Điện thoại di động (mobile phone) xuất hiện trong vài mươi năm nay nhưng món điện thoại thông minh (smart phone) dù chỉ góp mặt trong đời sống trên dưới một thập niên đã trở thành vật bất ly thân của người thế giới. 

Càng trẻ tuổi, món điện thoại thông minh càng bám chặt lấy con người ngay cả lúc ngủ cũng như khi ăn uống. Hình ảnh một vài người vừa ăn vừa dán mắt vào chiếc điện thoại thông minh bất kể thân nhân chung quanh không còn là một cảnh tượng lạ lùng hay khó chịu nữa: đang trò chuyện rôm rả bỗng dưng một vài người trong nhóm bỏ ngang để chú ý đến câu chuyện riêng với chiếc điện thoại, không còn thiết tha chi đến người chung quanh. Sự phân tâm, chia trí [hay phe lờ] ấy xem ra gửi ngầm một tín hiệu: câu chuyện đã đến hồi tẻ nhạt, nhàm chán… nên tui rẽ ngang vì chiếc điện thoại thông minh kia hấp dẫn hơn nhiều! Một người rồi nhiều người cũng hành xử in như thế nên việc vừa ăn [chung] vừa ngó điện thoại [riêng] nghiễm nhiên trở nên bình thường! Thì ra chướng mắt đến đâu thì chướng nhưng nhìn mãi rồi cũng quen? Và khi quen thuộc rồi thì sự việc tệ hại nào cũng trở nên bình thường?!

Nhan nhản khắp chốn các bài viết than phiền về nỗi khó chịu, về cảm giác bị bỏ rơi vì điện thoại thông minh thu hút hết thời giờ của phụ huynh, từ bạn bè hoặc cả người yêu, người phối ngẫu. Không ít số người rầu rĩ đã vò đầu tự hỏi … bộ tui… tệ lắm hay sao mà ngồi ngay bên cạnh cũng bị [giả] bỏ lơ để trò chuyện với cha căng chú kiết nào đó trên Facebook, trên Chuồng Chim…? Lạ lắm, câu chuyện với người chung quanh dù đang sôi nổi đến đâu đi nữa mà chiếc điện thoại kia chỉ cần nhấp nháy hay reo một tiếng chuông là chủ nhân lật đật chuyển hướng, ngưng theo dõi cuộc thảo luận hay ngay cả ngưng nói để … dán mắt vào điện thoại. Nói theo ngôn ngữ thời thượng là con người kia đã “disconnect” với người chung quanh để “connect” với thế giới ảo! Dường như họ ghiền dụng cụ điện tử in hệt như người nghiện ma túy? Từa tựa như người ghiền tới cữ mà thiếu thuốc là vật vã, quằn quại, người ghiền điện thoại nghe chuông báo mà không ngó tới điện thoại là bứt rứt, bồn chồn đứng ngồi không yên?

Người than thở cứ việc ủ ê hoặc thắc mắc, kẻ dùng điện thoại thông minh bất kể ngày giờ vẫn tiếp tục thói quen cặp kè với vật dụng và xã hội xem ra… chấp nhận các khác biệt ấy. Và bá tánh bắt đầu thấy những mẩu tin tìm người [để] kết bạn khá thú vị. Chẳng hạn như … phụ nữ tuổi …, tìm bạn có cùng sở thích như…, không mê selfie, đi ăn chung không dán mắt vào điện thoại, trong lúc trò chuyện không … táy máy nhìn ngó điện thoại… Nghĩa là … tui muốn làm bạn với những người không dính chùm với vật dụng liên mạng (‘disconnecting’). Ðại khái là họ đi tìm bạn, tìm người thích trò chuyện với người bằng xương bằng thịt hiện diện trước mắt, kiểu trò chuyện mà ngày nay gọi là ‘in real time’ hay ‘ngay tuýt suỵt‘.

Xem thêm:   Lang thang & người trẻ

Nhu cầu tìm người chuyện trò ‘in real time’ dẫn đến các dịch vụ liên hệ. Vài chương trình du lịch bắt đầu quảng cáo, khoe những vùng đất hoang dã sơ khai, không… bị internet quấy rầy… bạn có thể sống trọn vẹn với thiên nhiên như thủa hồng hoang… (nhưng vẫn đầy đủ các dịch vụ như lều che, giường ngủ, nhà vệ sinh, chỗ tắm rửa…). Nhưng đáng ngạc nhiên nhất vẫn là mẩu tin quảng cáo hứa hẹn việc… ra đời của loại điện thoại… đần độn (tạm dịch từ chữ ‘dumb phone’): Khoảng tháng Tư năm tới, vài ngàn khách hàng của Indiegogo sẽ nhận được một dụng cụ ‘mới’ (sản xuất dựa trên một khái niệm cũ xì cũ mốc) có tên ‘the Light Phone 2’, chị em với món ‘Light Phone’. Ðây là một sản phẩm, theo tiêu chuẩn kỹ thuật ngày nay là “không có gì”, thuộc loại ‘sơ khai‘, màn hình không màu và chẳng gài thêm các ứng dụng (thảo trình / app) quen thuộc nào. Nói tóm lại, Light Phone 2 là một chiếc điện thoại “trần xì”, thiếu quần chùng áo dài và cũng chẳng trang điểm hoặc cõng theo một món phụ tùng nào.

Giản dị, đơn sơ như thế nhưng sản phẩm này lại được quảng cáo rầm rộ là chiếc điện thoại… quý trọng khách hàng (?!) Dài dòng hơn công ty nọ kể lể rằng… chiếc Light Phone 2 rất bền bỉ, đáng tin cậy (?) và thực dụng hơn những chiếc điện thoại đời trước đó. Chiếc điện thoại này trang bị đầy đủ các món thiết yếu như gửi tín hiệu (message), làm công việc nhắc nhở đánh thức (alarm clock) và gọi cũng như nhận điện thoại! …“Nhẹ” hơn các món điện thoại thông minh nhiều lắm… Ðời sống vật vã, ta lìa bỏ các ‘dây nhợ’ quấn quýt chung quanh (‘hyper-connectivity’) để thong thả hơn [càng “nhẹ” càng tốt] …

Xem thêm:   Ngộ độc thực phẩm

Kiểu quảng cáo vô cùng tài tình, hãng sản xuất không đề cập đến sự tiện dụng, đa năng của điện thoại thông minh (e khách tiêu thụ sẽ đi đến kết luận món sản phẩm mới là điện thoại “đần độn”?) mà chỉ nhấn mạnh về cách sử dụng dễ dàng, giản dị của Light Phone 2, một khái niệm xưa cũ từ thủa điện thoại di động mới ra đời.

Khách hàng trông mong một sản phẩm giản dị tiện dụng đang hân hoan chờ đợi trong khi những người trẻ tiếp tục cải tiến điện thoại thông minh xem khả năng của vật dụng nhỏ xíu kia có thể đi đến đâu. Ðiện thoại thông minh tất nhiên không chỉ dùng như điện thoại, gọi và nhận điện thoại, mà sử dụng như nhiều món dụng cụ khác, từ việc rung chuông nhắc nhở, đọc / xem các bản tin hàng ngày, thay thế công việc của báo chí, đài truyền thanh truyền hình đến xem phim, gửi thư, gửi hình ảnh, chiếc điện thoại thông minh làm cả công việc của cuốn niên giám điện thoại giúp chủ nhân tìm quán ăn, tiệm giặt, đường đi, đặt vé máy bay, khách sạn… cơ man các công việc khác nhau. Tất cả đều gói ghém trong chiếc điện thoại thông minh nhỏ xíu, dễ dàng mang theo bên mình.

Ða năng đa hiệu như thế nên không lạ là bá tánh thích sử dụng điện thoại thông minh; vật dụng này nghiễm nhiên thu hút hết thời giờ của chủ nhân và trở thành một mối bận tâm lớn nhất trong đời sống thường nhật. Một chiếc bóng không [thể] rời! Ta và điện thoại thông minh tuy hai mà một?!

Khi điện thoại thông minh ra đời không mấy ai nghĩ rằng vật dụng nhỏ xíu kia có thể chiếm giữ bằng ấy năng lực cũng như thời giờ của chủ nhân nó. Tất nhiên khi ta quấn quýt với điện thoại như thế thì thời giờ đâu dành cho những người khác trong cuộc sống? Thân nhân chung quanh trở thành…thứ yếu, đứng sau chiếc điện thoại?

Than phiền hoặc ngẫm nghĩ như thế nhưng chưa thấy mấy ai lìa bỏ điện thoại thông minh. Bằng chứng là số người sử dụng vẫn tiếp tục gia tăng, Apple cũng như Samsung vẫn bán ra sản phẩm mới ào ào. Cư dân thế giới vẫn có ít nhất là một cái điện thoại thông minh để sử dụng và các nhà sản xuất vẫn tiếp tục mở rộng thị trường để tiếp tục thu bạc. Nói giản dị là nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh vẫn đang lên dù ở một tốc độ không nhanh như trước.

Xem thêm:   Sản phẩm & người tiêu thụ

Như thế thì ta làm gì để kiếm bạc? Ðiện thoại thông minh đã đa năng đa hiệu như thế thì làm chi để vật dụng này tốt / hay / tiện dụng / đẹp hơn hầu thu hút khách hàng? Ưu điểm nào sẽ khiến món hàng bán chạy hơn?
Các tay nghiên cứu thị trường đã chạy trước một bước: Họ bắt đầu “giản dị hóa” điện thoại di động, bớt đi các công dụng; nói một cách khác là làm cho điện thoại di động bớt thông minh; đáp ứng nhu cầu của những người không muốn quấn quýt với điện thoại; thích đọc sách báo thì cầm tay quyển sách / tờ báo, ưa nghe nhạc thì mở máy chạy CD; khi điện thoại reo thì nghe điện thoại rồi tắt máy lúc lên giường đi ngủ!

Ðầu năm ngoái, Nokia đã trình làng chiếc điện thoại “cổ lỗ sĩ”, mẫu 3310, công dụng in hệt chiếc điện thoại xưa cũ sản xuất năm 2000 mệnh danh “the Brick” (dù 3310 không to và nặng như chiếc điện thoại cũ, có kích thước và trọng lượng của một viên gạch đỏ!). Light Phone và Unihertz Jelly là hai món điện thoại kém thông minh đang rủ rê khách hàng, những người thích điện thoại không thông minh!

Tất nhiên là những chiếc điện thoại không thông minh được chế tạo để đáp ứng nhu cầu của một số khách hàng đặc biệt; những người khác vẫn tiếp tục sử dụng các vật dụng đa năng đa hiệu và tiếp tục đón nhận các sản phẩm mới với một vài ưu điểm nào đó.

Khách hàng đặc biệt là những người đang cố gắng thay đổi thói quen cũ, dành thời giờ để… vá lại các đổ vỡ của mối thâm tình xưa, để vun trồng, xây đắp tình cảm với con người. Họ nói rằng tôi cần một người bạn, tình cảm giúp tôi khôn lớn về tâm thần. Vật dụng chỉ mang lại các kết quả vật chất.

Về phía kỹ thuật, các tay kỹ sư kiến tạo cười cười so sánh: từa tựa như xe hơi, ta dùng xe hơi để di chuyển, tiện lắm lợi lắm nhưng lại chán ngán nỗi kẹt đường, than phiền việc ô nhiễm môi sinh vì… những chiếc xe khác. Ðiện thoại thông minh giúp ta làm biết bao nhiêu việc nhưng cũng lấy đi hết mọi giây phút rảnh rang [vì ta đa đoan, thích làm các công việc ấy]. Và các “kỹ sư tâm hồn” gật gù đồng ý: Muốn thay đổi, ta cần thay đổi chính mình chứ vật dụng chung quanh chẳng thể nào làm nổi công việc to tát ấy!

TLL – Florida