Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại… đã trở thành thông dụng trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”…

Theo truyền thuyết, hoàng tử thành Troie (Troy / Trojan) là Paris tới viếng thành Sparta, đã gặp Helen, một phụ nữ có sắc đẹp tuyệt trần, và đã chiếm được trái tim của nàng. Helen bỏ chồng là vua Menelaus trốn theo Paris. Tức giận, Menelaus tới cầu cứu anh là Agamemnon, vua xứ Mycenae, nhờ anh giúp đoạt lại vợ.

Nhưng đánh chiếm thành Troie không dễ, vì phải chuyển quân qua biển, và thành nổi tiếng kiên cố với một đoàn quân thiện chiến do dũng tướng Hector chỉ huy.

Trận chiến kéo dài mười năm bất phân thắng bại, dù được Odysseus và Achilles mình đồng da sắt giúp đỡ. Achilles đã giết được Hector nhưng quân Hy Lạp vẫn không sao vào được thành.

Một ngày kia Odysseus ra lệnh phá thuyền làm một con ngựa khổng lồ bằng gỗ, bên trong rỗng, cho quân núp vào trong đó. Đoàn quân bên ngoài vờ nhổ trại, lên tàu rút lui ra khơi. Người dân Troie thấy con ngựa khổng lồ thì lôi vào thành ăn mừng chiến thắng. Tối đó khi mọi người đã say ngủ vì uống rượu và nhảy nhót thì các binh lính của Hy Lạp đã phá ngựa, chui ra mở cửa thành cho quân xông vào đánh, thành Troie thất thủ. Trong trận chiến, Achilles bị Paris bắn trúng vào gân gót chân, tử trận. Đó là cội nguồn của thành ngữ gót chân Achilles.

Xem thêm:   Tránh bị lừa gạt

Chuyện con ngựa gỗ không chắc có thật hay không, nhưng ngày nay, thuật ngữ “Con ngựa thành Troie” vẫn được sử dụng để ám chỉ đến sự lật đổ từ bên trong.

Nếu bạn sử dụng máy tính, chắc cũng biết về virus Trojan Horse (tiếng Anh của “Ngựa Troie”). Đó là một loại virus máy tính chứa các phần mềm gián điệp nhằm cho phép máy tính bị điều khiển từ xa qua hệ thống mạng.