Vợ tôi bị thất nghiệp hơn một năm phải chuyển sang học nail. Ra trường, tay nghề còn yếu nên không xin được chỗ làm tốt. Nay có người bạn ở tiểu bang khác đang làm chủ tiệm nail, gọi vợ tôi sang tiệm chị làm, chị sẽ bao ăn, bao ở và trả lương hậu hĩnh. Tôi đang có việc làm tốt ở Dallas nên không thể bỏ việc mà cũng không muốn vợ tôi đi làm xa một mình (ai biết được chuyện gì sẽ xảy ra!). Vợ tôi giận hờn cho là tôi ghen bóng, ghen gió, không tin tưởng cố ấy, không muốn cho cô ấy tiến thân. Quý vị là người ngoài cuộc xin cho tôi một lời nhận xét: tôi là người đàn ông ích kỷ hay chỉ là người đàn ông thực tâm muốn bảo vệ hạnh phúc gia đình và tôi nên làm sao? T.Kh(L.Nh)

CHÀNG

Trần Ðình Ky: Kính gởi anh chị T.Kh, Gia đình, theo tôi là 1 chậu cây, còn bạn bè như bông, như hoa. Một chậu mai không có bông vẫn là 1 chậu mai, chớ không ai nói đó là chậu… mốt. Chị có người bạn quá tốt khiến tôi nghi ngờ những điều anh trình bày với chị NB là… ngôn ngữ ngoại giao. Không ai dám rước bạn mình về để làm cho mình, mà… chắc chắn sẽ bị khách hàng chê và có thể mất khách hoặc dẹp tiệm. Hơn nữa, ở Mỹ, thất nghiệp là thường. Chị hãy nghĩ rằng, ở nhà săn sóc chồng con cũng là một nghề, đó là nghề mang lại hạnh phúc gia đình, còn tiền bạc chỉ là thứ phân làm thêm đẹp cây đời. Ráng chịu một thời gian rồi lại xin được việc. Sông có khúc, người có lúc. Mến.

tinh-chang-y-thiep-996

Bảo Huân

Nguyễn Ngọc Ngà: Khi được nghe T.Kh hỏi vấn đề này, tôi biết rằng ông bạn là một người chồng thận trọng và khôn ngoan. Tôi nghĩ rằng ông bạn đã có một sự chọn lựa dứt khoát không muốn cho vợ đi xa rồi. Ông bạn có hỏi mọi người để cho lòng mình đỡ áy náy, khi phải đi ngược ý muốn của bà xã, tìm người đồng ý với sự khôn ngoan của mình để cho vợ bạn không còn giận hờn, trách móc. Tôi đồng ý với quyết định khôn ngoan của bạn.

Tất cả chúng ta là con người, dù chín chắn và khôn ngoan đến đâu cũng không thể tự hào rằng mình không bao giờ bị cám dỗ, mà con đường mà vợ bạn muốn đi quả là chông chênh và nguy hiểm, đầy những cám dỗ không biết sẽ dẫn hạnh phúc của gia đình bạn tới phương nào. Cái cám dỗ đầu tiên là tiền bạc. Trước tiên, vợ bạn muốn ra đi chỉ vì muốn gia đình có thêm lợi tức để dành thêm. Tôi nói để dành vì bạn còn đang có việc tốt, chắc  còn lo đủ chi phí cho gia đình. Vì những đồng tiền vợ bạn đã hy sinh tình nghĩa vợ chồng sớm tối có nhau để đến một nơi chưa biết ra sao. Cám dỗ thứ hai là tin vào những lời ngon ngọt của bạn bè, chẳng biết hư thực ra sao. Từ lời hứa bao nơi ăn ở, trả lương hậu hĩnh đến sự thực còn xa lắm. Có thể người bạn của vợ anh chỉ cần người làm trong một thời gian, thay thế cho một người thợ nào đó về Việt Nam chẳng hạn. Còn biết bao nhiêu cái có thể nữa mà ta không biết được. Tôi được nghe rất nhiều câu chuyện về hoàn cảnh của những  người làm nail. Có những chuyện nghe tưởng như đùa mà vẫn thật.

Có một gia đình người bạn tôi đang ở Dallas, hoàn cảnh y hệt như gia đình bạn. Hai vợ chồng hai đứa con, rất thương nhau, làm chung một sở. Ði làm sở thì lương ba cọc ba đồng, chắt bóp mãi chỉ đủ trả nợ nhà, nợ xe. Nhìn  ra thấy  mấy người đi làm nail sao giàu có quá. Ăn sung, mặc sướng, tiền bạc tiêu xài không cần suy nghĩ. Lại có bà chị ruột của vợ anh làm chủ một tiệm nail khuyến khích. Hai vợ chồng bàn bạc với nhau hơn thiệt và anh cho chị theo học nghề nail.

Cả năm sau chị vợ anh bạn cũng đã học xong và tập tễnh bước vào nghề. Ði làm cho người ta thì bực quá, tiền làm đã ít, chủ chia khách không có nhiều, làm được đồng nào cũng phải chia năm xẻ bảy, vô lý quá. Sẵn có bà chị có tiệm nail lớn ở Austin chỉ cách có mấy giờ lái xe, sao không xuống làm với bà ấy cho có chị có em. Chị ruột mình chứ ai vô đó mà lo. Thế là chị vợ anh bạn tôi, cả anh bạn tôi nữa hoan hỉ đưa vợ xuống làm cho bà chị. Cách mấy tiếng đồng hồ thì đi về hằng ngày cũng được, có sao đâu.

Nhưng tính toán chắc thế mà không phải thế. Trước tiên là vấn đề di chuyển. Người làm Nail thường có khách muộn, có đêm phải làm đến chín mười giờ. Những hôm như thế chị vợ anh bạn tôi thường ngủ lại, lâu dần cũng quen. Anh ở nhà, ngoài việc làm ở sở, cố chăm sóc con thay vợ. Tuần  chị về nhà một  hai lần vợ chồng càng đằm thắm hơn vì phải nhớ thương nhau.

Ngày qua ngày, chị vợ anh bạn tôi  giỏi giang thấy rõ, tay nghề càng cao càng có cơ hội kiếm được nhiều tiền và vì bận bịu công việc nên hàng vài tuần, lâu dần có khi hàng tháng chị mới về nhà một lần. Cũng không sao, miễn là dạo này chị trông trẻ hẳn, tiền bạc khả quan nên chị cũng  tiêu xài rộng rãi, chị lo cho anh đủ thứ, trong nhà không thiếu món gì. Chị thay cho anh chiếc xe Lexus mới tinh. TV mấy chục inches, và trong nhà có cả hai chiếc máy computer, một cái cho con, một cái khác cho anh, dù anh chưa bao giờ ngồi vào màn ảnh.

Thế rồi, một ngày kia chị sinh cho anh thêm một đứa con. Anh bật ngửa vì đứa con mới ra đời không phải con anh mà là con của người anh rể của chị. Sau này tôi mới biết thêm về người anh rể đặc biệt này. Ðây là một người đàn ông làm nghề nail rất giỏi, tiền nhiều, có rất nhiều vợ và cuối cùng vừa mới “cặp” với bà chị của vợ của anh bạn tôi được gần một năm, tuy rằng tuổi của anh ta thua bà chị vợ anh bạn tôi tới gần sáu tuổi. Và bà chị vợ anh tuy làm chủ nhiều tiệm nail nhưng hoàn cảnh gia đình cũng không thể gọi là gia đình. Chị có ba người con mang ba họ khác nhau. Chi tiết đặc biệt này đến lúc câu chuyện vỡ lở ra, anh ấy mới nói cho tôi biết.

Tôi chỉ còn biết ngậm ngùi cho gia đình anh bạn tôi. Ðể an ủi, mỗi khi anh than thở, một người bạn khác lại bảo anh rằng “Mày thật là có phước, vừa được tiền vừa được thêm con thế là nhất rồi còn thở than gì.”

Ông bạn T.KH, bây giờ, khi nghe xong câu chuyện này, ông bạn còn áy náy trong lòng vì đã quyết định như thế nữa không?