Ðọc qua tựa bài này, có thể có đấng mày râu sẽ hỏi khó: Thời buổi nam nữ bình quyền, ai cũng như ai, việc gì người nam phải đối xử lịch sự với người nữ.

Vâng. Chúng ta biết phụ nữ ngày nay có người lái máy bay chiến đấu, làm lính cứu hỏa, cảnh sát trừ gian, lái xe đua, lái mô tô Harley, tham gia các đội bóng và cả việc trị nước. Gút lại, phụ nữ có thể làm tất cả mọi việc đàn ông làm. Vậy hà cớ các đấng mày râu phải tiếp tục tỏ ra gallant bằng cách giữ cửa cho mấy bà bước vào, nhường chỗ cho mấy bà trên xe buýt và tàu điện, tự nguyện mang vác nặng cho mấy bà. Lý thì như thế đấy nhưng tình e có khác.

Và ai cũng biết việc giữ cửa cho người đi sau vào, nhường ghế ngồi cho kẻ đau yếu, hay chào một người mới đến… đó là việc chung của bất cứ người lịch sự nào, không phân biệt nam hay nữ. Ngày nay người nữ mở cửa cho người nam vào là thường, còn những chỗ trên xe buýt hay tàu điện cho nam thì còn phải xét lại. Cho dù thế nào đi nữa, phép lịch sự thông thường đối với người khác chứng tỏ ta quan tâm tới sự tiện nghi và an toàn của người.

Vậy, bình đẳng trong ứng xử không có nghĩa là dẹp bỏ hết, không quan tâm tới việc đối xử tế nhị với phụ nữ cũng như giữa những người lịch sự với nhau. Dù thế nào đi nữa, phép lịch sự thông thường như từ bao đời nay cũng làm cho đời sống chung bớt căng thẳng và trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Xem thêm:   Với người thân trong gia đình

Tất nhiên, cuộc sống không ngừng thay đổi. Có nhiều luật tắc phải giảm bớt đi, nhưng có những điều phải giữ lại. Và các cô các bà ơi, nếu có anh chàng “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” nào đó đứng giữ cửa và cúi đầu mời vào một nhà hàng sang trọng thì nên mỉm một nụ cười “xiêu đình đổ quán” cho chàng ta vui (và mơ). Như vậy cõi trần bụi bặm này sẽ tươi hơn, đẹp hơn chăng. Mong lắm thay!

Bảo Huân

MH – theo Sue Fox