Tôi có chị bạn vừa được chồng chủ động làm cái hẹn với bác sĩ thẩm mỹ cho chị sửa sắc đẹp (sửa cái gì thì xin được phép giữ bí mật). Bạn bè thấy vậy thì tắc lưỡi hít hà, khen chị sao mà có phước quá chừng khi có được ông chồng quan tâm hết mình. Người khác thì lại thở dài thườn thượt tỏ ý thương hại chị sao vô phước vớ phải ông chồng chỉ chú trọng đến sắc diện bên ngoài mà không nghĩ đến sức khỏe cũng như sự nguy hiểm có thể xảy đến cho vợ. Ai đúng? Ai sai?. Xin mời quý vị cho biết ý kiến.

Bích Nga

CHÀNG

Năm Tư: Giời ơi! đọc xong cái đề tài này tôi mới vỡ lẽ ra rằng làm chồng các bà chẳng dễ tí nào. Các bà muốn gì mà không cho thì các bà lại tru tréo lên rằng “chồng tôi sao mà ‘trùm sò’ thế, hoặc giả là “chồng tôi làm chủ tiệm kẹo kéo bao giờ thế”. Mà nếu OK cái rụp, chẳng suy, chẳng nghĩ gì cả thì các bà lại bảo rằng chồng chẳng quan tâm, chỉ ừ cho qua chuyện chứ chẳng xem trước, xem sao lợi hại ra sao. Đúng là lưỡi không xương nhiều đường lắt léo và đã như thế thì bố ai chịu nổi vì chẳng biết đường nào mà đỡ cho kịp.

Giả dụ như chuyện nhà tôi cách đây mười năm. Vào thời ấy, nhà tôi vừa chẵn chòi bốn mươi, chẳng biết nghe lời bạn bè thế nào mà cứ nằng nặc bảo tôi “em muốn sửa mũi”. Thoắt nghe qua tôi đã giật mình, vì với tôi thì mũi của bà ấy Ok lắm rồi có gì mà phải sửa với chữa. Thật tình mà nói, sống với bà ấy bấy năm trời tôi đã quen mắt chẳng thấy bà đẹp hay xấu gì hơn xưa, mà cho dù có xấu hơn thì tôi cũng chẳng mấy quan tâm. Tôi nói thật thà đấy nhé, bởi vợ chồng đối với nhau, tôi chỉ tin vào tấm lòng.

Nghĩ thế nên tôi buông tiếng “Sửa làm gì, mũi thế được rồi”. Thế là bà ấy bù lu bù loa làm mặt giận, mặt hờn.”Chồng gì mà keo kiệt chẳng bao giờ làm vui lòng vợ chỉ tổ lo chuyện  tốn tiền.” Đúng là oan ơi ông địa, tôi nào có ý đó, chẳng qua thấy không cần thiết để phải chịu đau đớn. Với lại tôi cũng có nghĩ, nhỡ sửa xong nó chẳng đẹp mà lại xấu hơn thì sao? Chuyện tiền mất tật mang vẫn thường xảy ra ấy mà. Thế rồi mọi chuyện cũng nguôi ngoai với thời gian.

Cách đây vài năm, vào cái dịp kỷ niệm hai mươi năm đám cưới, tôi bỗng nảy ra ý nghĩ hay ho là muốn có một món quà đặc biệt cho bà xã hài lòng. Thế là tôi nhớ ngay đến  lời thủ thỉ của nhà tôi  cách đây khá lâu. Nghĩ thế nên tôi cho tiền vào phong bì, đặt lên tay bà âu yếm  nói “Quà cho em làm đẹp đây”. Bà tròn mắt nhìn tôi, tôi vui vẻ giải thích. Bà chăm chú nghe rồi gật gù cám ơn tôi, nhưng trông nét mặt bà cứ sượng sượng thế nào. Sáng hôm sau, sau một lúc ngắm nghía trước gương, bà quay sang tôi hỏi một cách nghiêm chỉnh “Bây giờ em đã già và xấu đi nhiều lắm phải không?”  Tôi lắc đầu nói thành thật “Em vẫn thế chứ có xấu đi chút nào đâu”. Nàng xịu mặt xuống” Thì lúc trước anh bảo đau đớn lắm sửa làm gì cho khổ thân. Nay anh lại bảo em đi sửa. Có phải vì anh thấy thương hại cho em vừa già vừa…”. Gớm! nói chưa xong nuớc mắt đã rơi tong tỏng. Giời ạ!  biết làm sao để các bà đẹp dạ đây. Thật khổ thân cho cái phận chồng.

Cuối cùng của câu chuyện này tôi chỉ muốn nói một điều, làm gì thì làm, đàn ông chúng tôi chỉ muốn một điều là làm vui lòng vợ thôi ạ! Các bà làm ơn đừng nghĩ nam, nghĩ bắc nữa mà khổ cho chúng tôi.

NÀNG

ALHĐ: Quả đây là một đề tài khá hy hữu!  Thường thì quý bà, quý cô thích chưng diện, thích làm đẹp khiến các ông chồng phải nhăn mặt nhíu mày, xót ruột xót gan trước những khoản chi tiêu mà hầu hết các ông chồng đều hùa nhau kết án là lãng phí không cần thiết.

Thế nhưng trong trường hợp này, chính anh chồng lại hào phóng, hí hửng xui vợ sửa sắc đẹp để cho mình ngắm và hưởng thụ.  Bởi vậy mới báo hại phe bạn gái chúng mình phải trầm ngâm suy nghĩ thiệt hơn.  Không biết các bạn nghĩ sao chứ riêng tôi thì… chẳng thể nào tránh khỏi tò mò, tọc mạch, tưởng tượng lung tung khi đọc qua những chữ bị nhốt trong ngoặc đơn (sửa cái gì thì xin được giấu). Nếu như “cái ấy” là một trong các giác quan như mắt, mũi, miệng mà mọi người đều có thể tận mắt chiêm ngưỡng thì ai hơi đâu mà giấu nhỉ?

Điều cần quan tâm là chàng thuộc típ người ưa chuộng sắc đẹp bề ngoài. Dường như chàng đang so sánh vợ mình với một mỹ nhân nào khác rồi đấy. Nếu đó là một minh tinh trên màn bạc thì đỡ phải lo vì còn khuya chàng mới với tới.  Nhưng đặt giả thiết, đó là một bóng hồng hàng ngày nhởn nhơ bay lượn nơi chàng đang làm việc thì… thậm chí nguy! 

Tuy nhiên, điều đáng mừng là chàng vẫn tôn trọng vợ, không hề ví vợ như món đồ chơi đã cũ mèm để rồi lén lút đi tìm của lạ mới hơn, đẹp hơn, quyến rũ hơn. Trái lại, chàng đã không ngại tốn kém, một lòng một dạ ân cần chăm sóc nhan sắc bên ngoài (hay bên trong gì đó) của người bạn đời,  hy vọng sẽ sản sinh chất kích thích tố rất cần thiết, luôn tái tạo nguồn cảm hứng dâng tràn, đưa cuộc sống lứa đôi đến bến bờ hạnh phúc hoàn mỹ, tuyệt vời nhất (thay vì cứ như “trả bài” cho xong!).  Kể ra chàng cũng không đáng bị kết tội, có phải không?

Thật quá muộn nếu như cô vợ cứ khăng khăng nghĩ rằng số phận mình xui xẻo nên mới kết nghĩa trăm năm với người chồng thích chú trọng đến sắc đẹp, vì ván đã đóng thuyền mất tiêu rồi!  Vấn đề được đặt ra ở đây là nên làm thế nào để đôi vợ chồng có thể vui sống hòa hợp cho đến ngày đầu bạc, răng long. Trước hết, người  vợ nên nhờ bác sĩ thẩm mỹ giải thích cặn kẽ tất cả những phản ứng phụ, những bất trắc có thể xảy ra, thử xem chồng có chuyển ý chăng. Nếu anh ấy vẫn nhất quyết thì… vợ đành chiều chồng vậy, còn hơn bị chồng hất hủi, suốt ngày đau đớn tưởng tượng đến cảnh chồng đang ôm ấp người đàn bà khác trẻ đẹp hơn mình!

Làm sao có thể quả quyết được rằng ai đúng, ai sai khi bàn luận về vấn đề tế nhị mà bạn Bích Nga vừa nêu lên nhỉ?  Thôi thì chỉ biết cầu mong sao vợ vừa được chồng cưng chiều hết mực vì đã trọn lòng trọn dạ cùng chồng, vừa không vướng phải một phản ứng nguy hiểm nào. Được vậy mới là số dách, có phải không các bạn?

Bảo Huân