Lời Giới Thiệu:

HẠNH PHÚC TRONG TAY là một chuyên mục mới của Trẻ, do anh Đặng Hiếu Sinh phụ trách, nơi những thao thức, những kinh nghiệm về hạnh phúc gia đình, hạnh phúc đời người được chia sẻ để mỗi người tự tìm ra chiếc chìa khóa hạnh phúc cho chính mình.

Chị Xuân là mẫu người phụ nữ rất năng động. Hai mươi năm trước chị quyết định bỏ công việc làm ở ngân hàng với mức lương khá cao để học Nails. Chồng chị không đồng ý, nhưng không ngăn cản được. Với nghề Nails đang lên lúc đó, chị Xuân rất thành công. Bắt đầu làm thợ ăn chia, nhưng nhờ khéo tay, tiếng Anh khá giỏi, mức thu nhập cứ tăng dần, có năm thu nhập hơn cả lương kỹ sư của anh Tâm. Chẳng bao lâu, chị sang một tiệm Nails và chỉ hai năm sau chị làm chủ ba tiệm lớn. Công việc làm ăn của chị phát đạt nhanh chóng khiến anh Tâm phải khâm phục. Có lần anh tâm sự:

“Trong vấn đề kinh doanh, Xuân rất giỏi, làm gì cũng thành công. Có lần cô ấy dùng hết tiền tiết kiệm để sang tiệm mới, tôi rét quá, nhưng cũng phải nghe theo. Một năm sau, Xuân quyết định chuyển nhượng lại cho người khác, tính ra tiền lời gấp mấy lần gửi trong ngân hàng. Chúng tôi mua căn nhà trên năm trăm ngàn, còn một năm nữa là trả xong. Cũng là công lao của nhà tôi”.

Năm năm sau, tình cờ gặp nhau tại cơ quan xin tiền thất nghiệp, anh Tâm thố lộ với tôi về một nỗi niềm không biết tỏ cùng ai.

“Anh biết không, cũng vì thành công quá dễ dàng, nên Xuân ngày càng say mê công việc kinh doanh, việc gia đình Xuân bỏ phế cho tôi. Mỗi ngày, năm giờ chiều tôi rời hãng, ghé qua nhà trẻ đón con về, tắm rửa cho chúng rồi làm bếp, vì hơn tám giờ Xuân mới về đến nhà. Cuối tuần, Xuân càng bận rộn, vì tiệm đông khách hơn ngày thường. Chúa Nhật phải đi mua hàng và làm sổ sách, lương bổng cho nhân viên. Những bữa cơm gia đình thưa dần. Xuân thích ăn nhà hàng, tôi thì thích vợ chồng, con cái quây quần bên bàn ăn tại nhà. Tôi bị thất nghiệp một năm, xin được việc làm vài tháng lại bị thất nghiệp tiếp. Trong thời gian đó, tôi học nấu ăn trên “you tube”, với hy vọng thức ăn ngon sẽ giúp duy trì được bữa cơm tối sum họp gia đình. Nhưng tôi hoàn toàn thất bại. Nếu không chê thức ăn nuốt không vô, thì Xuân cũng viện cớ bận đi đây, đi đó phải về trễ. Nhiều lần Xuân nói “Nếu anh không thích ăn ngoài, thì ba cha con ở nhà ăn với nhau, em đóng cửa tiệm xong, ghé ăn đâu đó rồi về nghỉ ngơi khoẻ hơn, tại sao anh cứ quan trọng bữa ăn để vợ chồng buồn phiền nhau hoài. Ðối với em, việc kiếm tiền quan trọng hàng đầu, không như thế làm sao có tiền lo cho con cái được đầy đủ, ăn học đến nơi đến chốn và trả hết nợ nần. Bây giờ còn trẻ, ráng làm để có tiền hậu thân, sau này đến tuổi  già, vợ chồng tha hồ hưởng”. Với luận điệu đó, tôi đành chịu thua vì không muốn cãi nhau, nhưng trong lòng lúc nào cũng buồn bực. Càng có tiền, cách sống của Xuân càng thay đổi. Hồi xưa đi xe gì cũng được, miễn sao đừng chết máy dọc đường, giờ thì cứ ba năm lại thay xe một lần, toàn những hiệu đắt tiền. Xuân còn có ý định sẽ mua căn nhà lớn hơn. Riết rồi vợ chồng không nói chuyện với nhau được, vì  quan niệm sống và cách suy nghĩ hoàn toàn khác biệt. Tiền bạc thì có, nhưng hạnh phúc cứ hao mòn dần. Lúc nào, Xuân cũng lấy lý do là phải chuẩn bị từ bây giờ để đến tuổi về hưu mới có đủ điều kiện đi du lịch đó đây, tận hưởng niềm vui trong cuộc đời còn lại. Không biết niềm vui khi về già có hay không, chứ hiện tại cha con tôi cứ phải ăn những bữa cơm buồn tẻ vì thiếu vắng một người phụ nữ rất quan trọng đối với chúng tôi. Hình như, mỗi ngày mẹ của các con tôi càng bước xa cái nôi êm ấm của gia đình. Có phải tôi là người bảo thủ, không theo kịp trào lưu mới nên đã đánh mất hạnh phúc của mình, hay tôi là người chồng nhu nhược, không đủ bản lãnh mà cũng chẳng có khả năng làm ra tiền, nên không thể thuyết phục được vợ mình?”.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

Bạn thân mến,

Nghe những lời tâm sự trên, tôi cảm nhận được nỗi buồn của anh Tâm. Trên đời này, ai cũng mong được hạnh phúc, nhưng không ít người vì quan niệm sai lệch đã tình đánh rơi niềm hạnh phúc của mình. Sự thành công về tài chánh là một yếu tố quan trọng, nhưng nếu không biết đặt hạnh phúc gia đình làm trọng tâm thì chính tiền bạc lại là mục đích cuộc đời của họ. Ai cũng muốn có những tiện nghi trong đời sống, sự mong ước nầy rất chính đáng, nhưng thường thì khó biết đâu giới hạn.

Trước đây, tôi tình cờ gặp lại vợ chồng người bạn cũ và từ đó những ngày cuối tuần chúng tôi thường tụ họp ăn uống, cũng là dịp để  tâm sự những chuyện vui buồn. Lúc đó, anh chị có hai đứa con, nhỏ nhất mười tuổi và lớn nhất mười hai tuổi. Anh chị thường nói “Tôi chỉ mong đến ngày các cháu ra trường, có việc làm, nhà cửa trả xong là vợ chồng cùng nhau đi du lịch hưởng thụ cuộc sống, không cần làm hai, ba ‘job’ như bây giờ”.  Vậy mà… gần hai mươi năm rồi, anh chị bạn đã nhiều hơn những điều ngày xưa mơ ước – con cái đã gia đình, đã trả hết nợ nhà đang ở và còn mua thêm hai căn nhà khác để cho mướn – nhưng anh chị chẳng những không giảm bớt công việc mà còn làm việc gấp đôi, chẳng hề đi du lịch, mà cả việc nghỉ ngơi đôi ngày để thăm mẹ và chị em vào dịp lễ hay Tết cũng không. Mới đây, trong lúc điện thoại hỏi thăm sức khỏe nhau, tôi hỏi chị có nhớ điều mơ ước khi xưa không, chị thản nhiên trả lời “Nhớ chứ, nhưng bây giờ tình hình kinh tế đang khó khăn, nhất là sau cơn đại dịch này, biết cuộc sống sẽ ra sao trong những năm tới, nên còn làm ra tiền thì phải cố gắng, để khi già yếu mới có thể sống thoải mái”.

Bệnh tật. Chết chóc. Chia lìa. Ðó những điều có thể xảy ra cho mọi người bất cứ lúc nào, thế mà mấy ai chịu nhận ra hạnh phúc chính là sự đầm ấm gia đình, vợ chồng con cái quây quần bên mâm cơm, ngồi xem chung một đoạn phim hay, thỉnh thoảng đưa nhau đi ăn nơi nhà hàng mà cả nhà đều thích, hoặc dành thời gian đi chơi chung, ít nhất là một lần trong năm. Ðây những gì mà anh chị Tâm Xuân thể làm được ngay bây giờ, nếu chị không quá mải mê theo đuổi việc kinh doanh. Vậy mà chị cứ đặt chỉ tiêu cho một ngày nào đó thật mơ hồ.

Một người bạn vừa gửi cho tôi một bài dịch với đề tựa “Ðoàn tàu và sân ga”.  Xin trích một đoạn để thay lời kết cho bài viết này.

Xem thêm:   Chuyện sui gia

“Hồi mười tám tuổi chúng ta thường tự hứa với lòng mình, ráng học xong, thi đỗ, tìm được việc làm lương cao, là mãn nguyện. Rồi khi lập gia đình, chúng ta lại lên kế hoạch, đưa đứa con út vào đại học, mua chiếc xe mới 450 SL Mercedes-Benz, trả xong nợ cái nhà, sau đó để dư một số tiền hậu hĩnh để về hưu. Lúc ấy, chúng ta có thể xoa tay mãn nguyện, tôi đã vào đến sân ga!.  Thế là xong! Cuộc hành trình chấm dứt. Từ đó trở đi ta sẽ tận hưởng  hạnh phúc đời nầy.

Có phải vậy không?

Nhưng chẳng bao lâu chúng ta nhận ra rằng, chả có nhà ga nào trong cuộc đời này cả. Chả có một nơi nào trên mặt đất này để chúng ta đến một lần chung cuộc (ngoài nghĩa trang). Cuộc sống là một cuộc lữ hành, nhà ga là ảo ảnh, nó liên tục chạy xa chúng ta.

Ngày hôm qua là kỷ niệm. Ngày mai là giấc mơ. Hôm qua đã là hoàng hôn tàn lụi.  Chỉ có hôm nay- Hôm nay mới có đủ ánh sáng để bước đi trong bóng hạnh phúc” []

Bảo Huân