Ôi chao, đọc bài viết của tác giả Trần Mộng Tú (https://baotreonline.com/nyotaimori-cai-dia-than-the/) mà bụng dạ Dế Mèn nôn nao, khó chịu. Bài viết ấy nhắc phe ta nhớ lại câu chuyện năm xưa, nhớ để rồi bần thần khó chịu và cái cảm giác nôn nao ấy, gần hai mươi năm rồi mà xem ra vẫn không nhẹ đi chút nào. Cái cảm giác nhờm gớm khi ta buồn nôn, muốn ói mửa?!

nyotaimori

nguồn: News Next BD

Nyotaimori theo tiếng Nhật là “body sushi”, hiểu rộng rãi là một cách trình bày thức ăn sống (như sashimi, sushi) trên thân thể trần truồng của con người, thường là phụ nữ.

Ngày xa xưa phương cách ăn uống ấy chỉ dành cho giới quý tộc, nhà giàu; ngày nay thì xuất hiện trong các câu lạc bộ “riêng biệt” và hình như người ta dùng thân thể [mặc quần áo tắm?] của cả nam và nữ làm khay đựng thức ăn.

Chi tiết dẫn đến câu chuyện nyotaimori kia thật ra cũng chẳng có gì, nhưng hình ảnh người phụ nữ trần truồng nằm chịu trận cho đám thực khách thọc đũa vào da thịt để gắp thức ăn thì não lòng lắm bạn ạ!

Năm ấy Dế Mèn còn rất trẻ, tất nhiên là trẻ hơn bây giờ nhiều lắm. Trẻ người …non dạ, không nghĩ ngợi sâu xa, kỹ lưỡng nên lỡ một bước.

Chẳng là hồi nẳm nhóm chuyên viên Huê Kỳ đặt ra một phương cách tường trình các phản ứng phụ khi thí nghiệm dược phẩm. Phương cách ấy có thể dùng để nộp cho mọi cơ quan y tế trên thế giới dù người tường trình ở bất cứ địa phương nào, và bản tường trình được gửi đi hầu như mọi chi nhánh của công ty vô cùng nhanh chóng, đôi khi trong cùng ngày. Thành công nên nhóm chuyên viên Huê Kỳ được gửi qua Âu Châu để huấn luyện đồng nghiệp và sau đó là Á Châu, đầu tiên là Nhật Bản.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Chương trình huấn luyện thường chỉ vài tuần nhưng sau gần một tháng quanh quẩn ở chi nhánh công ty tại Tokyo, Dế Mèn vẫn không thấy việc huấn luyện có mấy kết quả. Ngày ngày cứ cong lưng cúi mình chào hỏi và gật gù “hai” (đồng ý?) với mấy người cộng sự mà gần đến ngày về, công việc xem ra vẫn lơ lửng chưa đến đâu. Nản lòng quá phe ta tìm cách “làm thân” với người cộng sự hầu tìm hiểu và tìm cách giải quyết cho xong sự lè è chậm trễ ấy. Lân la hỏi thăm cô gái thông dịch viên gốc Nhật thì cô ấy mách cho rằng nên mời “bè bạn” đi ăn tối ở nơi họ ưa chuộng. Thế là phe ta bán cái luôn cho cô thông dịch viên, nhờ cô ấy sắp xếp chương trình cho bữa ăn tối. Cô bé kia dốc sức làm vừa ý nhóm nhân viên toàn đàn ông.

Mèn ơi! Quỷ ma thường nằm ở những chi tiết. Kết quả là một chiều tối năm nọ, phe ta dấn thân vào chốn trà đình tửu quán có món nyotaimori mà chẳng hay biết cái nghệ thuật dùng thân thể phụ nữ để trưng bày thức ăn là cái quái gì! Chao ôi, chẳng có cái dại nào dại cho bằng lần này. Bước vào phòng ăn, “khay thức ăn” chưa xuất hiện nên nhóm thực khách trò chuyện vui vẻ. Thế rồi người đẹp xuất hiện trong chiếc kimono rực rỡ, được người dọn bàn đỡ lên bàn sau khi đã cởi bỏ y phục.

Xem thêm:   Loanh quanh, vụn vặt

Phe ta ngỡ ngàng, tiến không xong mà thối lui cũng chẳng được, đầu óc lùng bùng chưa biết phải làm thế nào cho phải. Trời phạt Dế Mèn cái tội không biết mà chẳng hỏi cho kỹ càng! Lỡ rồi nên phải tiếp tục cho xong bữa ăn! Bữa ăn để đời với cả ngàn con kiến cắn rứt từ tay chân mình mẩy lẫn đầu óc.

Dế Mèn đầu têu nên ngồi giữa, ngay cái rốn của “khay” thức ăn. Khách chia nhau ngồi chung quanh, đối mặt là người đàn ông có chức vị cao nhất trong nhóm. Cô bé thông dịch nhất định đứng sau lưng Dế Mèn, mời mọc năn nỉ thế nào cô ấy cũng từ chối ngồi vào bàn ăn, thoái thác là “không được phép”!

Người đẹp an vị trên bàn xong thì đầu bếp bắt đầu sắp xếp thực phẩm trước mấy chục con mắt nhìn ngắm săm soi. Thực khách tất nhiên là ăn bằng miệng và ăn cả bằng mắt. No mắt xong mới đến việc nếm thức ăn. Dế Mèn phải gắp miếng đầu tiên nên đành chọn mảnh sushi nằm ngay trước mặt, trên… rốn người đẹp.

Miếng cơm nếp bị xắn thành hai ba mảnh nhỏ xíu nhưng vẫn cứ nghẹn trong cuống họng, nuốt mãi không trôi, chỉ chực chạy ngược lên miệng mà chui ra ngoài! Vừa ghê vừa sợ! Cái cảm giác nôn nao khó chịu in hệt như khi đọc bài viết về môn nghệ thuật ấy!

Thực khách bắt đầu ăn uống nhồm nhoàm, cười nói rầm rĩ sau khi mấy lít sake chuyền tay đi quanh vài vòng. Người ta thoải mái hơn sau khi đã ngà ngà say men. Những đôi đũa chọc vào thân mình cô gái trên bàn mà chẳng thấy cô ấy nhúc nhích chi. Có đôi đũa lại vờn nhè nhẹ sợi râu bạch tuộc trên gò ngực. Da nổi gai nhưng cái “khay thức ăn” ấy vẫn thản nhiên như một pho tượng dù đôi mắt thỉnh thoảng chớp vài cái. Trên bàn tay cô gái là bông mẫu đơn đỏ thắm. Suốt bữa ăn, phe ta chăm chăm nhìn vào đóa mẫu đơn, đếm từng cánh hoa, săm soi từng đường gân mảnh mai… cố giữ vẻ mặt bình thản và ngậm chặt nỗi nghẹn ngào xót xa của mình.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nhìn ngắm cô gái trên bàn và nhóm thực khách thọc đũa gắp nhai, ăn nhồm nhoàm chung quanh là một nỗi đau đớn khó tả. Con người bị “dùng” như một vật dụng (dù dưới hình thức “nghệ thuật”?), và tệ hại hơn chính mình lại là kẻ đi mua dịch vụ ấy.

Mỗi bộ môn nghệ thuật trình bày một cái đẹp riêng và nyotaimori hẳn là bộ môn nghệ thuật mà Dế Mèn không biết cảm nhận và cũng không thể thưởng thức vì chịu chi phối bởi ý tưởng đạo đức, cái nhìn xa lạ về xã hội? Nghệ thuật vị nhân sinh?

Tối hôm ấy, dùng đũa lùa qua lùa lại mấy miếng thức ăn trên dĩa cho có vẻ ăn uống dù Dế Mèn không uống mà cũng chẳng ăn nên tỉnh rụi. Tỉnh táo để mà giằng xé với nỗi ân hận, xấu hổ và khổ sở âm thầm của mình. Người bán nằm chịu trận [vì miếng cơm manh áo?]; người mua chịu trận vì cẩu thả nên lầm lẫn.

Mấy chục năm rồi, nỗi khổ sở kia vẫn còn nguyên!

TLL

Orlando, FL