Ðang nấu ăn trong bếp, sửa soạn cho bữa cơm chiều thì thằng con trai đến đứng kế bên im lặng, nên bạn không thấy nó. Khi quay người lại, tí nữa thì bạn đụng và hất nó ngã xuống. Bạn nhăn mặt, la rầy con ngay:

– Ði chỗ khác chơi, tránh ra cho mẹ làm việc.

Thằng con bước đi, mặt buồn bã, nhưng nào bạn có để ý đến thái độ của bạn khi rầy la con đâu, vì bạn đang bận rộn. Thế nhưng buổi tối, khi nằm trên giường, nhớ lại câu chuyện xảy ra lúc chiều, không biết bạn có ân hận không? Nếu không, thế nào Thượng Ðế cũng sẽ đến bên cạnh và dịu dàng nhắc nhở:

– Sao khi con gặp người lạ thì con nhã nhặn thế, nhưng đối với người thân thì con lại có vẻ ngược đãi họ. Con hãy ngồi dậy và đến nhìn xuống đất, cạnh cái cửa bếp. Ở đó, con sẽ tìm thấy những cành hoa mà thằng con trai nhỏ đã đem đến cho con. Nó đã ra vườn hái những bông hoa màu hồng, màu vàng và nhất là màu tím mà con thích. Nó đã thích thú và yên lặng bước đến cạnh mẹ để làm cho mẹ ngạc nhiên về món quà bé nhỏ, thế mà… Con có lẽ không hề thấy nó bước đi mà mắt rướm lệ đâu nhỉ?

Dĩ nhiên, nếu được nhắc nhở như thế, lúc đó người mẹ -là bạn- phải xúc động. Bạn sẽ vội vàng nhổm dậy, chạy ra bếp, nhặt lấy bó hoa nhỏ, rồi đến bên cạnh giường của con và quỳ xuống, nhẹ nhàng đánh thức con dậy bằng nụ hôn. Bạn sẽ hỏi:

“Có phải đây là những đóa hoa con hái cho mẹ không?”

Với giọng nói còn ngái ngủ, thằng con sẽ cười và gật đầu:

“Con tìm thấy mấy cái hoa này ở trong vườn và hái nó, vì nó đẹp như mẹ vậy. Con biết là mẹ thích hoa, nhất là hoa màu tím.”

Bạn sẽ nói với con rằng, bạn xin lỗi vì đã rầy la nó. Chắc chắn bạn sẽ được thằng con trai ôm hôn và nói:

“Mẹ ơi không sao đâu, khi nào con cũng thương mẹ cả.”

Bạn cũng sẽ nói với con:

“Con trai của mẹ, cảm ơn con, mẹ cũng thương con lắm và mẹ rất thích mấy cái hoa con tặng mẹ, nhất là hoa màu tím.”

Những giờ phút êm đềm ấy, lúc con còn nhỏ hay khi con lớn lên, sẽ mãi mãi được ghi nhớ trong tim của những bà mẹ và những đứa con để tình gia đình luôn luôn là một nền tảng bền vững phải không bạn?

Tôi nhận được “Bức Thư Bạn Gái” này qua email của người bạn (không thấy ghi tên tác giả). Ðọc xong, tôi chợt nhớ đến ba tôi. Ba là một người cha tốt, nhưng khó nói rằng ông là người  “Cha hiền”- Tuy vậy, nếu gọi là “Cha dữ” cũng không đúng. Ba rất chịu khó làm việc, quản lý tài chính vén khéo, nhờ vậy mà cuộc sống gia đình lúc nào cũng tươm tất, dù cả ba lẫn mẹ không phải là người làm được nhiều tiền. Nhưng có lẽ quá quan tâm đến sự thành đạt của con cái, nên trong cuộc sống, ba đã tự đặt mình là người quản lý nghiêm khắc. Ba làm việc không bao giờ nghỉ tay. Buổi sáng, khi mặt trời chưa ló dạng và chị em tôi vẫn còn cuộn mình trong chăn ấm với giấc ngủ say sưa, vì chưa có tiếng chuông đồng hồ báo thức, ba đã bước vào phòng, kéo cao màn cửa, lớn tiếng:

– Con gái mà ngủ trễ thế này, mai mốt lấy chồng người ta cười chê, mắng mỏ cho xấu mặt cha mẹ.

Ba đâu biết rằng, tối  hôm qua tôi đã thức làm bài tập đến khuya, nên sáng ra, cần ngủ thêm để bù lại, vì đến trưa tôi  mới đi học. Dứt lời, ba lấy khăn ướt lau trên đầu tủ áo, khung cửa sổ và càu nhàu:

– Ba đã nói nhiều lần, bụi bặm khắp nơi, vậy mà tủ áo không chịu đóng kín.

Tiếp theo đó là một bài giảng về ăn ở sạch sẽ, ngăn nắp được ba lặp lại, không nhớ là lần thứ mấy trăm nữa. Nhưng cũng không hề gì, tôi nghĩ, tại ba lo lắng cho mình quá nên hay rầy dạy vậy thôi. Ðiều tôi muốn chia sẻ ở đây là ba quá quan tâm đến việc dạy dỗ, đến nỗi quên mất nhu cầu tình cảm mà chị em tôi rất cần.

Một lần, tôi đến nhà nhỏ bạn làm bài đến khuya, nhìn thấy ba nó thân mật, ngọt ngào trong từng câu nói và ôm hôn nó trước khi đi ngủ tôi rất xúc động. Ba tôi thì đời nào, gặp ông chỉ toàn nghe những câu hỏi khô khan, nghiêm khắc như “Học bài chưa? Ðọc sách đi! Dọn dẹp phòng chưa?”.

Ðến ngày lễ Father’s Day, tôi dành dụm được số tiền kha khá, nên mua cho ba bộ “vest” rất đẹp. Tôi giấu thật kỹ, suốt một tuần, tôi sung sướng khi tưởng tượng ba sẽ vui và ôm mình vào lòng mà khen tặng món quà. Buổi chiều, sau khi ăn cơm, tôi mang gói quà đặt vào tay ba, ông mở ra và trố mắt hỏi:

– Bộ này giá bao nhiêu? Con mua chi cho tốn tiền, ba đâu cần loại áo quần trịnh trọng này. Con đem trả lại đi.

Tôi mang bộ “vest” máng vào tủ áo mà muốn khóc.

Ngày sinh nhật mười tám tuổi, mấy đứa bạn đứng ra tổ chức ngày vui cho tôi. Bọn chúng hùn tiền mua tặng tôi một chiếc áo đầm thật đẹp, trang điểm lộng lẫy, biến tôi thành một nàng công chúa với mái tóc vàng hoe, trông thật vui mắt. Tôi nghĩ rằng, ba sẽ hài lòng khi tôi cùng chúng bạn tề tựu vui chơi ở nhà, vì từ lâu ba không muốn tôi dự tiệc tùng ở nơi khác, khiến ông không an tâm. Khi về đến nhà, nhìn thấy tôi, đôi mày ba nhíu lại, giọng gay gắt:

– Ai cho con nhuộm tóc, ăn mặc hở vai, hở cổ như thế này?

Một nhỏ bạn nhanh nhẩu thưa:

– Bác ơi,  tóc nầy chỉ xịt màu thôi, gội đầu là trôi hết.

Ba không nói gì, nhưng nét mặt thật nặng nề, ánh mắt thật nghiêm khắc, lẳng lặng đi vào phòng, không nói một lời “chúc mừng sinh nhật con”. Cuộc vui như khựng lại, bạn bè ra về sớm. Ðêm đó, tôi ôm gối khóc đến nửa khuya. Vừa giận, vừa tủi thân khi thầm hỏi, tại sao mình lại có một người cha lạnh lùng như thế?

Bây giờ, khi viết những giòng chữ nầy, tôi đã có đứa con đầu lòng được hai tuổi. Ba đang ở xa. Tôi rất thương ba, nhưng mỗi lần nhớ về ông thì chỉ nhớ đến những kỷ niệm cay đắng hơn là ngọt ngào. Không biết trong tương lai, tôi có thể  trở thành người mẹ như câu chuyện  trong “Bức Thư Bạn Gái” ở trên, hay lại giống như ba tôi khi xưa. Người ta thường nói, những đứa con khi còn nhỏ thường hay than phiền những tính tình khó khăn, nghiêm khắc của cha mẹ, vậy mà khi  lớn lên lại giống như khuôn những gì mình đã từng không thích. Không biết điều đó có đúng không?


Bạn thân mến, Cách đây vài năm, khi tham dự một buổi hội thảo về gia đình cùng nhóm bạn trẻ, một vị nữ giáo sư phát biểu như sau:

“Hồi còn trẻ, tôi thường than phiền về tính tình của ông cụ nhà tôi. Ông nghiêm nghị, khó khăn và hay rầy la tôi, hơn là ngọt ngào, âu yếm. Tôi nhủ thầm, khi có con mình sẽ nhớ, để không lặp lại những gì ông cụ đã làm, vì như thế con mình sẽ đau khổ. Vậy mà giờ đây, kiểm điểm lại bản thân, tôi chợt giật mình, vì phát hiện ra mình giống hầu hết những tính nết cuả ông cụ!”

Rất tiếc, Thượng Ðế không đến để nhắc cho người cha hay người mẹ rằng “Con hãy nhìn vào tận trái tim con trẻ, hình như chúng rất ngây thơ, kể cả lúc chúng phạm lầm lỗi. Chúng cần sự thân mật, âu yếm của cha mẹ hơn là sự lạnh lùng, rầy dạy. Sao con lại đem cái nhãn quan cuả một ông già sáu mươi tuổi, để bắt đứa con mười tám tuổi nhìn theo. Tuy rằng, rầy dạy con rất  cần thiết, nhưng không phải lúc nào cũng cứng ngắc, lạnh lùng là bảo đảm con mình sẽ nên người đâu con ạ. Biểu lộ tình yêu thương đối với con trẻ vô cùng cần thiết, tựa như cánh đồng lúa cần cơn mưa vậy” 

Cha mẹ luôn xem con mình là trẻ con, yếu đuối, dễ sa ngã, dù chúng ở bất cứ tuổi nào. Vì thế, lúc nào cũng muốn trực tiếp can dự vào đời sống của chúng, đến độ luôn đóng vai trò quyết định, con phải làm cái nầy, cái nọ, mà quên rằng, con trẻ cũng có những suy tư riêng, cùng nhu cầu cần được tôn trọng và yêu thương.

ĐHS (TYH)

Garland, TX