Chị Hoa có hai đứa con trai, một lên tám và một lên sáu. Hai vợ chồng chị làm chủ một tiệm “grocery” cách đây ba năm, sau khi anh chị bị “layoff”. Cửa hàng nhỏ, bên ngoài trông rất xập xệ, nhưng theo lời chị nói “có ăn lắm”. Tiệm nầy trước đây của một người Iran già, nhưng qua vụ khủng bố, những người quá khích trong vùng hay đến làm khó dễ, ông sợ quá nên sang lại cho chị Hoa chỉ có sáu mươi ngàn, kể cả hàng hoá trong tiệm. Chị nói, ở đây, đa số là dân Mễ và Mỹ đen, nên họ hay mua quà vặt, cái gì cũng bán được, từ một lon bia lạnh đến ly nước ngọt … kể cả những điếu thuốc lẻ nữa! Chỉ trong vòng hai năm mà anh chị đã lấy lại vốn.

Tôi ghé thăm chị Hoa trong dịp cuối tuần. Tiệm của chị nằm ngoài bìa của một dãy phố cũ chỉ có vài căn, trong đó có tiệm giặt, tiệm bán nước lọc, tiệm Pizza v.v. Ðậu xe ở “parking” phía trước, tôi thấy có vài thiếu niên Mễ, tóc nhuộm vàng, đỏ đang đùa giỡn, bên trái là một nhóm Mỹ đen gồm cả nam, lẫn nữ, thay phiên nhau  đạp xe vòng vòng  trên khu đất trống chật hẹp bên cạnh. Dù chúng không có vẻ gì ghê gớm lắm, nhưng  tôi vẫn có cảm giác không an toàn. Chị Hoa cười trấn an:

– Coi vậy chứ tụi nó hiền khô hà!

Bên trong tiệm, phía sau là kho hàng khá rộng, được ngăn ra một căn phòng nhỏ, vừa đủ để TV, một bàn, hai ghế ngồi và hai ghế xếp dài  để nằm.

– Ðây là giang san của hai đứa nhỏ. Khi tan trường, tụi nó về đây, ở trong phòng nầy chơi học bài, chơi game, xem TV, ăn uống thoải mái tuỳ thích.

Tôi hỏi:

– Suốt tuần, bó gối trong căn phòng chật hẹp này, tụi nhỏ không than phiền hay đòi đi chơi sao?

– Dĩ nhiên là có, nên thỉnh thoảng tôi cũng gửi chúng đến nhà cô em hoặc người bạn gần đây, cho chơi với mấy đứa cùng trang lứa với nó.

Chị Hoa cho biết, ngoài việc bận rộn với tiệm, chồng chị còn làm thêm công việc dọn dẹp vệ sinh cho các văn phòng vào buổi tối và cuối tuần. Cứ như thế, một tuần bảy ngày thì làm sao anh chị có giờ để chở con cái đi đây, đi đó. Chị Hoa nói bằng giọng đầy tự tin:

Xem thêm:   Mua phi cơ riêng

– Vài năm nữa, kiếm thêm được một mớ tiền, chúng tôi sẽ tìm công việc khác bề thế hơn.

Qua những trao đổi về việc làm và đời sống, chị Hoa tâm sự:

– Năm tôi mười tuổi, ba má tôi sang một “shop” may. Mỗi ngày, ba chị em tôi, sau giờ học ở trường phải  giúp ba má. Chị Hai mười bốn tuổi thì ráp quần áo, anh Ba mười hai tuổi lãnh phần vắt sổ, còn tôi chưa sử dụng máy may được, nên làm việc lặt vặt như lộn cổ áo hay cắt chỉ…. Quanh năm, suốt tháng, chúng tôi không được đi đâu chơi. Má nói với chúng tôi “Phải cố gắng làm việc để trả dứt nợ nhà, nợ xe, chừng đó mình sẽ thảnh thơi, không còn lo âu nữa. Nhà này, xe này là của mấy con”. Nhiều năm như vậy, thấy bạn bè đi chơi, chị em tôi thèm lắm. Nhưng mỗi lần xin đi thì bị la rầy “Tụi bây không biết thương ba má, chỉ ham ăn, ham chơi, không biết lo tương lai”. Có khi, cả năm mới được phép đi xem phim một lần. Chưa bao giờ chị em tôi được tổ chức sinh nhật. Dĩ nhiên, sinh nhật của bạn bè cũng không bao giờ được đi dự. Má tôi thường nói “Qua đây, bày đặt ăn sinh nhật cho tốn kém, hồi đó ở Việt Nam làm gì có chuyện này, chỉ một lần đầy tháng, một lần thôi nôi là đủ rồi, có chết ai đâu”. Chị em tôi không ai hưởng được tuổi thơ một cách hồn nhiên, sung sướng.  Ðến khi tốt nghiệp trung học, các anh chị đều xin đi học xa, để được tự do. Tôi cũng ao ước như  thế, nhưng nhìn lại thấy chỉ còn ba má trong căn nhà vắng vẻ, nên không nỡ rời bỏ. Thế là đành gác lại giấc mộng được theo học tại ngôi trường đại học mà tôi từng mơ ước. Thương ba má thì có thương, nhưng đôi lúc nghĩ lại tôi cũng cảm thấy giận, vì ba má đã bắt chúng tôi phải làm việc quá nhiều ở lứa “tuổi thần tiên”.

Bây giờ, ba má tôi đã trả xong căn nhà thứ hai, nhưng lại mua căn nhà thứ ba lớn hơn, nên cũng phải bận rộn suốt tuần với cái tiệm nail. Con cái không đứa nào chịu ở chung, vậy mà hai ông bà mua căn nhà thênh thang làm gì để phải cực nhọc, không chút  rảnh rang hưởng chút an nhàn. Qua kinh nghiệm nầy, tôi quyết không bao giờ bắt con cái phải làm gì, ngoài việc chăm chỉ học hành. Sau khi các con lớn khôn, thành tài thì chúng tôi sẽ nghỉ ngơi.

Xem thêm:   Mát-xa tại…nhà

o O o

Tôi đến nhà anh chị Thống ngay lúc Alex vừa đi chơi về. Chị Thống nhìn đứa con gái mười bảy tuổi của mình xinh xắn trong bộ quần áo đúng mốt bằng đôi mắt ngưỡng mộ và hãnh diện khoe với tôi:

– Con bé chỉ mặc quần áo hiệu nổi tiếng chứ nhất định không xài đồ rẻ tiền. Cái xách tay của nó cũng hơn bạc ngàn, giày dép thì toàn là đồ xịn. Bà chị chồng trách tôi tập con cái tiêu xài hoang phí. Nhưng tôi lại nghĩ khác. Hồi còn trẻ ở Việt Nam, gia đình không dư dả, thấy bạn bè ăn mặc đẹp, đi xe mới, tôi ao ước hoài mà không có được, rất tủi thân. Bởi vậy, tôi không muốn con mang mặc cảm như tôi ngày xưa, nên nó muốn gì tôi đều đáp ứng. Tôi cũng không cho cháu đi làm thêm ngoài giờ học. Ngày nào tôi còn đủ sức cáng đáng mọi chi tiêu cho gia đình thì nó không phải làm gì hết.


Bạn thân mến,      

Làm cha mẹ, ai cũng lo cho con theo khả năng tài chánh và quan niệm sống của mình. Chính vì những yếu tố nầy mà con cái của mỗi gia đình được an bài trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Ðứa thì có cha mẹ khó khăn, nghiêm khắc. Ðứa lại được nuông chiều quá sức. Theo suy nghĩ của bạn, ai đúng, ai sai cho sự thành công của trẻ?    

Với cái nhìn của người viết, chị Hoa là một đứa bé bất hạnh vì quan niệm sai lầm của cha mẹ. Sống ở một đất nước đầy cơ hội cho tương lai, điều quan trọng không phải là căn nhà, chiếc xe, hay tài sản để lại cho con (dĩ nhiên, có được cũng là một điều tốt, nếu đó không phải là cái cớ để anh chị em chúng tranh giành sau này) mà quan trọng là giá trị tinh thần, để khi ra đời, con cái có đủ điều kiện tự xây dựng hạnh phúc. Có những kinh nghiệm từ ký ức của mình – trong một hoàn cảnh khác – không phải lúc nào cũng đúng với bọn trẻ. Thí dụ, ở Việt Nam trước đây, để lại cho con nhà cửa, ruộng vườn là một điều thực tiễn. Nhưng ở đây, đời sống đã khác nhiều. Hãy tạo cho trẻ những môi trường thích hợp với lứa tuổi của chúng – như một loài hoa được cấy trồng trong điều kiện phân bón, khí hậu thích hợp thì nó sẽ tự sinh hoa, kết nhụy thật tốt đẹp. Không nên ép con trẻ phải suy nghĩ như người lớn, bắt chúng làm việc với ý thức trách nhiệm của người lớn như chị em của chị Hoa khi còn nhỏ. Cảm thấy tuổi thơ của mình bị mất mát vì phải làm việc quá nhiều ở lứa tuổi đáng lẽ chỉ biết học và biết chơi, chị Hoa oán trách cha mẹ. Nhưng đến khi có con, chị lại chú tâm vào việc kiếm tiền một cách quá bận rộn. Dù con của chị không phải làm gì, nhưng lại bị giam lỏng trong căn phòng nhỏ bé, không được cùng bạn bè hưởng thú rong chơi hồn nhiên, vui vẻ. Có phải vết chân buồn của tuổi thơ cũng giống như nhau?        

Trường hợp chị Thống, vì không đạt được điều mơ ước ở tuổi trẻ, chị đã đền bù cho con không điều kiện. Biểu hiện tình thương như vậy liệu có phải là một cách tốt nhất cho con nên người?

Thiết nghĩ, chúng ta nên tập cho con trẻ tinh thần trách nhiệm và ý thức được giá trị của từng giọt mồ hôi đổ ra trong cuộc sống bằng cách hướng dẫn cho con những công việc hợp với lứa tuổi và tính tự lập một cách chừng mực khi còn đi học. Chỉ như thế, trẻ mới có được sự chuẩn bị đúng đắn cho bước chân vào đời, mà vẫn cảm thấy mình hưởng được trọn vẹn những niềm vui trong cuộc sống cũng như  tình yêu thương của cha mẹ. Và như thế có nghĩa là chúng ta đã cho con cái niềm hạnh phúc phải không bạn?[]