Trong mối giao tình giữa người và người, không gì quý bằng sự tử tế và lòng yêu thương. Nó là cái bóng mát trên con đường ta đi. Nó là thứ hương thơm còn đọng lại lâu dài để ta tin yêu ở người ở đời. Chúng ta sẽ tìm thấy nó trong câu chuyện sau đây. NS

Thắm Nguyễn

Mỗi ngày, tôi và thằng em trai nhỏ của tôi đi và về trên cùng một con đường ngang qua một xưởng lọc dầu. Má luôn luôn dặn chúng tôi đi cùng với nhau và không bao giờ nói chuyện với người lạ. Một hôm, cuộc đi bộ về nhà bỗng thay đổi hoàn toàn. Khi tôi và thằng em trai đi ngang qua xưởng lọc dầu, bỗng giọng nói của một người già vang lên:

– “Chào các cháu.”

Tôi quay nhìn thì thấy một người già thật là già đang nhìn chúng tôi với nụ cười dịu dàng trên môi.

– “Chào ông.” Tôi đáp lại nhưng vẫn giữ khoảng cách.

– “Các cháu có uống nước ngọt không? Ông biết mấy cháu đi qua đây mỗi ngày. Ông không có ý hại các cháu đâu.”

Tôi đã cảm thấy nực vì đi bộ và mang cái túi đựng sách nặng trên lưng nhưng tôi biết má tôi sẽ phản ứng ra sao khi thằng em tôi bép xép mách má về việc tôi chuyện trò với người lạ.

– “Thưa, cám ơn ông. Cháu không được phép nói chuyện với người lạ.” Tôi trả lời lại.

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

– “Ồ, ông biết rồi. Và má của cháu nói đúng. Tên ông là Bobby. Bây giờ thì cháu chạy chơi đi.” Ông nói và đi khuất vào sau cánh cổng xưởng lọc dầu.

Thật là một con người kỳ lạ, tôi nghĩ. Nhưng tôi cảm thấy hối hận rằng đã xúc phạm ông khi gọi ông là người lạ.

Tôi về nhà và kể cho má nghe những gì đã xảy ra. Má bảo là tôi đã làm đúng khi không nói chuyện với ông, do đó những ngày kế tiếp tôi cố gắng tránh con người này nhưng không được. Những con đường khác thì không được an toàn, và mỗi lần tôi đi ngang xưởng lọc dầu, một giọng nói quen vang lên: -“Chào các cháu”.

Rồi một hôm cả gia đình tôi rủ nhau dạo chơi quanh vùng. Ði ngang qua xưởng lọc dầu chúng tôi thấy cánh cổng mở hé. Tôi nhớ rằng mình đã cầu nguyện lầm thầm cho ông Bobby xuất hiện và chứng tỏ một lần cho mọi người thấy rằng ông là một người lạ mặt hiền lành tử tế. Và kìa, ông đến.

Ông mỉm cười khi đến gần má. -“Ồ, chắc hẳn bà là má của Bé Xinh. Và ông đây là cha của bé. Ðược gặp ông bà thật là quá tuyệt.”

Nụ cười chân thật và vẻ ngạc nhiên trên khuôn mặt cha mẹ tôi làm tôi yên tâm. Họ nói chuyện ít phút và rồi đi bộ về nhà, cha mẹ tôi nói không có gì đáng ngại khi chúng tôi đến chơi với ông Bobby sau giờ tan học.

Xem thêm:   Con búp bê thời nhỏ

Tôi và thằng em nhỏ của tôi thường dừng lại ghé thăm ông mỗi ngày kể từ hôm ấy. Ông thường mời chúng tôi vào căn phòng làm việc nhỏ xíu của ông để tôi kể cho ông nghe về việc học của mình, về bạn bè và những cuộc đấu thể thao.

Ít lâu sau tôi bắt đầu đưa mấy đứa bạn cùng lớp cùng đến chơi với ông. Chẳng bao lâu đã có tới mười bốn đứa bạn đến thăm ông Bobby mỗi ngày và được ông cho uống nước ngọt có ga và kẹo chewing gum. Giờ đây nghĩ lại, tôi hiểu rằng ông Bobby đã mua những thứ ấy cho riêng chúng tôi, một lũ nhóc tì.

Chúng tôi đến thăm và chơi với ông Bobby như vậy là đã được ba năm. Cuối cùng, má nghĩ đã đến lúc để làm một cái gì đó đẹp và có ý nghĩa cho ông Bobby. Thế là, với nhiều quan tâm và cố gắng, má tổ chức một buổi lễ trao tặng bảng kỷ niệm cho ông để ông treo ở văn phòng nhân dịp lễ Father’s Day. Tất cả đám học sinh đến chơi với ông mỗi ngày đều có mặt và cả một vài phụ huynh của chúng cũng tham dự.

Trên tấm bảng, má cho khắc hàng chữ “Kính tặng Người Ông của trẻ em trong vùng”, phía dưới là tên của tất cả đám chúng tôi. Tôi nhớ rằng ông Bobby đã khóc khi nhận tấm bảng ấy. Tôi không nghĩ rằng có lúc nào trong đời ông được yêu mến tới như vậy.

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Kỳ nghỉ kế tiếp má đem tặng ông Bobby tấm ảnh phóng lớn chụp buổi lễ tặng quà lưu niệm cho Người Ông Của Trẻ Trong Vùng, trong đó có đám nhóc chúng tôi vây quanh ông.

Một buổi trưa trời lạnh của Tháng Hai, chúng tôi ghé thăm ông như thường lệ thì chỉ nhận được tin ông đã qua đời. Tôi nhớ là mình đã khóc rất lâu khi nghe tin này. Ông quả thật là người ông của chúng tôi.

Mẹ tôi đi cùng với hai bà nữa tới dự tang lễ của ông. Ở đó, trên mặt quan tài là ba thứ quý giá đối với ông: lá quốc kỳ xếp thành hình tam giác (theo đúng nghi lễ dành cho cựu chiến binh), tấm bảng lưu niệm chúng tôi tặng ông và tấm hình lớn chụp ngày lễ Father’s Day với lũ trẻ chúng tôi đứng chung quanh ông. Ông Bobby không có con cháu. Chúng tôi là những đứa trẻ thân yêu của ông.

NS

(theo Daphne Orenshein)