Một nhà bác học quá chuyên chú vào sách vở và những sai lầm của nhân loại mà không biết đến cái thiện và thế giới tốt đẹp chung quanh. May nhờ cô cháu gái sáu tuổi nhắc nhở nên ông hiểu ra tất cả. Mời bạn đọc theo dõi câu chuyện. NS

Năm ấy Jessy mới sáu tuổi. Bé mồ côi cha mẹ, được ông cậu anh của mẹ là nhà bác học Bogus đem về nuôi. Trong suốt 8 ngày đầu, bé chẳng nói tiếng nào, mà chỉ khóc. Buổi sáng ngày thứ chín, bé nói với Bog:

– “Cháu đã nhìn thấy mẹ cháu; toàn thân mẹ trắng toát, rồi cháu thấy nhiều hoa màu trắng ở nếp váy của mẹ; mẹ đã rải đầy hoa trên giường cháu, nhưng sáng này khi thức dậy thì cháu không thấy gì cả. Cậu ơi, đưa hoa của mẹ cho cháu đi cậu.”

Thế là Bogus lưu ý đến sai lầm đó, nhưng trong lời bình chú của mình, ông ấy ghi nhận : đó là một sai lầm ngây thơ vô hại và có vẻ đáng yêu.

Rồi sau đó ít lâu, Jessy lại nói với Bog:

– “Cậu Bog ơi, cậu già quá, và xấu xí nữa; nhưng cháu vẫn rất yêu cậu và cậu cũng phải yêu cháu thật nhiều nhé.”

Bog cầm bút, định ghi xuống; nhưng sau khi suy nghĩ thật kỹ, đã nhận ra rằng mình không còn trẻ nữa và chưa bao giờ điển trai cả, nên không ghi lời nói của con bé. Ông chỉ hỏi:

“Tại sao ta phải yêu cháu hả Jessy?

-Dạ bởi vì cháu còn nhỏ.

Bog tự hỏi, “Có đúng là phải yêu thương trẻ thơ không? Cũng có thể lắm; bởi vì thật ra chúng rất cần được yêu thương. Khi hiểu được điều này thì sai lầm thông thường của những người mẹ cho con thơ sữa và tình thương của họ là có thể tha thứ được. A, đây là một chương trong chuyên luận của ta cần phải xem lại đây.”

Thắm Nguyễn

Buổi sáng ngày sinh nhật của mình, khi vào phòng chứa sách vở giấy tờ mà nhà thông thái gọi là thư viện của mình, ông ngửi thấy một mùi hương rất dễ chịu và nhìn thấy một chậu hoa cẩm chướng trên bờ cửa sổ. Chỉ có ba nụ hoa thôi, nhưng ba nụ màu hồng điều đang được ánh nắng nhảy múa lướt nhẹ rực rỡ. Rồi tất cả mọi đồ vật đều vui cười hớn hở trong phòng: cái ghế bành thêu hoa, cái bàn bằng gỗ hồ đào; gáy những cuốn sách cổ xưa đang tươi cười trong lớp bìa da. Và rồi Bogus, héo queo quắt như chúng nó cũng nhoẻn miệng cười. Jessy vừa ôm ông ta vừa nói:

Xem thêm:   Con chim nhỏ của buổi sáng mùa Đông

“Này nhé, cậu Bog, nhìn nè: đây là bầu trời nhe -và cô bé vừa nói vừa chỉ vào không khí màu xanh trời nhạt qua khung cửa kính- còn bên dưới là mặt đất nè cậu, mặt đất tràn ngập hoa lá ( rồi bé lại chỉ vào chậu hoa); còn bên dưới nữa là những cuốn sách đen thui, đó là địa ngục đó cậu ạ.»

Những cuốn sách to màu đen đó chính là mười tập của chuyên luận về Những Sai Lầm của nhân loại, được xếp ngay ngắn bên dưới cửa sổ. Bé Jessy nhắc cho nhà bác học nhớ đến tác phẩm của mình, lâu nay ông bỏ quên nó vì bận đi rong ngoài đường phố và đi dạo công viên với cô cháu. Bé đã khám phá ra ngàn vạn điều đáng yêu mà Bogus chưa bao giờ biết đến vì gần suốt cuộc đời không ló mặt ra đường. Ông đến chỗ sách vở, lật lại những tập bản thảo của mình, nhưng ông bị lạc lối mất rồi, không biết mình đang ở chương nào nữa, vì trong đó không có hoa lá cũng chẳng thấy Jessy đâu.

Nhưng may sao triết học đã giúp ông bằng cách gợi cho ông ý tưởng siêu nghiệm rằng Jessy chẳng làm được trò trống gì. Thế là ông bám một cách chắc chắn vào sự thật ấy, rằng điều này rất cần thiết cho kết cấu của tác phẩm văn học của ông.

Xem thêm:   Truyện con dế ở Quảng Trường Times Square

Một hôm ông đang trầm tư mặc tưởng về vấn đề đó thì ông thấy Jessy đang ngồi xâu kim ở ngay trước bậu cửa sổ có đám hoa cẩm chướng. Ông hỏi cô bé đang tính khâu cái gì. Jessy liền trả lời:

– “Cậu ạ, vậy chớ cậu không hề hay biết là chim én đã bay đi rồi sao?”

Bogus không hay biết chi hết, sự việc đó ông không thấy trong sách.

Jessy lại nói:

“ Chính bà Kat nói cho cháu hôm qua…

– Kat ư? Bogus la lên, cô bé này muốn nói đến Clausentina đáng kính đây!

– Hôm qua bà Kat nói với cháu: “Năm nay chim én bay đi sớm hơn mọi năm; điều này báo cho ta biết mùa đông sẽ đến sớm và khắc nghiệt đây.” Dạ bà Kat nói với cháu như vậy đó. Và rồi cháu cũng thấy mẹ cháu nữa, mẹ mặc váy trắng, trên mái tóc thì có vầng sáng; chỉ có điều là mẹ không có hoa như lần trước mẹ đến với cháu. Mẹ nói: «Jessy à, con phải lấy cái áo choàng lót da lông thú của cậu Bog ở trong rương ra nhe con, và con nhớ may vá lại nếu như áo bị hư rách.» Sau đó cháu thức dậy và vừa ra khỏi phòng thì cháu lôi cái áo choàng ra rồi nè cậu; và cháu sẽ khâu lại những chỗ rách.”

Và thế là mùa đông đã đến và đến rất sớm và khắc nghiệt y như chim én đã báo trước. Bogus, cuộn mình ấm áp trong chiếc áo choàng và đôi chân thì hơ trước lò sưởi, đang tìm cách sửa chữa lại vài chương của chuyên luận. Nhưng rồi mỗi khi ông đã có thể dung hòa những kinh nghiệm mới thu thập được của ông với lý thuyết về điều xấu xa của thế giới, thì Jessy lại đến làm rối ren tất cả, khi thì đem cho ông một cốc bia thật tuyệt, hoặc khi đơn thuần chỉ là khoe nụ cười và đôi mắt của bé.

Xem thêm:   Thằng nhỏ người Nhật

Rồi khi mùa hè rực rỡ lại đến, cậu cháu thường rảo bước dạo chơi khắp các cánh đồng. Sau đó Jessy mang bao nhiêu là thảo mộc về nhà, và ông cho bé biết tên của chúng, rồi chiều đến, cô bé lại sắp xếp theo từng tính chất của chúng. Khi dạo chơi như thế, Jessy đã cho ông thấy lập luận đúng đắn và một tâm hồn thật đáng yêu của mình.

Nhưng rồi, một hôm, trong khi dàn trải ra đầy bàn những hoa lá nhặt được trong ngày, bé nói với Bogus:

– “Cậu Bog ơi, bây giờ cháu đã biết tên tất cả những loại cây mà cậu đã dạy cho cháu. Ðây là những cây lá chữa được bệnh và kia là những cây có thể an ủi nỗi đau buồn của ta. Cháu muốn giữ chúng lại, để lúc nào cũng có thể nhận biết được và cũng muốn cho người khác biết chúng nữa ạ. Cháu cần phải có một cuốn sách thật dày và to để ép chúng vào đó cho khô.

– Vậy thì cháu lấy cuốn này đi cháu”, Bog nói.

Và ông liền đưa cho bé chương Một của chuyên luận về Sai Lầm của Loài Người.

Rồi khi mà mỗi trang của cuốn sách đó đã ép một cành thảo mộc, họ lại lấy quyển kế tiếp, và thế là, trong ba mùa hè liên tiếp, kiệt tác với bao công sức của nhà bác học đã hoàn toàn biến thành sách bách thảo.

NS

(theo TháiLanVũ -dịch từ Le Livre de Mon Ami của Anatol France)