Yến và Trần kết hôn đã ba năm, hai vợ chồng sống rất hạnh phúc. Nhưng đối với Trần, anh vẫn cảm thấy niềm vui chưa trọn vẹn khi không khí gia đình thiếu vắng nụ cười của trẻ thơ. Trần ao ước một đứa con nhưng Yến không muốn vì ngại cực khổ, sợ trách nhiệm.  Bạn nghĩ sao về câu chuyện trên?

Chàng

Phan.T: Tôi hiểu nỗi lòng của anh Trần lắm. Khi mới lập gia đình tôi cũng không muốn có con sớm. Vì vậy, đến năm thứ năm vẫn chưa có tiếng khóc trẻ thơ trong nhà. Trong khi đó, cô em lập gia đình sau tôi một năm đã có hai cháu kháu khỉnh, dễ thương vô cùng. Mỗi lần anh em họp mặt ở nhà bố mẹ, thấy hai cháu lăng xăng, quấn quýt bên bố nó mà ham. Hai vợ chồng tôi bắt đầu thấy buồn. Có khi đi làm về, ăn tối xong mỗi đứa ngồi một góc, chẳng có chuyện gì để nói nhau nghe! Tự dưng tôi lại khao khát bồng bế, ôm ấp một đứa trẻ nhỏ lạ thường. Vì vậy, mỗi tuần phải chạy qua nhà cô em  khá xa để được chơi với hai cháu.

Đôi khi  “chiến tranh” lại  bùng nổ vì đôi bên cứ đổ lỗi cho nhau… tại anh… tại em…cứ ngừa, cứ kiêng nên bây giờ mới vậy. Và  chúng tôi chợt  khám phá ra sự sai lầm ban đầu khi quyết định phải tạo sự nghiệp vững chắc  rồi mới sinh con.  Chú em tôi thì khác, hai vợ chồng theo cách sống tự nhiên, cưới nhau chừng  sáu  tháng thì có thai đứa con đầu. Hai năm sau lại có đứa thứ hai. Có lần cô em dâu tâm sự “ Tụi em hơi vất vả trong hai năm đầu, nhưng niềm vui, hạnh phúc tràn đầy. Khi có con, em làm việc càng hăng say hơn vì nghĩ rằng phải làm sao có tiền để lo cho chúng. Em tin là Ơn Trên đã ban ơn cho gia đình em. Khi sinh đứa con đầu, em mất việc, nhưng “business”  của ba tụi nhỏ lại phát lên. Anh ấy  bảo em đừng đi xin việc làm  khác mà giúp anh điều hành văn phòng. Chẳng bao lâu chúng em lại có đứa thứ hai, công việc lại càng thêm phát đạt…”

Chúng tôi quyết định không chần chừ, chờ đợi nữa mà phải đi chữa trị.  Ai chỉ dẫn cách nào để có con cũng làm theo. Uống thuốc bắc, thuốc nam, cầu khẩn Trời Phật…May mắn thay, đến năm thứ sáu vợ tôi mang thai.

Bây giờ, chúng tôi đã có ba đứa con. Gia đình thật  hạnh phúc. Nghĩ lại thuở ban đầu mà giựt mình.

Trần Bắc Kỳ: Ngày mới lập gia đình tôi chẳng có ý niệm gì về con cái. Thương và lấy được người mình thương là đã đủ sung sướng và cảm thấy mình hạnh phúc. Mãi về sau khi thượng đế ban cho chúng tôi những đứa con tôi mới cảm nhận được rằng vợ chồng muốn có hạnh phúc trọn vẹn  thì phải có con.

Tôi  biết một cô gái vì dại dột đã có một đứa con ngoài ý muốn với người đàn ông đã có gia đình. Cô ấy có đạo nên không dám đến nghĩ chuyện phá thai, mà giữ lại thì cô còn quá  trẻ, lại thêm mới đặt chân tới xứ người nên rất bơ vơ không người thân để nương tựa. Nghe lời khuyên của một người bạn đồng nghiệp cô hứa sẽ cho hai vợ chồng người chị của cô bạn đó đứa con sắp chào đời của mình để đổi lấy vật chất và tự do. Nhưng đến khi nhìn mặt đứa bé ngây thơ, vô tội cũng là núm ruột của mình thì cô nhận biết đời sống của mình từ đây không thể thiếu đứa con yêu quý mà trước đó cô không hề cảm nhận được tình cảm thiêng liêng đó. Cô đổi ngay ý định và  chấp nhận hy sinh. Hy sinh sự tự do, hy sinh tuổi thanh xuân. Chấp nhận muôn vàn khó khăn, thiếu thốn để được quyền làm mẹ. Tình cảm đó hình như đã được đặt để một cách nhiệm mầu trong lòng mỗi người phụ nữ  và cô cảm nhận được rằng mỗi đứa trẻ ra đời dù là ngoài ý muốn vẫn chính là món quà Thượng đế ban cho.

Các nguồn tin Việt Nam trên internet thỉnh thoảng cũng đăng tin có những người phụ nữ nghèo khó, chấp nhận  mang thai và đẻ thuê cho những người giàu có  bị hiếm muộn. Nhưng khi đứa bé chào đời, “người mẹ bất đắc dĩ” ấy lại không đành lòng rời xa đứa con thơ mà mình đã chín tháng cưu mang nên lặng lẽ bế con trốn đi.

Trở lại chuyện cô Yến và anh Trần, đã kết hôn lâu mà cô Yến chưa muốn có con, tôi nghĩ anh Trần cần phải thuyết phục vợ nhiều hơn bằng cả lý thuyết và hành động. Kể cho vợ nghe những câu  chuyện tương tự như hai câu chuyện nêu trên. Vẽ ra một bức tranh sống động về hạnh phúc trong đó có tiếng cười ròn rã và những tiếng khóc thơ ngây của trẻ thơ. Đôi khi cũng nên áp dụng một vài  sự “gian dối mà vô tội”  với những đòi hỏi bất thường để cô Yến không thể ngừa thai bằng mọi cách.

Một anh bạn làm chung hãng với tôi  đặt câu hỏi  “Nếu đã có thai nhưng người vợ không muốn có con ấy cứ đòi phá bỏ thì sao?”. Câu trả lời của tôi là “Không chấp nhận phá thai. Nếu không vì những lý do chánh đáng về sức khoẻ mà người vợ nhất quyết phá thai thì  tôi không thể chung sống với một người đàn bà như thế được”.

Đây chỉ là một vài ý kiến thô thiển của tôi. Mong giúp được anh Trần có thêm đồng minh để gắng sức thuyết phục người bạn đời đang còn ngần ngại trong việc tiếp nhận vai trò làm mẹ.

Nàng

Huyền Nhung: Tôi là  người  phụ nữ có cùng quyết định với cô Yến, chỉ khác một điều là tôi đã có một đứa con sáu tuổi. Và sau đứa con này tôi nhất quyết không sinh thêm, dù gia đình chồng và chồng tôi ao ước có bốn đứa con. Xin đừng vội nghĩ  tôi là người ích kỷ. Thật ra,  chính chồng tôi là người khiến tôi đưa ra quyết định này. Anh làm cho tôi có cảm tưởng tôi chỉ là một cái “máy đẻ”. “Em đẻ thêm cho anh ba đứa con nữa,  anh muốn có bốn đứa”. Anh muốn có con  để “ẵm chơi” (nghĩa là mỗi ngày chừng ba mươi phút  hay nhiều lắm là một giờ đồng hồ. Vậy là đủ bổn phận làm cha rồi đó).  Anh muốn có bốn đứa con để  lớn lên một đứa là bác sĩ, một đứa nha sĩ, một đứa dược sĩ, một đứa  kỹ sư,  để  khi về già anh được con cái cung phụng phủ phê. Còn bây giờ…

Tắm con?  Không!

Đút cơm cho con? Không!

Đưa con đi học? Không!

Thậm chí, anh còn không biết con gái học vũ Balê ở đâu nữa. Mọi thứ anh giao cho vợ hết. Ngay cả khi con làm rơi ly nước xuống sàn nhà, anh ngồi gần đó cũng ngoái cổ ra sau gọi “con làm đổ nước đầy ra kìa, em lau nhanh lên kẻo nó trượt té”. Tôi chạy vội ra vì  tưởng anh đang bận làm gì,  nhưng  rồi chỉ muốn hét lên cho đỡ tức khi thấy anh  đang ngồi ì ra đó, gí mắt vào TV, ngắm  say sưa cái tướng ỏng ẹo của các cô nàng thí sinh dự thi hoa hậu.

Còn nhiều nhiều nữa,  nhưng kể thêm lại mang tội nói xấu chồng.

Tôi mạo muội đề nghị anh Trần tự kiểm điểm lại xem có lần nào anh vô tình gieo vào đầu của cô Yến một ấn tượng không đẹp, khiến cô nghĩ  rằng, nếu có con chắc chỉ  có mình  cô “ôm show”  mà thôi, nên đâm ra rụt rè không dám “thử” làm mẹ, dù chỉ một lần.

Đề tài kỳ sau

Trong cuộc sống gia đình, dù hạnh phúc đến mấy cũng  sẽ có lúc vợ chồng bất đồng ý kiến và đưa đến việc cãi vã, giận hờn. Ở vào trường hợp này, bạn có phải là người làm hòa trước không? và bạn sẽ làm hòa bằng cách nào?