Có người cho rằng khi còn trẻ phải dành hết thì giờ để làm việc cật lực, chờ đến khi về hưu rồi mới tính chuyện hưởng thụ (ngao du sơn thủy…). Nhưng có người lại cho rằng cách sống có ý nghĩa nhất là vừa làm việc vừa hưởng thụ.

Theo suy nghĩ của bạn cách nào đúng hơn?

CHÀNG

N. Chí: Vợ chồng tôi và nhóm bạn thân lâu lâu hay tổ chức đi chơi chung với nhau, nhưng trong đó có một cặp lúc nào cũng từ chối với lý do thật chánh đáng vì cửa tiệm buôn bán của họ rất bận rộn và đông khách vào cuối tuần và chúng tôi thì lúc nào cũng tổ chức đi chơi vào cuối tuần. Có vài người bạn đưa ra ý kiến “mỗi năm, anh chị nên đóng cửa đi vacation một tuần cho thoải mái”. Chị bạn thường trả lời “còn làm ra tiền được thì nên làm, chừng nào làm không nổi nữa mới tính đến chuyện đi chơi”.

Tôi vẫn thường tính nhẩm, tuổi về hưu hiện nay là 65, không biết đến khi mình được 65 tuổi thì sẽ ra sao? Vẫn còn khỏe mạnh hay lại giống vài người thân ở độ tuổi ấy đã phải chống nạng hoặc ngồi xe lăn, và như vậy thì làm sao đi chơi nổi. Hiện nay đi đứng còn vững vàng, vậy mà khi đi viếng những ngọn đồi cao, dù xe đã chạy lên đến lưng chừng, chỉ xuống đi bộ lên đỉnh một khoảng ngắn thôi mà tôi đành đứng ở dưới ngó lên hay đi bộ lòng vòng ngắm cảnh chung quanh chờ những người trẻ và khỏe hơn kể cho nghe, sau khi họ đã lên đến đỉnh. Cũng như đi thăm Vạn Lý Trường Thành, tôi cũng chỉ leo lên vài bậc thang rồi quay trở xuống, nhìn từng đoàn người lên đến bờ thành và đi tới lui trên đó, tôi chợt thấy tiếc phải chi mình đến đây lúc còn trẻ thì cũng đã leo tận trên đó tha hồ mà ngắm cảnh.

Kể lể dài dòng như vậy để thấy đi chơi cũng cần phải có sức khỏe, đôi lúc đi chơi còn mệt hơn cả đi làm. Nếu chờ đến về hưu mới tính đến chuyện ngao du sơn thủy, tôi thấy có phần hơi trễ nếu nói về sức khỏe. Còn về mặt tài chánh thì phải tùy từng hoàn cảnh của mỗi gia đình, nhiều khi còn trẻ, muốn đi chơi nhưng tiền bạc eo hẹp đâu thể thực hiện được, nhất là những gia đình đông con, tài chính là cả một vấn đề nên mọi người đều phải cân nhắc trước khi quyết định.

NÀNG

Thụy Khanh: Nếu như được quyền chọn lựa, ai lại chẳng thích chọn cách sống vừa làm việc vừa hưởng thụ, phải không các bạn? Bởi thế, các hãng xưởng đều dành cho chúng ta những ngày nghỉ cuối tuần, kỳ nghỉ lễ hàng năm để chúng ta có thì giờ vui chơi, giải trí thoải mái sau thời gian làm việc hao tâm tổn sức. Chẳng phải họ thật lòng thương yêu chúng mình đâu mà chỉ vì họ cốt ý tạo điều kiện để chúng ta sớm phục hồi sức khoẻ, kiện toàn khối óc để hoàn thành công việc mà họ giao phó với hiệu quả cao nhất đó thôi.

Ngoài ra, các bạn có biết tại sao các ông Tây bà Ðầm, tuy đã có với nhau ba hay bốn nhóc tì rồi nhưng thỉnh thoảng họ vẫn diện quần áo đẹp, dung dăng dung dẻ dìu nhau vào nhà hàng sang trọng, thản nhiên ôm nhau đăng-xê (nhảy đầm), bỏ mặc cho baby-sitter trông nom con cái của họ không? Chỉ vì họ đang tìm cách tạm quên hết những căng thẳng trong cuộc sống tất bật hàng ngày để cùng nhau hâm nóng tình yêu (ngẫm ra, họ cũng có lý quá đi chứ! Nếu quanh năm suốt tháng chỉ lo chúi mũi vào mớ công ăn việc làm, hết việc sở đến việc nhà, trông mặt chồng lúc nào cũng buồn rười rượi, còn vợ thì đầu bù tóc rối, quần áo xốc xếch, nhăn nheo thì thật là chán muốn chết đi được! Cho dù thường ngày, các bạn có ăn mặc tươm tất đi chăng nữa, chồng bạn vẫn luôn là kẻ tham lam, thích nhìn ngắm nét đẹp mới lạ nơi người bạn đời của mình. Nếu như bạn xem nhẹ vấn đề này thì xin bạn hãy coi chừng! Có ngày chồng bạn sẽ tìm một bóng hồng tươi tắn hơn, kiều diễm hơn để thay thế bạn thì thật là thậm chí nguy!)

Thế rồi, đến kỳ nghỉ phép thường niên, vợ chồng con cái họ lại kéo nhau đi vui chơi đây đó. Nhớ hôm nọ, vừa nghe ông Tây cho biết là ông ấy đã chi tới hai nghìn đô, chỉ để thuê căn nhà nghỉ mát cho cả gia đình hưởng một tuần enjoy với sóng biển, tôi đã chặc lưỡi hít hà, nghĩ thầm trong bụng Sao ông chịu chi nhiều đến thế? Nếu như tui là ông, tui sẽ sử dụng số tiền đó để trả bớt nợ nhà nợ cửa hoặc gởi về cho người thân bên nhà, có phải là đáng quý hơn không.

Thế đấy, chính vì chúng ta xem trọng tình cảm đối với người thân kẻ thuộc, còn bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ “đại gia đình” nên chúng ta phải lo toan đủ thứ chuyện trên đời, dường như triền miên, không bao giờ dứt. Thật lòng mà nói, tôi chẳng dám xui các bạn cứ lo hưởng thụ phung phí, mặc cho tương lai ra sao thì ra mà chỉ mong các bạn đừng nên làm việc quá cật lực để rồi hạnh phúc gia đình suýt tan vỡ như trường hợp của vợ chồng tôi trong những thời kỳ mới đặt chân lên mảnh quê hương thứ hai này. Nhớ hồi ấy, chúng tôi cứ mãi lo cắm đầu cắm cổ làm việc, không hề nghĩ đến cái thú giải trí cuối tuần, chứ đừng nói chi đến cuộc vui dài hạn. Hậu quả là tính tình của chúng tôi càng ngày càng trở nên hung hăng hơn, quá khích hơn, thường xuyên cãi lẫy, dằn vật nhau nhiều hơn. Ðã có lúc, tôi chỉ muốn dứt áo ra đi cho nhẹ tấm thân. Thời may, tôi đã kịp thời bình tâm suy nghĩ lại, bằng không thì gia đình tan vỡ, con cái bơ vơ, buồn tủi từ lâu rồi còn đâu!

Nếu bây giờ tôi kết luận rằng vừa làm việc vừa hưởng thụ là cách sống có ý nghĩa nhất, chắc hẳn sẽ có một số bạn lớn tiếng phản đối. Làm gần chết còn chưa đủ tiền để thanh toán biết bao nhiêu là khoản chi phí, ở đó mà bày đặt chuyện hưởng thụ nọ kia. Thôi để đến lúc về hưu rồi hẳn tính. Thế nhưng… đến lúc tuổi già sức yếu, mỏi gối chồn chân, cho dù bạn có muốn hưởng thụ thả giàn, bạn cũng không còn cảm thấy hứng thú như thuở còn sung sức nữa. Thôi thì tùy theo hoàn cảnh kinh tế gia đình mà chúng ta nghĩ ra những thú vui giải trí thích hợp vậy. Chẳng hạn như đưa nhau đi thưởng thức một buổi đại nhạc hội, một đêm nghe nhạc thính phòng hoặc đơn giản hơn nữa là chỉ cần tay trong tay, cùng nhau đi dạo mát hay mùi mẫn hơn nữa là rủ nhau lên giường sớm hơn thường nhật để thoải mái tâm tình, âu yếm nhau, thỉnh thoảng nhắc lại chuyện ngày xưa đầy thơ mộng… Kể ra cũng thú vị lắm đấy, các bạn ạ!

Đề tài kỳ sau:

N và tôi quen nhau đã 2 năm, ngay sau khi N chia tay với người yêu cũ. Tôi biết N chưa quên được người xưa. Mới đây N ngỏ lời xin cưới tôi khi vừa nhận được thiệp mời đám cưới của cô ấy. Có phải N muốn mượn tôi để trả thù? Tôi yêu N tha thiết và hy vọng sẽ làm cho N quên mối tình cũ, nhưng người thân và bạn bè khuyên tôi không nên ôm mộng hão huyền mà phải gánh lấy nỗi bất hạnh trong hôn nhân. Hiện giờ tôi rất hoang mang dù trước đây tôi tự tin mình sẽ làm được điều đó. Rất mong nhận được ý kiến của các vị có kinh nghiệm trong cuộc sống. (T.C)

NB