Hai vợ chồng tôi yêu nhau 4 năm mới làm đám cưới. Cưới nhau đã được 5 năm. Tình yêu đậm đà lắm. Chúng tôi luôn quan tâm, chăm sóc cho nhau và giúp đỡ nhau từng việc nhỏ trong gia đình.

Năm vừa rồi tôi bảo lãnh cha mẹ sang chơi theo diện du lịch. Cha mẹ tôi vẫn giữ nề nếp cổ truyền theo ông bà nội dưới quê, nên vợ tôi phải chiều theo như hầu trà, lo thức ăn sáng mỗi ngày trước khi đi làm. Trưa phải chạy về nhà lo bữa ăn trưa và cơm tối đầy đủ. Vì cha mẹ tôi chỉ ở chơi có 3 tháng nên vợ tôi không nề hà, than vãn. Còn tôi trước nay vợ chồng ăn uống giản dị, thoải mái nên cảm thấy áy náy khi nhìn vợ bận bịu túi bụi. Khi tôi ra tay giúp vợ thì bị mẹ mắng là hầu vợ, sợ vợ, thế nào cũng bị vợ lấn lướt.

Mới đây cha mẹ tôi đòi tôi bảo lãnh để sang sống chung. Nói ra thì bất hiếu, nhưng tôi cảm thấy hạnh phúc của hai vợ chồng bị đe dọa. Tôi biết tính vợ tôi hiền lành nhưng rất cứng rắn, khi có chuyện gì phải chịu đựng quá sức thì cô ấy phản kháng mạnh mẽ.

Xin giúp ý kiến tôi phải làm sao bây giờ? Kevin Trịnh

Tinh Chang Y Thiep 972

BẢO HUÂN

NÀNG

MinhTạ: Anh Kevin ơi! cha mẹ anh thật là quan liêu. Quan liêu thường đi đôi với bảo thủ, cố chấp. Bởi vậy mà chuyện khuyên nhủ hay mong muốn cha mẹ anh thay đổi quan niệm và cách sống không khác gì là chuyện mò kim đáy biển.

 Tuy vậy, anh vẫn phải nói cho cha mẹ anh nhìn thấy một thực tế trước mắt. Ðó là thời buổi bây giờ, nhất là ở đất Mỹ văn minh hiện đại này đi tìm nát nước cũng không ra một nàng dâu thứ hai giống như vợ của anh đâu. Sự chịu đựng của vợ anh chứng tỏ là cô ta yêu anh tha thiết và mong muốn giữ gìn mái ấm hạnh phúc êm đềm của vợ chồng anh bằng cách ráng chiều theo cái nề nếp cổ hủ của cha mẹ anh.

Anh cũng nên phân tích cho cha mẹ anh biết, hồi xưa nàng dâu hầu cha mẹ chồng, hầu chồng (tôi muốn nói chữ “hầu” đúng nghĩa) là vì nàng dâu không đi làm, chỉ ở nhà để lo công việc nhà, chăm sóc con cái. Còn bây giờ, chồng đi làm, vợ cũng đi làm, cả hai đều mệt mỏi như nhau. Nói về sức lực thì người phụ nữ còn phải mang nặng, đẻ đau nên sức lực yếu kém hơn chồng, vì vậy khi tan tầm về nhà, lao vào bếp nấu nướng vất vả biết bao nhiêu, nên nếu chồng có săn tay giúp vợ chuyện bếp núc hay tắm rửa con cái cũng là chuyện công bình, đâu có gì là quá đáng.

Nếu anh quyết chí bảo vệ lập trường của anh là: thời nay không còn chuyện chồng chúa vợ tôi, dù cha mẹ có phản đối thế nào anh cũng không thể khoanh tay nhìn vợ anh tất bật lo cơm nước còn anh thì ung dung ngồi xem TV chờ cơm dọn ra sẵn để anh cho no bụng. Con dâu cũng không thể nào sớm tối hầu hạ cha mẹ chồng như ông bà mong muốn. Vì ở đây làm việc giờ giấc rất gắt gao chứ không tà tà như ở Việt Nam.

Bảo đảm nghe ý kiến của anh xong, cha mẹ của anh không đòi ở lại nữa đâu. Chúc vợ chồng anh luôn hạnh phúc.

CHÀNG

Anh Tám Arlington:  Chuyện cha mẹ chồng nàng dâu của gia đình anh chắc không khác gì nhiều gia đình khác của người Việt Nam chúng ta. Ðây là một “mớ bòng bong” đã làm hạnh phúc nhiều vợ chồng trẻ bị lung lay không ít. Những ông bà ở vào thế hệ tuổi cao, nhất là ở trong nước bây giờ vẫn chưa thay đổi được cái quan niệm “nàng dâu  phải phục vụ, hầu hạ cha mẹ chồng, cả chồng nữa, nhất là vấn đề bếp núc”. Có nhiều người còn cho đó là “nề nếp theo văn hóa truyền thống tốt đẹp”! Thậm chí, ngay tại thời bây giờ, vẫn còn không ít các đấng Ông Chồng vẫn cho rằng việc trong nhà như nấu ăn, phục vụ bữa ăn, giặt đồ, rửa chén… là việc “Thượng Ðế dành riêng cho người vợ”. Do đó, khi cha mẹ anh đến sống chung thì ông bà mong muốn con dâu hầu hạ đúng mức là điều rất bình thường, như anh đã chứng kiến khi ông bà đến chơi vài tháng… và chắc chắn khi bảo lãnh sang sống chung cũng phải giống vậy thôi.

Thay đổi quan niệm ông bà không phải là chuyện dễ dàng. Anh là người chồng tốt khi nhận ra đó là điều bất công, lo sợ cho hạnh phúc bị đe dọa là phải, nhưng không vì thế mà anh từ chối bảo lãnh cha mẹ được. Anh không thể nào chọn cách bất hiếu được. Vì sợ mất hạnh phúc gia đình, không bảo lãnh cha mẹ sang, anh sẽ sống “bất an”, chứ không chỉ là bất hiếu. Nếu ở hoàn cảnh của anh, tôi sẽ không ngại đưa cha mẹ về sống chung cho tròn phận làm con trước đã. Nhưng anh phải ngồi lại tâm tình với bà xã một cách đầy chân tình yêu thương. Anh chia sẻ những âu lo của anh, những quan niệm cha mẹ với con dâu mà anh không đồng ý khi ông bà đến sống chung. Hai người sẽ kề vai bên nhau cùng vác gánh nặng nầy một cách vui tươi khi hai vợ chồng đều đồng cảm.

Khi ông bà đến, anh cứ tiếp tay với chị cùng lo lắng phục vụ. Dù có bị ông bà chê trách sợ vợ, anh cứ việc vui tươi chia sớt công việc với chị và từ từ giải thích cho cha mẹ hiểu, đó là sự công bằng khi vợ chồng thật sự yêu thương nhau. Tôi nghĩ, rồi ông bà sống trong gia đình anh một thời gian rồi cũng quen. Nhưng nếu không tự thay đổi được cái “não trạng” cứng ngắc là nàng dâu phải hầu hạ cha mẹ chồng, thì ông bà sẽ quyết định thay đổi chỗ ở cho khuất mắt thôi (cho phép tôi làm thầy bói…). Chừng đó anh không phải bất an, tùy ông bà quyết định. Anh và vợ anh đã làm đúng và làm hết sức rồi.

Chúc anh chị sẽ gìn giữ hạnh phúc gia đình và gặp nhiều may mắn[]