Có một lần tôi đến nhà người bạn sau rất nhiều năm không gặp.  Hai anh em trò chuyện vui như pháo nổ và anh quên mất chuyện phải đi rước con gái vì xe của nó hôm đó đang nằm ở shop sửa xe. Con bé chờ hoài không thấy ba đón nên đã nhờ một người bạn chở về. Khi thấy con gái, anh mới sực nhớ, vội vàng chạy ra mở cửa và nói “Xin lỗi con, bạn của ba đến thăm bất ngờ làm ba quên mất việc phải đi đón con”. Con gái anh nhỏ nhẹ đáp “Dạ không sao đâu ba” sau khi vòng tay lễ phép chào tôi với nụ cười thật hiền lành, dễ thương. Hình ảnh dễ thương đó đã để lại trong lòng tôi một ấn tượng tốt đẹp. Sau đó không lâu tôi đã áp dụng khi nói lời xin lỗi với thằng con trai út khi tôi không dằn được cơn tức giận và rầy la nó trước mặt một đứa bạn cùng lớp. Thật ra, tôi đã đắn đo, ngại ngùng cả ngày. Phải đợi đến tối, khi cả gia đình đọc kinh xong tôi mới ngập ngừng “Ba xin lỗi con vì chuyện hồi chiều”. Thằng con ngước nhìn tôi. Trước tiên là ngạc nhiên, sau cùng là ánh mắt cảm động. Tôi thật vui khi làm được điều đó. Nhưng khi thằng con đi ngủ rồi tôi bị mẹ và vợ phản đối kịch liệt. Mẹ tôi nói “Đời bây giờ ngược ngạo, cha mẹ mà đi xin lỗi con cái, rồi nó sẽ leo lên đầu, lên cổ mày, đố mà dạy nó được”. Vợ  tôi thì  cằn nhằn “Bày đặt học đòi văn minh, bắc thang cho nó leo, mai mốt không dạy được thì đừng có nói sao mình vô phước”.

Những lời đó làm cho tôi hoang mang, không biết mình đúng hay sai. Xin những người đang làm cha, làm mẹ cho vài  lời  “chỉ giáo”. Chân thành cám ơn. Lữ Lân

Bảo Huân

Bảo Huân

CHÀNG

T.Nguyễn: Thưa ông Lữ Lân, đọc những lời tâm sự của ông, tôi rất thông cảm cho nỗi hoang mang giữa sai và đúng của ông, nhưng tôi muốn mạnh dạn nói với ông rằng ông đã làm một việc tuy chưa quen với đa số người phương đông của chúng ta nhưng mà rất đúng.

Hơn một ngàn năm đô hộ bởi người Trung Hoa, người Việt chúng ta chắc chắn bị ảnh hưởng rất nhiều nền văn hóa của họ, nhất là Khổng giáo với hiếu trung tiết nghĩa, quân sư phụ làm đầu. Thời gian trôi, thế giới dần thu nhỏ lại, có dịp  tiếp xúc với những nền văn hóa khác chúng ta mới thấy sự vô lý của Khổng giáo đè nặng lên nếp sống của người dân chúng ta từ trước tới nay.

Thử hỏi bây giờ mà chúng ta nói rằng “Vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là không trung thành”, chắc không ai nghe được. Ngày xưa người ta thường tung hô những “gương” quái gở như bậc trung thần phải giết con để cứu vua. Chuyện ấy xem chừng rất lạ bây giờ với những người được lớn lên trong đất nước này, khi mà mỗi con người sinh ra đều bình đẳng như nhau.

Tôi có người bạn rất khổ sở với người cha cố chấp và cổ hủ của mình. Ngươi cha của bạn tôi vốn là một thầy giáo làng không bao giờ theo kịp đà văn minh cho dù ông đang ở Mỹ. Mỗi lần tôi đến chơi với bạn ông đều giảng giải cho chúng tôi nghe những câu châm ngôn cực kỳ vô lý mà ông xem như kinh nhật tụng, ví dụ như “Muốn nói ngoa làm cha mà nói”. Ý của ông là người cha muốn nói thế nào, muốn buộc tội con cái ra sao đều có quyền như thế. Tôi được biết mấy người con dâu, con rể đều chán ông vô cùng, vì họ không chịu được những lời dạy vô lý của ông như “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Ðược cái là mấy người con của ông đều biết nghĩ, không nỡ để ông vào “nursing home”. Họ cố gắng thay phiên chăm sóc ông, nhưng ít ai muốn tiếp chuyện cùng ông. Chính vì sự ghẻ lạnh đó mà cuộc sống của ông lạnh lùng và tẻ nhạt đến không còn ý nghĩa sống hay là chết.

Ðưa ra một ví dụ như thế, tôi không so sánh là mẹ và vợ ông cũng giống như cha người bạn tôi, nhưng chắc họ cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của  tư tưởng Khổng giáo ngày xưa. Cái vô lý là nếu không theo đúng như thế thì đều là mang tội.

Bây giờ ta đang sống trong một đất nước văn minh và bình đẳng giữa mọi người. Con cái chúng ta được hấp thu trọn vẹn nền văn minh đó, chúng đâu biết gì về những phong tục tập quán nặng nề như chúng ta ngày xưa nữa. Chính vì thế, tôi chẳng ngạc nhiên khi ông kể rằng cháu rất vui và ngạc nhiên khi được ông xin lỗi. Cháu vui vì ông đã làm đúng, đã xoa dịu được nỗi buồn khi bị quê với bạn, cháu ngạc nhiên vì ông đã “trưởng thành”. Ông đã “trưởng thành”, nghe có vẻ chướng tai, nhưng rất đúng vì với lời xin lỗi ông đã “trưởng thành” trong xã hội văn minh này.

Tóm lại, lời xin lỗi của chúng ta hôm nay làm chúng ta “trưởng thành” trong nền văn hóa này. Chúng ta là cha mẹ, nhưng chúng ta cũng là con người như con cái chúng ta, không phải là thần thánh, nên chúng ta cũng có nhiều những lỗi lầm, có khi còn hơn chúng nữa. Tôi tin rằng lời xin lỗi làm cho con cái gần ông hơn, thân thiện hơn vui vẻ và gia đình hạnh phúc hơn lên.Ông đừng hoang mang hay phân vân là mình đúng hay sai. Ông đã làm một việc vô cùng đứng đắn.Tiếc rằng văn hóa xin lỗi không được phổ biến trong cộng đồng của chúng ta, nhất là ở Việt Nam, nhưng tôi vẫn hy vọng cho đến một ngày đối với chúng ta lời xin lỗi là cần thiết nếu chúng ta có lỗi, nó sẽ giúp ta thanh thản, nhẹ nhàng hơn.

Thân chào ông, mong rằng lời góp ý này giúp ông bớt những hoang mang giữa đúng và sai.

Đề tài kỳ sau

Tôi và N làm chung hãng nên quen biết nhau đã hơn 5 năm. Có một thời gian, N thường tâm sự với tôi về sự bất hòa của vợ chồng anh. Tôi lắng nghe và an ủi N rất nhiều. Qua tâm sự tôi thấy tội nghiệp N, vì N là người chồng tốt. Lâu dần tôi cảm thấy yêu N và N cũng thố lộ tình cảm với tôi. Khoảng một năm nay tôi và N ở trong tình trạng lén lút. Mới đây, tôi nói với N tôi không muốn lén lút nữa, N phải quyết định chọn lựa, một là vợ anh, hai là tôi. N nói N không ly dị vợ được vì như vậy là bất nghĩa, bất tình. Tôi hỏi N, vậy còn tôi? Không lẽ tôi phải mang tiếng giựt chồng người khác. N năn nỉ tôi hãy cho anh suy nghĩ. Tôi bỗng nghi ngờ tình cảm của N. Có thật N yêu tôi hay chỉ bịa chuyện gia đình bi thảm để lợi dụng tôi? Nhớ lại những điều tốt đẹp N đối xử với tôi trong thời gian qua, tôi đâm ra hoang mang và không đành lòng nghĩ xấu cho N. Xin những người ngoại cuộc sáng suốt giúp ý kiến dùm tôi. T.Ch