gặp những tình huống xúc động mãnh liệt. Tùy theo thái độ của ba mà cháu xử sự, nếu bố cháu không tỏ vẻ hối hận mà còn dùng quyền làm cha áp đảo cháu thì cháu hãy nói rằng cháu đã có hình ảnh tội lỗi của hai người và sẽ công bố cho bà con, thân hữu biết. Nếu không màng đến tình cảm thì chuyện mặt mũi cũng làm cho bố cháu phải e dè và suy nghĩ lại.

Chúc cháu nhiều nghị lực.

alt

Bảo Huân

NB
Kính mời quý độc giả tiếp tục đóng góp ý kiến

email: Ngân Bình: nganbinh13@yahoo.com