Màn kịch thật đơn giản nhưng cảm động biết bao: Một bé gái mới ngoài hai tuổi ngồi bệt trong phòng hội trường preschool, gào khóc, xua đuổi bất cứ ai lại gần và nhất định không mang giày. Một cô bảo mẫu tới với bé, chuyện trò yêu thương và hát cho bé nghe bài hát “Mẹ sẽ trở về”. Cô hiểu sở dĩ con bé gào khóc là do em lo sợ mẹ sẽ không trở lại đón mình. Và rồi em bé cười tươi trở lại, cùng với cô bảo mẫu vui đùa, khởi sự cho một mối thân tình thật dễ thương.

NS

Hồi đó, tôi làm cô bảo mẫu và mỗi tuần làm thêm một ngày ở Trường Mầm Non trong vùng. Tôi vốn có lòng yêu trẻ và hết lòng vì chúng nên được chúng thương. Nhìn chung thì trẻ ở trường này ngoan, vui vẻ, hồn nhiên.

Một sáng, tôi đang bận sắp xếp giá vẽ và các thỏi màu cho các em thì bỗng nghe từ trong đại sảnh vang lên tiếng gào khóc của một bé gái. Qua cánh cửa lớn mở rộng, tôi nhìn thấy một em nhỏ, tóc đen, khoảng hơn hai tuổi, đang ngồi bệt trên sàn nhà. Nước mắt chảy ràn rụa trên khuôn mặt em. “Không!” Em gào lớn và ném đôi giày ra xa. Tôi không nghe được lời cô giáo em nói gì, nhưng một lát cô trở lại lớp, lắc đầu và nói: “Con bé không chịu mang giày.”

Tiếp theo đó, một phụ huynh đi nhặt đôi giày mang lại cho em. “Bé ơi, ở đây ai cũng phải mang giày hết.” Mặc kệ, em bé lại quẳng đôi giày ra xa với một tiếng “không” quyết liệt và bắt đầu cào cấu, đánh đập bất kỳ ai lại gần. Tiếng la thét của em lớn cho tới nỗi tất cả các em có mặt trong phòng đều ngừng các trò chơi và trố mắt nhìn.

Xem thêm:   Trở về thế giới tuổi thơ

Người phụ huynh hồi nãy, cũng là một người mẹ, nhún vai và cau mày bỏ đi. Còn lại một mình, em bé tiếp tục gào. Hình như bé sợ hãi điều gì, tôi nghĩ vậy, nên ngỏ ý với cô giáo muốn giúp em bé. Cô giáo bằng lòng ngay. Cô cho biết em mới hai tuổi rưỡi, biết chút ít tiếng Anh nhưng khi nói thường lẫn lộn nhiều thứ ngôn ngữ khác. Có thể em không hiểu rằng đi học thời phải mang giày. Ðiều cô giáo nói càng khiến tôi bối rối, chẳng hiểu gì về đứa bé này cả. Tôi đã từng phụ trách các lớp mầm non trong suốt mấy năm và đã giúp nhiều em thích ứng với trường lớp, nhưng đó là nhờ tôi và những em đó đã có quen biết nhau trước. Với em này, tôi hoàn toàn xa lạ. Làm sao mà bé có thể tin ở tôi được. Tôi không biết phải làm sao nữa, nhưng tôi không thể bỏ mặc em một mình trong cơn hờn giận, khổ sở. Nghĩ vậy, tôi kéo một chiếc ghế lại gần em bé.

Thắm Nguyễn

“Cô nghe hình như em đang tức giận điều gì và buồn lắm phải không?” Tôi không biết em có hiểu lời tôi nói không vì em vẫn tiếp tục gào khóc. Tuy nhiên, tôi vẫn ở lại và lắng nghe với lòng thành thật xót thương. Trong khi đó, thỉnh thoảng em lại chỉ tay ra phía cửa và khóc lớn.

Xem thêm:   Dòng chữ trên tường

Tôi hỏi em: “Có phải mẹ em đã bỏ em về không?”

Tức thì em gào lên: “Mẹ! Mẹ! Mẹ!…” Giờ đây thì em có vẻ sợ hãi hơn là giận dữ. Ðôi mắt đen của em mở lớn đầy vẻ hoảng hốt, và thỉnh thoảng em lại khóc nức nở.

“Có phải em hãi sợ vì mẹ em bỏ đi không?” Tôi hỏi. Và chợt lóe lên trong trí tôi ý nghĩ có lẽ không ai nói cho em biết là mẹ em sẽ trở lại đón em. Ðây quả thật là điều hãi hùng đối với một em bé mới hai tuổi rưỡi. Ngay cả nếu như có ai đó nói mẹ em sẽ trở lại có lẽ em cũng sẽ không hiểu được hoặc là em quá giận dữ nhất định không nghe.

“Mommy đi ra cửa kia, đúng rồi,” Tôi nói. “nhưng Mommy sẽ trở lại.

Em bé chợt ngừng khóc, và lần đầu tiên nhìn thẳng tôi. Và rồi tôi nhớ lại một bài hát tôi đã đặt ra để an ủi một bé khác cũng trong cơn sợ hãi vì không có mẹ ở bên.

Mẹ đi nhưng mẹ sẽ trở về

Mẹ sẽ về, mẹ sẽ về lại và thương bé.

Bây giờ thì em đã im, lắng nghe, đôi mắt to còn đầy lệ, nhưng chiếu thẳng vào mắt tôi. Tôi hát lại vài lần nữa, và khi tôi ngừng, em đưa tay về phía tôi. Tôi cầm lấy bàn tay nhỏ bé của em và nhặt đôi giày lên, đoạn nói: “Bây giờ cô và em cùng chơi nhé?”

Xem thêm:   Tháng Tư. hoa loa kèn & bóng mẹ

Em gật đầu ưng thuận, và chúng tôi bước sang phòng bên, bắt đầu chơi với đoàn xe lửa chạy pin. Em đã cười với tôi trong khi nhìn chuyến xe lửa di chuyển trên đường ray. Tôi mang giày vào cho em thật dễ dàng. Một lát sau mẹ em xuất hiện ở cửa trong bộ sari sặc sỡ, đi chân không. Nhìn người thiếu phụ, tôi chợt hiểu mọi chuyện.

Sau hôm đó, mỗi khi gặp tôi ở trường là em bé có đôi mắt đen lớn ấy gọi tên tôi, chạy tới tươi cười ôm lấy chân tôi. Tôi thường ngồi xuống ôm vuốt ve em. Khi tôi về em không quên vẫy tay chào “good bye”. Tôi thật không ngờ rằng mình chỉ bỏ ra có hai mươi phút chơi với em bé mà đạt được sự thông cảm và thân tình đến thế. Sau này, mỗi khi nhớ tới em lòng tôi lại cảm thấy ấm áp. Và tôi thầm cảm ơn các thầy cô đã dạy tôi yêu thương và chia sẻ cùng người. Xin gởi điều này lại cho thế hệ mai sau.

NS

(theo Patty Zeitlin)