Lời Giới Thiệu: HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Không hiểu những đứa con nghĩ gì về tôi – Cha của chúng – một ông già khó khăn hay một người xưa như trái đất? Bởi vì … hình như chưa bao giờ cha con tôi hợp nhau trong bất cứ  vấn đề gì. Ðã có lúc tôi cảm thấy như thế. Nhất là mỗi khi đi làm về mệt nhoài, nhà cửa bề bộn, vậy mà  chẳng đứa nào giúp mẹ dọn dẹp cho gọn ghẽ, tươm tất. Rất nhiều lần tôi nói cho chúng biết:

– Vì tương lai của các con mà ba má đã làm việc cật lực với mong muốn trả dứt nợ căn nhà cho sớm, để mai này có tiền lo cho anh em tụi con vào đại học. Ba muốn đứa nào cũng phải học xong ít nhất là bốn năm đại học, rồi muốn làm gì thì làm.

Ðó là lời tâm sự của anh Ðằng. Anh kể thêm rằng, là một người cha nghiêm khắc, anh muốn con cái lúc nào cũng phải tuyệt đối vâng lời cha mẹ. Anh nói “Còn nhỏ mà không ghép vào kỷ luật thì khó mà nên thân sau nầy”. Một hôm đi làm về trễ, anh thấy đứa con gái lớn và hai đứa em trai đang say mê xem chương trình thi đấu Basketball trên TV. Chúng chẳng buồn để ý  đến sự có mặt của anh, mà cứ hò hét, vỗ tay theo từng đường ném banh của cầu thủ. Nhìn vào bếp, nào xoong, nồi, chén dĩa đầy bồn – cái hình ảnh mà anh ghét nhất. Quay sang hỏi đứa con gái lớn, nó bảo rằng hôm nay tới phiên nó rửa chén, nhưng phải xem hết game nầy mới rửa. Anh quát lên:

– Phải làm ngay bây giờ.

– Dạ, dạ.

Nó đáp mà cứ ngồi lỳ ở sofa, dán mắt vào trận đấu trên TV.  Mệt mỏi vì công việc ở hãng, trên đường về lại bị kẹt xe, nên lòng anh đầy nỗi bực dọc, về đến nhà  con cái lại cãi lời… cơn nóng giận bừng lên, anh hét lớn:

– Không đứa nào được coi TV nữa.

Chúng vẫn ngồi tỉnh bơ. Sẵn cái chày giã tỏi trên bếp, anh cầm lấy, ném vào TV, mặt kính vỡ tung toé làm chúng hoảng hốt chạy ra sân với khuôn mặt xanh mét.

Kể từ đó, cứ mỗi lần anh về thì nhà cửa sạch sẽ, nhưng mỗi đứa đều rút vào phòng riêng, với lý do phải học bài. Nhưng thật hay giả anh cũng khó mà kiểm soát.

o O o

Anh Lý đối với con có khác. Về vật chất, con anh không thiếu một thứ gì. Anh quan niệm, cứ sống thoải mái, lo gì chuyện phải “payoff” nhà cửa, xe cộ. Anh thường đưa gia đình du lịch đó đây vào thời gian các con nghỉ Hè. Con muốn gì anh cũng cho, nhưng với điều kiện “Kết quả học trình phải luôn luôn xếp điểm A”. Hai đứa con – một trai và một gái – rất sợ anh,  bởi chúng đã bị một trận đòn nhớ đời vì cái tội “điểm B”. Suốt thời gian trung học, hai đứa ngoan ngoãn vô cùng, chỉ cần anh trừng mắt một cái là chúng sợ lấm lét. Anh Lý muốn hai đứa con phải trở thành bác sĩ hay dược sĩ, chứ không chấp nhận nghề nào khác.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Nhưng không ngờ, thằng con trai vừa xong “high school” đã lặng lẽ gia nhập quân đội. Khi biết chuyện,  anh tức giận tra hỏi, nó bảo rằng,  việc học hành với quá nhiều áp lực  làm nó ngán tận cổ, nên bây giờ muốn đi lính vài năm để “thay đổi không khí”!”. Anh tức tối đến lặng người.

Khi kể câu chuyện nầy, anh Lý buồn buồn nhắc lại chuyện xưa, hồi mười hai tuổi, thằng nhỏ không nghe lời anh, lén ra ngoài sân chơi trượt ván, té sướt đầu gối chảy máu, chạy về khóc với mẹ. Anh biết được, đã đánh đòn và phạt quỳ một giờ với cái đầu gối bị thương vì hai tội “Ði chơi không xin phép và có lỗi mà còn khóc”. Bây giờ anh hỏi nó:

– Tại sao đi lính mà không cho ba má biết. Tại sao không đi học trường đại học ở đây cho gần gũi  gia đình.

Thằng con thản nhiên lặp lại:

– Con muốn thay đổi không khí.

Anh Lý biết, nó muốn thoát khỏi sự kềm chế của anh!.

o O o

Vừa ủi  áo xong, Chị đưa bàn ủi cho Vân đang chơi game gần đó:

“Vân, cầm bàn ủi giùm Chị”.

Ðang mải mê chơi không để ý, bé Vân đặt bàn ủi trên đùi của mình. Bỗng, cô la thất thanh:

– Á! nóng quá!

Lớp da đùi non nớt của Vân in một vết phỏng dài, đỏ hỏn. Vân không dám khóc lớn vì sợ mẹ rầy. Thấy em vừa khóc vừa xuýt xoa đau đớn, Chị nói:

“Phải cho Mẹ biết để tìm thuốc chữa”.

Vừa khóc, vừa suy nghĩ, cuối cùng Vân quyết định nói với Bố thay vì với Mẹ. Vân rón rén bước vào phòng, nơi Bố đang ngồi làm việc. Lau khô nước mắt, giấu cơn đau, bé Vân thỏ thẻ:

“Bố ơi! con muốn nói với bố việc nầy, nhưng Bố hứa là không rầy con nhé!”.

Bố quay lại:

“Ừ! bố hứa, chuyện gì đây?”

Bé Vân ôm chân, oà lên khóc:

“Con bị phỏng”.

Nhìn xuống đùi Vân, Bố hoảng hốt, bỏ hết mọi việc, quỳ xuống ôm con. Bố cảm thấy lòng mình đau nhói. Bế đứa con gái nhỏ trên tay, Bố bước nhanh đến giường, đặt nó xuống để tìm thuốc thoa. Bố hỏi:

Xem thêm:   Chuyện sui gia

“Con bị hồi nào? Sao không cho Bố hay liền”.

Bé Vân kể cho Bố nghe mọi sự trong nước mắt. Khi câu chuyện kết thúc, cô bé không quên dặn dò:

“Bố đừng nói với ai nhé, người ta sẽ cười con ‘stupid’. Tại con tưởng bàn ủi nguội nên để lên đùi”.

Bố gật đầu, ôm bé Vân vào lòng, âu yếm hôn lên tóc.


Bạn thân mến,

Bạn sẽ là người cha nào trong những câu chuyện trên đây? Có một điều ai cũng hiểu, dù thế nào đi nữa, họ vẫn là những người cha rất mực thương con, với lòng mong muốn con cái lớn lên sẽ thành đạt hơn mình. Chỉ khác nhau là phương pháp dạy dỗ của mỗi người trong mỗi gia đình, vì tùy theo  quan niệm, tính tình, và sự hiểu biết về vai trò người cha, qua giáo dục mà người ấy đã lãnh hội. Người viết tin rằng,  ít có người cha nào biết rõ con cái đang nghĩ về mình như thế nào. Chúng bất mãn, hay sung sướng vì được làm con của bạn? Chắc chắn, bạn bè của chúng sẽ biết rõ hơn bạn.

Làm cha, phải nghiêm khắc để con cái sợ thì mới dạy dỗ chúng được hay phải yêu thương, nuông chiều để con cái  biết ta hết lòng thương yêu chúng. Cách nào đúng? Tôi không dám lạm bàn, nhưng ước mong những người cha trẻ sẽ chọn cho mình cách dạy dỗ con cái, sau khi  đọc  bức thư của văn sĩ Livingstone Larnod, đã được học giả Nguyễn Hiến Lê chuyển dịch trong quyển “Ðắc Nhân Tâm” của Dale Carnegie mà tôi xin trích đăng sau đây:

“Con ơi! Con ngủ, má đỏ kề trên tay, tóc mây dính trên trán. Ba mới lẻn vào phòng con… ba muốn thú tội với con: lúc nãy trong khi đọc báo trong phòng sách, đợt sóng hối hận xâm chiếm tâm hồn ba. Ba đã hơi nghiêm khắc với con hôm nay. Sáng này, trong khi con sửa soạn sách vở đi học, ba đã rầy con vì con chỉ quệt chiếc khăn ướt lên đầu mũi con thôi. Ba đã mắng con vì giầy con không sạch bóng. Ba đã la con khi con liệng đồ chơi của con xuống đất. Trong lúc điểm tâm ba lại khiển trách con nữa. Con đã đánh đổ sữa, con đã nuốt vội mà không nhai, con đã tỳ khuỷu tay lên bàn, con phết nhiều bơ lên bánh quá… Khi ra cửa con quay lại chào ba “Thưa ba con đi!”, và ba đã cau mày “Ngay người lên!”

Buổi tối vẫn điệu đó, ở sở về, ba rình con ở ngoài đường. Con chơi bi, đầu gối quỳ trong đất cát, vớ rách hở cả thịt ra. Ba đã làm nhục con trước bạn bè, vì bắt con đi trước mặt ba cho tới nhà. “Vớ đắt tiền, nếu mày có phải bỏ tiền ra mua, mày mới tiếc của mà giữ nó!”(Con thử tưởng tượng có ai là cha mà mắng con như vậy không?)

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Rồi con nhớ không? Tối đến, trong khi ba đọc sách. Con rón rén vào phòng ba, vẻ đau khổ lắm. Ba ngửng lên, giọng bất bình hỏi: “Cái gì?”. Con không trả lời chi hết, nhưng trong một lúc xúc động không nén lại được, con chạy lại, bá cổ ba, ôm ba với tình sùng bái cảm động mà Trời Phật đã làm nảy nở trong lòng con, mà sự lạnh lùng của ba không làm cho héo hon được… rồi con chạy lên cầu thang.

Này con, chính lúc đó cuốn sách ở tay ba rớt xuống và một nỗi sợ ghê gớm xâm chiếm ba. Cái thói hay chỉ trích, trách mắng đã làm cho ba thành như vậy đó: Thành một người cha gắt gỏng. Ba đã phạt con, vì con là con nít, mà ba bắt con phải làm như người lớn. Không phải ba không thương con đâu, nhưng ba đã đòi hỏi ở tuổi thơ của con nhiều quá, ba đã xét con theo tuổi nhiều kinh nghiệm của ba. Mà tâm hồn con đại lượng, cao thượng, trung thực biết bao! Trái tim nhỏ của con mênh mông như bình minh ló sau rặng đồi. Chỉ một sự hăm hở tự nhiên lại hôn ba trước khi ngủ cũng đủ chứng điều đó. Thôi cha con mình quên hết những chuyện đã qua .Tối nay ba hối hận lắm, lại ngồi nép bên giường con. Ba biết, nếu con có nghe những lời ba thú với con đây, thì con cũng chẳng hiểu chi. Nhưng ngày mai, con sẽ thấy, ba  thật là một người cha; ba sẽ là bạn của con, con cười ba sẽ cười, con khóc ba sẽ khóc. Nếu ba có muốn rầy con, thì ba sẽ mím chặt môi và  lặp đi lặp lại, như trong kinh: Con chỉ là một đứa nhỏ… một đứa nhỏ!

Ba có lỗi. Ba đã coi con như người lớn. Bây giờ nhìn con nằm trong giường nhỏ của con, mỏi mệt, trơ trọi, ba biết rõ rằng con chỉ là một em bé. Mới hôm qua, con còn nằm trong tay mẹ, ngả đầu vào vai mẹ. Ba đã đòi hỏi con nhiều quá… nhiều quá”.

Bạn có tin rằng, chính lòng yêu thương, độ lượng, niềm vui trong mái ấm gia đình và tấm gương cha mẹ mới chính là bài học thực tiễn nhất cho con trẻ, để từ đó chúng có thể tạo dựng một đời sống hạnh phúc không?