Xuân Nguyên –

Không biết ngày xưa huyền thoại mẹ Âu Cơ và Lạc Long Quân khi chia tay nhau, mỗi người dẫn 50 đứa con đi, mẹ có đưa cho đứa con nào cái giũa không, mà mấy ngàn năm sau, tha hương trên đất Mỹ, những đứa con mẹ hôm nay lại sống rất bảnh bao chỉ nhờ vào cái giũa.

Trường hợp của Bi là vậy đó. Ðể Bi kể cho nghe:

Cái hồi mà vị hôn phu của Bi, là Việt Kiều Mỹ, bắt đầu làm giấy bảo lãnh cho Bi qua Mỹ, Bi lo lắng lắm, vì không biết mai mốt qua đó, Bi sẽ làm nghề gì để kiếm sống. Tiếng Anh thì Bi cũng có học qua mấy năm, nhưng coi Ti-Vi người Mỹ nói, Bi hiểu được chết liền. Còn nghề nghiệp, Bi trước giờ chỉ đi học, rảnh rỗi thì phụ mẹ bán xe bột chiên.  Hổng lẽ khi qua Mỹ, Bi mang theo cái xe bột chiên luôn?

Cho nên có thời gian Bi hoang mang lắm, nhưng nhờ Tuấn, chồng sắp cưới của Bi, một hôm khuyên Bi là nên đi học nghề làm móng tay. Ảnh nói bên Mỹ nghề làm nail lúc nào cũng có việc làm. Các tiệm bao giờ cũng thiếu thợ, và về thu nhập, nếu chịu khó cong lưng giũa cũng rất khá.

Bi nghe theo, chăm chú học nghề làm móng và hăng hái lăn xả vào chợ Vườn Chuối để thực tập làm cho mấy bà bán cá, bán rau ngoài chợ. Ai cũng khen Bi làm đẹp, nhưng Bi vẫn còn băn khoăn lắm. Bi nghĩ: làm nail dễ gần chết mà sao nước Mỹ luôn thiếu thợ nail và thu nhập lại cao? Trong khi ở đây, Bi phải làm cho hai, ba người thì mới đủ tiền để ăn tô bún bò Huế và uống ly sâm lạnh cho mát ruột mát da.

Rồi cũng tới ngày Bi lên máy bay theo chồng qua Mỹ, bỏ lại nhiều chàng trai ôm hận trong lòng vì bấy lâu theo đuổi Bi, nhưng không thể địch lại với đối thủ Việt Kiều quá mạnh.

Nước Mỹ thiệt là yên bình và giàu đẹp. Ðường phố và các cửa hàng mua sắm đồ sộ làm cho Bi ngất ngây. Bi còn được chồng yêu dẫn đi ăn ở những nhà hàng sang trọng, cửa kính sáng loáng như McDonald, Burger King v.v.

Sau khi tung tăng trên vùng đất tự do được sáu tháng, nhờ một người bạn thân của chồng, Bi có được tấm bằng nails, và cũng nhờ một người bạn khác của chồng làm chủ nails, Bi được nhận vô làm chính thức luôn, giống như ở Việt Nam được vô thẳng biên chế vậy đó. Bi mừng lắm vì mình bắt đầu làm ra tiền. Những đồng tiền đô la màu xanh xanh, đẹp gấp mấy lần đồng tiền in hình bác Hồ xấu hoắc ở Việt Nam.

Chồng Bi nói với Bi: Ở bên đây dễ kiếm tiền nhưng cũng rất dễ xài tiền. Bao nhiêu thứ quyến rũ mình mua sắm, nếu mình chống lại được sự cám dỗ này thì mình mới có dư. Chồng Bi còn hỏi: Giữa cái nhà và mấy cái bóp hay đôi giày hàng hiệu, em thích cái nào? Lẽ dĩ nhiên mình thích cái nhà chứ. Bi không thích ở chung với cha mẹ chồng. Nhứt là Ba chồng, cái mặt ổng lúc nào cũng nhăn như khỉ. Lâu lâu ổng cười còn xấu hơn khỉ nữa. Có cái nhà riêng, Bi sẽ trồng hoa. Bi sẽ nấu những món ăn theo ý thích của hai đứa, và chờ chồng Bi đi làm về cùng ăn.

Chồng Bi làm việc cho hãng bánh kẹo Kellogg. Anh ấy đứng máy trộn bột và làm lâu năm rồi nên lương cũng đỡ đỡ thôi. Ảnh nói: Mọi chi phí trong tháng sẽ xài bằng tiền lương của ảnh. Còn tiền làm nails của Bi, kể cả tiền tip, sẽ gửi nhà băng, không được đụng tới, để dành mua nhà.

Trong suốt ba năm trời, hai vợ chồng Bi ăn xài tiết kiệm. Tiết kiệm nhưng không phải hà tiện đâu nha. Chồng Bi vẫn ăn thịt bò bíp tết lúc uống bia ở nhà. Còn Bi thỉnh thoảng vẫn đi sắm đồ khi cửa hàng bán on sale. Kể cả lúc Bi sanh bé Khả Di cũng không tốn gì nhiều lắm. Bảo hiểm của chồng trả gần hết chi phí bệnh viện. Bà con bên chồng và bạn bè tới thăm đông như quân Nguyên,  cho tiền và cho quà ngộp luôn. Có người còn cho thẻ quà tặng 10 thùng tã luôn. Ở Việt Nam có mơ cũng không được món quà khủng này đâu.

Các anh chị cùng làm trong tiệm nails cũng thương Bi lắm. Tại vì các side job hàng ngày trong tiệm, Bi đều dành làm hết, khỏi cần take turn. Rồi Bi hay chiên chả giò với làm bánh tráng trộn đem biếu vợ chồng chủ nails. Người chồng hay nói cám ơn, thank you em. Còn người vợ làm mặt nghiêm, không nói với Bi câu nào.

Rồi tình cờ một hôm, cô Mỹ là bà cô bên chồng tới chơi, nói chuyện. Cô Mỹ làm nghề mua bán nhà cũng có tiếng tăm tại thành phố Bi đang ở. Cô Mỹ nói tiền để dành của hai vợ chồng Bi như vậy là dư sức down để mua nhà rồi. Cô Mỹ còn nói thêm: Mua nhà là một giấc mơ Mỹ mà không phải ai cũng đạt được. Nghe qua Bi mừng quá bèn nhờ cô Mỹ tới chơi, kiếm nhà luôn. Bi hứa với cô Mỹ ngày mai sẽ xin chủ cho làm 7 ngày một tuần để trả tiền nhà. Bi còn trẻ, Bi tin rằng với cây giũa trên tay và với sức người thì “sỏi đá cũng thành cơm”.

Bi không ngờ cuộc nói chuyện hôm gặp cô Mỹ lại trở thành sự thực. Hai vợ chồng Bi đã mua được nhà. Nhà đẹp lắm luôn. Giống như trong phim. 3 phòng ngủ, 2 phòng tắm rưỡi. Trước sân có mấy khóm hoa Hồng. Nhà này mà ở Việt Nam thì chỉ có đại gia mới ở được thôi. Hôm ăn tân gia, sau khi khách khứa về hết, dọn dẹp đừ người xong, Bi đã vào phòng master bedroom của mình ôm con nằm khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc thi nhau chảy trên gối. Trong cơn xúc động, Bi đã thầm cám ơn Trời Phật, cám ơn Cha Mẹ, cám ơn Chồng, và nhất là cảm ơn nước Mỹ đã cho phép mở tiệm nails để có việc làm cho bao nhiêu người Việt chăm chỉ, trong đó có Bi. Bi cũng cám ơn người dân Mỹ, đa số đều không có tánh kỳ thị. Trái lại họ còn rất tình cảm với người Việt Nam. Có bà Mỹ trắng thấy Bi mang bụng bầu, làm xong cái chân cho bả, bả tip cho Bi hai chục đồng luôn… Nói tóm lại, Bi thấy sống ở nước Mỹ, chỉ cần vợ làm nails, chồng làm hãng để có bảo hiểm sức khỏe là sống khỏe re. Và nếu cả hai vợ chồng đều chịu chi tiêu dè sẻn, chừng mực, không đua đòi mua sắm thì “giấc mơ Mỹ” chắc chắn sẽ nằm trong tầm tay với.

Hôm nay trong lúc đang chờ khách hẹn, tình cờ đọc được cuộc thi viết về Thế Giới Nails đăng trên tờ báo Trẻ Dallas, Bi thấy mình cũng nên tham dự để chia sẻ cuộc đời làm nails của mình cho các bạn. Với lại hồi còn đi học ở Sài Gòn, cô giáo hay nói Bi có khiếu về môn văn. Cô còn nói em này mai mốt có thể trở thành văn sĩ. Bi không biết sao, nhưng cứ thử gửi bài dự thi đại, hên xui thì được giải thưởng, chứ Bi chỉ giỏi về làm bột với chân tay nước thôi, nhà văn cái mốc xì gì. Dù sao Bi cũng trân trọng những ai đã có lòng ghé mắt đọc qua những tâm tình về nghề nails này của Bi. Bi xin hết lòng cảm tạ.

XN

Raleigh