Ðền, chùa, nhà thờ… là những nơi tôn nghiêm đòi hỏi sự tôn trọng đặc biệt. Thiết tưởng ai cũng phải hiểu điều đó để có sự ứng xử thích hợp khi đặt chân tới những nơi thờ phượng. Vậy mà ở quê nhà ta hiện nay có một số đông người hành động trái ngược.

Trang văn hóa báo Thủ Ðô trong nước ghi nhận: Cứ vào dịp đầu Xuân, nhiều chùa tổ chức các buổi lễ dâng sao giải hạn, cầu an. Nhiều ngôi chùa có đến hàng nghìn người tham gia khóa lễ. Ðến ngày tổ chức, mọi người ngồi kín trong khuôn viên, rồi tràn ra cả vỉa hè, các tuyến đường chung quanh để lễ bái, gây ảnh hưởng đến giao thông. Kết thúc buổi lễ, giấy, rác vứt bừa bãi. Chưa kể do quá đông người tham dự, cho nên đến màn phát lộc cũng xảy ra lộn xộn, chen lấn, gây ra hình ảnh phản cảm.

Một báo khác cũng bày tỏ: Ði lễ chùa cầu an vào dịp đầu năm là nét văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt. Thế nhưng, vài năm trở lại đây, việc đi lễ chùa đã ít nhiều bị biến tướng và mang màu sắc mê tín dị đoan. Hình ảnh sờ tay vào tượng Phật, nhét tiền vào bàn thờ, hỗn chiến khi cướp phết, chen lấn xô đẩy để giành lộc, tranh xăm… cho thấy tâm lý mê tín trong một bộ phận người dân còn rất nặng nề.

Xem thêm:   Tránh cộc cằn thô bạo

Chùa là nơi tôn nghiêm, linh thiêng và người đến chùa ngoài việc lễ Phật còn tìm đến nơi tĩnh lặng để vãn cảnh. Lễ chùa trong văn hóa người Việt là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, gia đình hạnh phúc. Ngoài giá trị tâm linh, chùa còn là nơi giao lưu văn hóa mang tính gắn kết cộng đồng ở các khu dân cư, các vùng miền với nhau. Vì vậy, người đến lễ chùa ngoài tấm lòng chân thành còn phải ăn mặc lịch sự, kín đáo. Hình ảnh một số bạn trẻ mặc áo hai dây, hở lưng, váy ngắn cũn cỡn vào chính điện thắp hương, lạy Phật khiến nhiều người lớn tuổi tỏ ra bực bội.

Không riêng gì nơi chùa chiền, khi đến các cơ sở văn hóa, thờ tự khác mọi người cũng nên có cách ăn mặc, nói năng, hành xử thích hợp chứng tỏ mình là người có giáo dục.

Chúng ta sẽ bàn tiếp trong kỳ tới.

Bảo Huân

MH – Tổng hợp