Hôm nay chúng ta trở về với mùa X-uân thời chiến tranh trên đất nước chúng ta. Thời điêu linh ấy biết bao chiến sĩ phải chấp nhận hy sinh gian khổ để đồng bào được yên vui. Nghĩ đến mà muốn trào nước mắt, lòng dâng lên niềm cảm phục vô biên. Sau đây mời bạn đọc theo dõi bài viết của Nguyễn Khôi Việt để cùng chia sẻ những thân tình ngày ấy. NS 

Khó có được những ngày đầu Xuân bình an đôi chút để nghỉ ngơi. “Vui Xuân không quên nhiệm vụ” như những khẩu hiệu thường thấy khắp nơi công cộng hoặc trại lính. Từ lúc ký cái gọi là hiệp định Paris, lính tráng chẳng được hưởng chút gì từ cái bản văn vô giá trị đó, trái lại chiến sự ngày càng khốc liệt. Ðịch quân thừa cơ chiếm nhiều đất đai làng mạc, chúng tôi gần như ngày nào cũng nằm đường để giữ an ninh, nếu không lại ba lô súng đạn đi đánh giải toả hết chỗ này đến nơi khác. Rất vất vả cho quân đội chúng ta vì phải luôn trải rộng ra để giữ đất, rồi lại vất vả đi chiếm lại những xã ấp bị địch quân chiếm đóng, trong khi vũ khí súng đạn cũng như sự yểm trợ phi cơ và pháo binh đã giảm thiểu đến mức tối đa vì ngân sách yểm trợ quân sự đã bị cắt. Ðến mức thẩm quyền lớn của tôi đã có lần chửi thề. Nói. Ðạn dược thì ít mà đụng trận bắn có 3 trái pháo thì đừng bắn còn hơn, chắc có ngày tao và mày phải vật lộn và cắn tụi nó.

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

Lệnh lạc nguyên tắc nói cho vui vậy thôi, những lúc đụng trận vẫn được các chàng pháo binh và phi công dễ thương nhất trên đời yểm trợ tối đa, tuy rằng hoả lực không còn dồi dào như xưa. Nhưng hầu như từ năm 73 đến 74, lực lượng của Việt Nam Cộng Hoà luôn chiến thắng trong những mặt trận lớn nhỏ trên 4 vùng chiến thuật.

Những lúc chuyển quân trên quốc lộ, nhìn xóm nhà hai bên đường mà không khỏi nghĩ ngợi, những ngôi nhà tranh nhỏ bé rụt rè, nép cạnh khoảng ruộng vàng úa khô cằn dưới cái nắng thiêu đốt của mùa Hè. Những phận người mong manh ở đó sẵn sàng làm mồi ngon cho tử thần khi chiến tranh ập tới bất cứ lúc nào. Những ngày tháng chiến tranh trùng trùng, họ vẫn có những giờ phút bình yên nếu xóm làng thân yêu của họ không bị chiếm đóng bởi địch quân.

Sau khi hiệp định Paris đã ký kết. Họ đã không còn những giờ phút bình an nữa, địch quân thường xuyên pháo dọc theo quốc lộ, và trúng những nhà dân không phải ít, mục đích của họ là khủng bố đe doạ, trong không gian luôn có tiếng đạn pháo nổ sắc lạnh như tiếng cười gằn của tử thần, trong chớp mắt lấy đi sinh mạng ngây thơ của những trẻ em vô tội, của những thiếu nữ xinh tươi môi hồng má đỏ, của những người già một thời tất bật lo toan, chưa từng có một ngày bình an hưởng thọ tuổi già.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Trong chiến tranh, mạng người nhỏ bé như kiến, hiện diện và ra đi không có một ảnh hưởng nào, những người còn sống đôi khi cũng không còn nước mắt để khóc than cho người đã chết.

Thắm Nguyễn

Họ đã phải gắn cuộc đời mình với những tai ương thường xuyên đổ xuống đầu của họ, đã quá quen thuộc để họ chấp nhận nó như một điều bình thường.

Cái chết trong chiến tranh không mang lại điều mà người ta hay nói là “giải thoát”. Tôi không nghĩ như vậy. Những cái chết vô nghĩa đó đã cướp đi mọi ý nghĩa của cuộc sống.

Ngày xưa đó em tôi thích nghe bài Dạ khúc cho tình nhân của Lê Uyên Phương, với câu hát “yêu nhau trong lo âu, biết bao lần tha thiết nhớ mong”.

Tôi hay nói với em, hai người đó bi quan hão cho cuộc tình của họ, vì chẳng bao giờ phải đối mặt với chiến tranh, phải “dựa lưng nỗi chết” như anh khi bước lên xe GMC cùng bạn bè lính tráng, đi vào nơi bom đạn khốc liệt mà không biết có trở về được hay không.

Em tôi nói, anh cũng như những người lính khác, lao vào cuộc chiến bảo vệ quê hương vì đó là Danh Dự và Trách Nhiệm của người thanh niên, miệt mài chiến đấu quên cả gia đình, mà không nghĩ đến nỗi lo lắng chờ đợi người tình, người chồng trở về, nó ghê gớm khủng khiếp đè nặng trong tâm hồn em, và em nghĩ bất cứ người vợ lính nào cũng vậy. Anh không hiểu được đâu.

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Ngày ấy, trên đường chở quân đi đánh giải toả tại xã Tân Phú Trung, Củ Chi, ngừng xe, chạy vội vào bưu điện, để gởi cho em cuốn nhạc Con đường tình ta đi của Phạm Duy.

Quận lỵ nằm thu mình trong không khí nóng bức nặng nề khó thở của tháng Hai, tiếng đạn pháo réo trên đầu, tiếng súng cối và súng nhỏ vẳng từ xa của một đơn vị nào đó đang giao tranh.

Với nỗi nhớ em quay quắt trong tim, tôi đã viết cho em hàng chữ dưới bài Kiếp sau xin giữ lại đời cho nhau “Em yêu dấu. Kiếp sau xin giữ lại đời cho anh nhé”.

Cuốn nhạc đã bị mất sau cơn bão Katrina năm 2005.

NS

(theo Nguyễn Khôi Việt)