Tuần gồm 7 ngày trong tiếng Việt đã được đặt tên theo thứ tự số đếm, bắt đầu từ thứ Hai cho đến thứ Bảy, dựa theo cách gọi tên ngày trong tiếng Bồ Đào Nha vào thế kỷ 17. Vậy còn ngày thứ nhất thì sao?

NHIỀU KỲ – KỲ 4

Trong cuốn “Phép giảng tám ngày” và trong Tự điển Việt-Bồ-La của Linh mục Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) in năm 1651 tại Roma, chưa thấy xuất hiện ngày “Chúa Nhật” hoặc “Chủ Nhật”, nhưng có ghi: “ngày thứ nhứt” (dịch nghĩa “prima” trong tiếng Bồ), còn gọi là “ngày Dominh”. Từ này là phiên âm tiếng Bồ “domingo”, có gốc từ tiếng Latinh “dominicus” nghĩa là “ngày của Thượng Đế”.

Trong các từ điển hoặc từ vựng sau đây không thấy hoặc đã thấy xuất hiện “ngày Chúa Nhật” hoặc “ngày Chủ Nhật”:

– Grammaire annamite suivie d’un vocabulaire francais-annamite et annamite-francais (G. Aubaret, 1863) chỉ có ngày thứ nhất.

– Petit dictionnaire Francais-Annamite (Trương Vĩnh Ký, 1884) có ngày Chúa Nhật.

– Dictionnaire Franco-Tonkinois illustré (P.G. Vallot, 1898) có ngày thứ nhất, ngày Chủ Nhật.

– Petit dictionnaire Annamite-Francais (P.G. Vallot, 1904) có ngày Chúa Nhật.

– Nam Việt Dương Hiệp Tự vị (J.L. Taberd, 1838) có ngày Chúa Nhật.

Như vậy, “Chúa nhựt” và “Chủ nhật” là lối gọi có thể xuất hiện sau thế kỷ 17 (không rõ chính xác vào lúc nào) và trước khi có các từ điển trong thế kỷ 19 (từ điển ghi lại những gì đã xuất hiện trước đó trong ngôn ngữ). Tóm lại, để gọi tên ngày đầu tuần, tiếng Việt đã lần lượt trải qua các lối gọi: “ngày thứ nhứt” => “ngày Dominh” => “Chúa Nhật” hoặc “Chủ Nhật”.

Xem thêm:   Easter

Kitô giáo ở Trung Hoa và Nhựt Bổn xưng tụng Đấng Tạo Hóa bằng hai từ:  – tiếng Tàu đọc /tian zhu/, tiếng Nhựt đọc /ten shu/, âm Việt là “Thiên Chủ”. “Thiên Chủ” xuất hiện lần đầu năm 1584 trong cuốn sách của Ruggieri và Matteo Ricci: Thiên Chủ thực lục một cuốn giáo lý của Matteo Ricci xuất bản sau đó có nhan đề Thiên Chủ thực nghĩa Ở Việt Nam, có cách đọc khác là “Thiên Chúa”.

Thời kỳ các giáo sĩ Bồ Đào Nha đến truyền giáo, nước Việt phân chia thành Đàng Trong và Đàng Ngoài. Nắm giữ quyền lực cao nhất, được gọi là: “Chúa” . Ở Đàng Trong có chúa Nguyễn, Đàng Ngoài là chúa Trịnh (vua Lê chỉ có hư vị, không thực quyền).

Vì thế Đấng Tạo hóa, nắm giữ quyền bính cao nhất khắp trời đất, được người Công giáo thời đó diễn giải trong tiếng Việt là: “Chúa (Trời)” (Thiên Chúa). Đây là hiện tượng “bản địa hóa ngôn ngữ” rất đặc biệt dựa theo lịch sử nước Việt.