Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

 – Từ tháng 3 năm rồi, đến nay đúng 9 tháng 10 ngày, tôi không được bước chân ra khỏi nhà. Bà tưởng tượng xem, tôi là chân đi mà bị nhốt như vậy, đến nay vẫn chưa khùng, cũng là phép lạ đó.

– Ai cả gan nhốt bà vậy?

– Ông chồng tôi chứ ai. Khi “Covid” bùng phát, ông hoảng loạn, suốt ngày mở TV nghe tin tức số lượng lây nhiễm, số lượng tử vong… rồi lo sợ đến mất ăn, mất ngủ. Thế là ông cấm tôi không được đi đâu và cũng không mở cửa đón bất cứ ai vào nhà.

– Ủa! rồi con cháu đến thăm thì sao, chẳng lẽ cấm luôn?

– Hai đứa con tôi đều làm việc trong bệnh viện, ông nhà tôi nói, đó là môi trường nhiễm bệnh, nên cách ly chúng nó kỹ lắm. Có lần, con gái lớn dẫn cháu về thăm, ông không cho vào nhà, nên nó đứng ngoài sân nhìn vô, mình trong nhà nhìn ra. Nghe cháu gái mới ba tuổi, đưa tay vẫy “Hi bà ngoại, con nhớ bà ngoại” mà muốn khóc. Thèm ôm cháu một cái, nhưng không biết làm sao.

– Vậy… chuyện ăn uống thì sao?

– Ổng không cho tôi đi chợ, nên  phải “order” hàng. Họ giao đến tận nhà, nhưng mình đâu có lựa chọn được, nên cứ mua qua loa vài thứ, riết rồi ăn không nổi. Nếu gặp, bà sẽ thấy tôi với thân hình thon thả không ngờ. Xuống hơn chục “pound”, nhiều hơn con số hồi trước tôi mơ ước, nhưng người cứ phờ phạc, mệt mỏi sao đó. Ðiều mà tôi kinh hoàng nhất là ổng cứ ôm “computer”, xem tin tức “Covid” rồi thông báo, hôm nay có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh, bao nhiêu người chết. Thật sự, tôi không muốn tìm hiểu chuyện đó, vì nó chỉ làm cho mình bị khủng hoảng thêm thôi. Một hôm, bực mình quá tôi hét lên “Tôi không tin những con số truyền thông đưa ra. Sao anh không nghĩ là họ nhân gấp đôi lên để hạ địch thủ …”. Vậy là ổng điên tiết lên. Vậy là cãi nhau ỏm tỏi. Vậy là chiến tranh lạnh cả tuần lễ. Bà thử tưởng tượng, mình đang ở tại thành phố rộn rịp mà giờ bó chân trong bốn bức tường, không tiếp xúc bạn bè, không gặp gỡ con cháu, có khác gì đang ở trong tù. Ðã vậy, còn mặt lớn, mặt nhỏ, lạnh nhạt với nhau, chẳng khác nào đang ở hỏa ngục. Thiệt tình…. còn nhà bà thì sao?

Xem thêm:   Chuyện sui gia

– Ông nhà tôi cũng kỹ tính, nhưng không đến độ “bế quan tỏa cảng” như ông nhà bà. Ông không ngăn cản khi tôi đi ra ngòai, nhưng mỗi lần đi đâu thì phải xin phép và khai báo nơi đến. Khi về phải tháo bỏ quần áo ngoài “garage” mới được vào nhà. Rất khó chịu, nhưng nghĩ lại cũng thông cảm, vì ổng sợ quá.  Tháng trước, tôi cần đổi hãng bảo hiểm, vì sắp đến hạn cuối để thay đổi bảo hiểm hàng năm, nên đứa cháu là nhân viên của hãng đến làm giấy tờ cho tôi, ông nhất định không cho vào, dù nó mang khẩu trang đàng hoàng. Ông nói không muốn ai đến nhà, sợ lây nhiễm. Bà nghĩ xem, cháu tôi bị tổn thương như thế nào. Còn tôi thì quá mất mặt, không biết ăn nói sao với bà chị nữa. Tôi và ổng cãi nhau trời long đất lở, đến bữa nay còn chưa nhìn mặt nhau. Chưa chắc Covid sẽ chạm đến mình, nhưng chắc sẽ giết chết bao nhiêu tình cảm trân quý.

Chị Lan kết thúc câu chuyện chị kể bằng tiếng thở dài ngao ngán. Tôi nhẹ lời an ủi:

– Bệnh dịch ai mà không sợ chị. Tôi nghĩ, cháu của chị sẽ thông cảm thôi.

– Này nhe, gia đình anh của tôi chẳng ai sợ  “Covid”, họ vẫn sinh hoạt bình thường. Anh nói, mình tuân thủ đúng nguyên tắc vệ sinh để ngăn chặn lây lan như mang khẩu trang, rửa tay, giữ khoảng cách với người khác, hạn chế tụ tập ăn uống với bạn bè như xưa và con cháu thỉnh thoảng vẫn đến thăm. Cách đây hai tháng, thằng cháu nội đi học mang bệnh về lây cho ba mẹ nó và anh chị. Ði thử nghiệm thì cả nhà đều bị dương tính. May mắn là không ai bị sốt nặng. Anh lên internet xem các bài chia sẻ kinh nghiệm trong cách điều trị “covid” tại nhà như uống Tylenol, thuốc ho, xông hơi, hai tuần sau hết hẳn.  Anh nói, ai cũng có số phần, nếu bị “Covid” mà tử vong thì cũng là số mạng thôi, lo lắng quá chỉ làm suy sụp tinh thần, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bạn thân mến,

Trước mỗi biến cố, thông thường, mỗi người đều có cách ứng xử khác nhau, tùy theo cảm tính hay lý tính của mình. Mà cảm tính là khả năng cảm nhận, nhận thức hoặc trải nghiệm một cách chủ quan của mỗi người, nó luôn luôn thể hiện ngay tức khắc khi phải đối phó với một biến cố. Ở đây, người viết không dám lạm bàn về nhận thức cảm tính hay nhận thức lý tính, đó là một phạm trù về tâm lý học và triết học.

Do đó, cũng không nên phê phán cách đối phó với Covid của mỗi người, mỗi gia đình thế nào là đúng hay sai. Một năm qua, mọi người cũng đã quá mệt mỏi và đôi khi mất cả niềm tin trong cuộc sống vì hậu quả của trận đại dịch và mưu đồ chính trị đang lũng đoạn đất nước nầy. Chắc hẳn, đây thời điểm thuận lợi nhất cho mỗi gia đình có cơ hội quan tâm nhau hơn, bạn bè thăm hỏi nhau hơn, khi cuộc sống chậm lại ngoài mong ước. Sao lại không mở lòng ra để cảm thông với mọi thái độ, mọi cách đối phó với   Covid. Tùy cách của mỗi người mà mình phải tiếp cận thế nào cho vẹn đôi bề. Nếu bạn từ chối gặp mình trong lúc nầy vì họ sợ bệnh chứ đừng nghĩ họ xấu với mình. Nếu phải bị chồng nhốt trong “cái nhà mình” thì cố tìm một niềm vui khác cho qua ngày tháng, như luyện một “ bí kíp công” nào đó, hay làm một việc gì từ lâu rồi mình chưa làm được và nên nghĩ đến nỗi lo sợ quá lớn của ông mà thương.

Ðại dịch rồi cũng phải qua, hãy để những trải nghiệm nầy thành một bài học cho lòng kiên nhẫn và độ lượng với người thân yêu, chứ không phải phê phán hay trách móc tính cách thể hiện của họ. Nếu không, sự tác động cơn đại dịch, dù không làm tổn hại về thể chất cũng có thể gây ra hội chứng chấn thương tâm, giết chết tình bạn, rối loạn trong cuộc sống gia đình vì bất đồng, làm cuộc sống không còn thấy đâu bóng hạnh phúc.

Bảo Huân