Tình cờ cháu bắt gặp dì ruột và ba của cháu ôm nhau trong garage. Cháu rất bàng hoàng và kinh tởm hai người. Từ đó, cháu có thái độ bất kính. Mẹ cháu đã rầy la, chửi mắng cháu. Còn ba cháu có lần ra tay đánh cháu và giảng chuyện đạo đức với cháu nữa (vì ông không hề biết cháu đã nhìn thấy), Cháu giận và bất mãn lắm. Cháu có ý định sẽ nói ra chuyện xấu của hai người. Nhưng cháu lại sợ Mẹ cháu chịu không nổi vì mẹ đang bị chứng bệnh tim rất nặng. Cháu nghĩ hoài mà không biết phải làm sao. Xin quý vị giúp đỡ và cho ý kiến dùm cháu. Lai K.

NÀNG

Lý Trần: Tôi đã đọc tâm sự của cháu. Tôi khuyên cháu nên nói thẳng việc này với ba và dì của cháu, đừng để họ tiến xa hơn, vì họ nghĩ không ai biết chuyện của họ. Khi làm chuyện ấy họ không sợ nếu chưa có người biết, nhưng khi có người biết họ sẽ bất cần. Lúc đó mẹ của cháu sẽ đau khổ hơn. Cháu đừng nên nói cho mẹ cháu biết. Cô mong cháu sáng suốt trong việc này. Hãy can đảm đừng để mọi việc quá muộn. Nếu họ không thèm nghe lời cháu thì cháu phải tìm cách chụp hình lúc họ gần nhau, nếu không họ sẽ chối. Chúc cháu thành công.

Từ Dung: Ðọc những lời cháu viết, tôi vô cùng thương cảm cho cháu. Không biết năm nay cháu bao nhiêu tuổi và sống ở Mỹ được bao lâu, nhưng theo tôi đoán thì cháu đang ở tuổi “teenager” và có lẽ gia đình qua Mỹ không lâu lắm, vì theo cháu cho biết, khi cháu có thái độ bất kính thì ba cháu “đánh và rầy la cháu”. Như thế chứng tỏ ba cháu vẫn còn quen thói gia trưởng và dùng quyền làm cha, làm chủ gia đình để chứng tỏ quyền hành và giảng “moral” trong khi chính mình lại không làm gương sáng cho con cháu noi theo.

Thật ra, cháu Lai K. vẫn còn trong khuôn phép gia đình Việt Nam, nếu không, có thể cháu đã gọi cảnh sát để cho ba cháu vào trại tạm giam một thời gian rồi. Nói như thế, tôi nghĩ là thay vì tiếp tục thái độ không tôn trọng cha mình, làm mẹ phải buồn lòng và rầy la thì một ngày nào đó cháu nên mời ba cháu ngồi xuống để cha con cùng “face to face”, đem những điều cháu đã thấy nói thẳng cho ba cháu biết để xem thái độ của ông như thế nào.

Sự thật dù có phũ phàng, có làm cháu đau lòng nhưng vẫn phải nói ra, vì càng để lâu, sự việc càng trở nên trầm trọng và tồi tệ hơn. Những hình ảnh cháu đã thấy sẽ theo cháu vào trong những giấc ngủ đầy mộng mị, sẽ ăn mòn đầu óc, khiến cháu không thể nào tập trung vào việc học và rồi… tương lai cháu sẽ ra sao? Khi lớn lên, cháu sẽ trở thành người con gái nhìn đời bằng cặp mắt hận thù, nghi ngờ tất cả những người đàn ông, con trai đến với mình. Cháu nên nhẹ nhàng nhưng cứng cỏi nói với ba cháu, nếu thương mẹ, thương con thì hãy chấm dứt mối tình tội lỗi này và nên chăm sóc mẹ nhiều hơn để mẹ cảm nhận được sự yêu thương của gia đình mà vui sống hơn. Trong lúc bệnh hoạn, người bệnh rất cần tình yêu thương và sự nâng đỡ về mặt tinh thần. Tôi nghĩ, ba cháu sẽ bị sốc khi hình ảnh người cha tỏ ra mô phạm, đạo đức bị vẩn đục trong tâm trí của con gái mình và may ra ông cảm thấy xấu hổ mà quay trở lại chăm sóc cho mẹ cháu hơn.

Còn ngược lại, nếu ông vẫn tiếp tục dấn sâu vào đường tội lỗi thì cháu hãy nói thẳng với dì của cháu, xin dì hãy buông tha ba cháu và trở lại với gia đình (nếu bà đã có chồng con). Thật tội nghiệp khi đầu óc non trẻ của cháu đã bị chính người ruột thịt trong gia đình làm tổn thương.

Người Mỹ có câu “No pain, no gain” đúng lắm đấy cháu. Cầu mong cháu có đủ nghị lực để vươn lên trên mọi đau khổ và bất ý trong cuộc sống.

Cô Hà: Cháu Lai K ơi! chỉ vì tình cờ bắt gặp dì và ba cháu ôm nhau trong garage mà cháu suy già, đoán non, nghĩ ra toàn chuyện đen tối có thể xảy ra giữa ba và dì của cháu. Trên đời này, cái ôm (hug) có rất nhiều ý nghĩa. Có khi ôm để chia vui, xẻ buồn. Có khi ôm để thông cảm, an ủi. Có khi ôm để tỏ lòng yêu thương, nhưng có khi ôm chỉ là cách thức xã giao (như các vị lãnh tụ gặp nhau).

Khi gặp hai người đàn ông ôm nhau cháu cũng không thể khẳng định họ là “gays”.

Trường hợp ba và dì cháu.. biết đâu dì cháu đang có chuyện buồn không thể nói ra và ba cháu biết chuyện nên bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ. Nếu như thế, hai người đâu có lỗi gì để cháu vội vàng tỏ sự bất kính.

Cô khuyên cháu nên sống và hưởng cái hồn nhiên của tuổi trẻ, thương yêu cha mẹ và những người chung quanh. Ðừng nhìn người lớn bằng cặp mắt khắt khe. Ðừng phán xét và mất bình tĩnh, vì hậu quả có thể làm tan nát gia đình. Lúc đó, có ân hận thì cũng không thể cứu vãn nổi. Mong cháu bình tâm.

CHÀNG

Chú Tư: Có thể nói, Lai K. là một người tốt vì cháu biết “kinh tởm” cái xấu (đó là sự liên hệ không đứng đắn của ba và dì cháu). Nhưng tôi lại không đồng ý cháu “kinh tởm” hai người ruột thịt của cháu. Ba muôn đời vẫn là ba. Dì muôn đời vẫn là dì. Riêng tôi, tôi phản đối những liên hệ bất chính này. Một sự liên hệ phản đạo đức, phản luân lý. Nhưng bất cứ ở đâu, bất cứ thời đại nào cũng có tình trạng này xảy ra. Tại sao vậy? Bởi chúng ta là con người nên có những lúc yếu đuối. Vì thế, cháu hãy nhìn ba và dì với cái nhìn khoan dung hơn.

Mẹ cháu rất đúng khi rầy la cháu có thái độ bất kính với ba. Biết ba làm sai nhưng nếu cháu vẫn giữ thái độ kính trọng, có lẽ ba sẽ nể nang cháu và những lời cháu nói sẽ có kết quả hơn. Tôi rất thông cảm với tâm trạng bất mãn của cháu và cũng từ đó tôi thấy được tình thương yêu cháu dành cho mẹ.

Là người con yêu thương mẹ, không muốn mẹ buồn, hơn nữa mẹ cháu lại đang mang căn bệnh hiểm nghèo, cháu đừng nên làm lớn chuyện, lỡ xảy ra điều không may, cháu sẽ ân hận suốt đời. Theo tôi, cách tốt nhất cháu phải hết sức bình tĩnh và lấy tình thương của người con hiếu thảo mà nói riêng với ba (chỉ một mình ba thôi) “Ba ơi! vì thương mẹ và gia đình mình, con xin ba nên chấm dứt những liên hệ không tốt đẹp giữa ba và dì. Nếu được vậy, con cám ơn ba nhiều lắm”. Cũng những lời tương tự, cháu hãy nói với dì bằng sự hòa nhã. Ðiều quan trọng là cháu nên nói riêng từng người và đừng làm cho ba và dì mất mặt. Bởi vì, nếu cháu dồn hai người vào đường cùng, làm cho họ xấu hổ, họ sẽ đem nhau đi đến một nơi xa lạ nào đó để xây tổ ấm, chừng đó sự thiệt thòi sẽ về phía mẹ cháu. Hạnh phúc của ba mẹ cháu, phần lớn đang nằm trong tay cháu. Nếu cháu cư xử vụng về thì mọi sự sẽ đổ vỡ.

Chúc cháu bình tĩnh, can đảm và khéo léo.

alt

Bảo Huân

Đề tài kỳ sau:

Tôi có chị bạn vừa được chồng chủ động làm cái hẹn với bác sĩ thẩm mỹ cho chị sửa sắc đẹp (sửa cái gì thì xin được phép giữ bí mật). Bạn bè thấy vậy thì tắc lưỡi hít hà, khen chị sao mà có phước quá chừng khi có được ông chồng quan tâm hết mình. Người khác thì lại thở dài thườn thượt tỏ ý thương hại chị sao vô phước vớ phải ông chồng chỉ chú trọng đến sắc diện bên ngoài mà không nghĩ đến sức khỏe cũng như sự nguy hiểm có thể xảy đến cho vợ. Ai đúng? Ai sai?. Xin mời quý vị cho biết ý kiến.

Bích Nga

Xin gửi các góp ý về email:
Ngân Bình: nganbinh13@yahoo.com