Vợ chồng tôi cưới nhau đã bốn năm và có được hai đứa con.

Ngày xưa vợ tôi là một người con gái thật xinh đẹp, duyên dáng và ăn diện đúng “mốt”. Kể từ khi có con, cô ấy biến thành một người hoàn toàn khác trước, quần áo, tóc tai lúc nào cũng xốc xếch, lôi thôi. Ngay cả khi đi dự tiệc tùng, cách ăn mặc của cô ấy cũng làm tôi phát ngượng. Tôi nhiều lần góp ý với vợ, nhưng lần nào cũng bị cô ấy mắng nhiếc tôi là người đàn ông háo sắc, chỉ chú ý đến bề ngoài, nếu có ham vợ đẹp thì kiếm người khác đi, rồi giận dỗi đem con về nhà mẹ. 

Thật ra, tôi  đâu có ý nghĩ xấu mà chỉ muốn tốt cô ấy thôi. Điều đặc biệt là vợ tôi dáng người vẫn thon thả, khuôn mặt vẫn xinh đẹp. Không hiểu vì lẽ gì cô ấy chẳng màng đến việc chăm sóc bản thân mình? 

Vậy bây giờ tôi phải làm sao, xin góp ý giúp tôi? – Tony . P

970 Tinh Chang Y Thiep

 

CHÀNG

Lam Hà: Bản năng và bản chất của phụ nữ là làm đẹp, chăm sóc sắc đẹp. Cho dầu trở thành bà nội, bà ngoại, quý bà, quý cô vẫn hăng hái và chăm chỉ làm đẹp, dẫu có cạn kiệt “ngân sách… quốc phòng”. Phần thưởng lớn nhất là họ mang lại sự rực rỡ cho thế giới loài người. Mà người chồng là kẻ “thu lợi” đầu tiên. Có nghe ai đó nói rằng, khi nhắm mắt từ giã trần gian, người phụ nữ vẫn muốn được ra đi trong một hình hài đẹp đẽ!

Khi một người phụ nữ chối bỏ bản chất trời sinh này, hẳn có nhiều lý do đặc biệt:

– Thứ nhất có thể quá bận rộn, từ việc nước, việc nhà, chồng con, sở làm… mệt mỏi  đến nỗi không còn hơi sức chăm chút nhan sắc, cuối cùng đành bỏ mặc.

– Thứ hai, là họ có một cuộc sống lứa đôi không hạnh phúc. Không hạnh phúc, người phụ nữ có thể chăm chút kỹ lưỡng hơn để được sự thèm thuồng, chú ý, nhằm lấp vào lỗ hổng trong mái ấm gia đình. Hoặc ngược lại, họ buông xuôi, xem như “đời tàn cô Lựu”, ra sao thì ra.

Lúc này người chồng thay vì trách cứ (chưa hẳn vì thương yêu nàng mà sợ mất mặt mình), thử xem lại gia đình mình ra sao. Ðã giúp vợ một tay trong sinh hoạt hàng ngày chưa? phụ chăm sóc, đưa đón con cái, chợ búa, bếp núc…. Hay mặc nàng tự xoay xở với thời gian chật hẹp của mình?.

Người ta nói, nhìn vào chiếc áo của người đàn ông, người ta đánh giá được người vợ. Và liệu lúc này, chúng ta có thể luận ra, nhìn vào dung diện của một phụ nữ, người ta có thể đánh giá người đàn ông của nàng. Tôi hy vọng trường hợp này không phải là như vậy!

Ph. Nguyễn: Thế thì lời chán rồi ông anh ơi. Này nhé, ông khỏi phải hao tiền, lại khỏi phải canh chừng vợ vì sợ người khác thấy của ngon mà cưỡm mất.

Có một người vợ đua đòi, ăn diện rộng tay thì chỉ có nước cắm dùi trên miền đất chết thôi ông ạ!. Xin kể sơ cho ông bạn nghe: được mời tham dự đám cưới, thì người ta là cô dâu chứ có phải mình là nhân vật chính trong bữa tiệc “hoành tráng”đó đâu, thế mà vợ tôi cũng phải đi lùng kiếm khắp các cửa tiệm để tìm cho được một cái áo lộng lẫy (có khi còn lộng lẫy hơn cả cô dâu… vì kim tuyến nhá lấp lánh từ cổ cho đến chân!!!) rồi đến tiệm tóc để búi tóc lên, cố ý là phơi cái cổ cò cao nhòng. Chưa hết đâu nhé, còn phải ghé qua tiệm nail để sơn mười móng tay, cộng thêm mười móng chân đỏ tòe loe, toét loét. Phần tôi chỉ biết thở dài ngao ngán chứ chả dám khen chê một lời, dù trong ruột co thắt từng cơn đau nhói khi nghĩ đến tổn phí cho việc đi dự đám cưới. Tiền áo, tiền tóc, tiền nail, tiền mừng cho cô dâu chú rể, tất cả đi đứt một cái check tuần lương của tôi.  Chưa kể khi đi cô ấy còn máng vòng vàng, hột xoàn lên cổ, lên tai…

Ước chi tôi có một người vợ đơn sơ, giản dị như bà xã của anh. Chắc chắn là chị nhà đã nhìn ra mục đích cuộc sống của chị là chồng, là con chứ không phải thời trang hay mốt miết như lúc còn độc thân. Xin cho tôi vỗ tay hoan hô chị một phát và nói khẽ vào tai anh “ý tôi là anh hạnh phúc lắm, chả cần sửa chữa gì cả”.

         

NÀNG

Dzung: Bất cứ chuyện gì cũng có lý do. Bởi thế cho nên anh hãy tự xét mình xem có lần nào trong quá khứ anh đã chê xán xả vào mặt vợ. Tỉ dụ như  “thấy vợ người ta ăn mặc đẹp bắt ham, còn nhìn vợ mình… thiệt tình… chỉ muốn kêu chó cắn”. Ðàn bà xưa nay có tiếng (xấu???) là nhiều tự ái mà, đã vậy lại còn thêm tính tình ngang như  cua (nhằm lúc chạm dây!!!) ưa làm chuyện ngược  đời để thiên hạ ứa máu chơi. Có lẽ vậy,  nên chị đã để bừa như thế cho bõ ghét hoặc hơn nữa là đang dằn mặt anh, cho từ nay anh phải chừa cái tội không biết nịnh vợ mình mà chỉ biết khen vợ ông hàng xóm.

Nếu anh cũng cùng nhận xét với tôi, thì gia đình sẽ êm ấm, vợ chồng sẽ vui vẻ bằng cách sửa đổi tế nhị hơn của anh. Chúc anh thành công.

 

Đề tài kỳ sau

Hai vợ chồng tôi yêu nhau  4 năm mới làm đám cưới. Cưới nhau đã được 5 năm. Tình yêu đậm đà lắm. Chúng tôi luôn quan tâm, chăm sóc cho nhau và giúp đỡ nhau từng việc nhỏ trong gia đình.

Năm vừa rồi tôi bảo lãnh cha mẹ sang chơi theo diện du lịch. Cha mẹ tôi vẫn giữ nề nếp cổ truyền theo ông bà nội dưới quê, nên vợ tôi phải chiều theo như hầu trà, lo thức ăn sáng mỗi ngày trước khi đi làm. Trưa phải chạy về nhà lo bữa ăn trưa và cơm tối đầy đủ. Vì cha mẹ tôi chỉ ở chơi có 3 tháng nên vợ tôi không nề hà, than vãn. Còn tôi trước nay vợ chồng ăn uống giản dị, thoải mái nên cảm thấy áy náy khi nhìn vợ bận bịu túi bụi. Khi tôi ra tay giúp vợ thì bị mẹ mắng là hầu vợ, sợ vợ, thế nào cũng bị vợ lấn lướt.

Mới đây, cha mẹ tôi đòi tôi bảo lãnh để sang sống chung. Nói ra thì bất hiếu, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc của hai vợ chồng bị đe dọa. Tôi biết tính vợ tôi hiền lành nhưng rất cứng rắn, khi có chuyện gì phải chịu đựng quá sức thì cô ấy phản kháng mạnh mẽ.

Xin giúp ý kiến tôi phải làm sao bây giờ?

Kevin Trịnh