Nhiều thành ngữ xuất xứ từ các truyện cổ, thần thoại… đã được dùng nhiều trên các phương tiện truyền thông, như “con ngựa thành Troie”, “gót chân Achilles”, “cái hộp Pandora”, “công trình Hercules”, “thanh kiếm Damoclès”…

Theo thần thoại Hy Lạp, Pandora là người phụ nữ đầu tiên được thần Jupiter/Zeus tạo ra trên thiên đường cùng sự góp sức của tất cả các thần thánh nhằm giúp nàng trở nên hoàn hảo. Nữ thần Venus cho sắc đẹp, thần Mercury cho khả năng thuyết phục, thần Apollo cho âm nhạc… Sau đó, Pandora được gửi xuống Trái đất và ra mắt Epimetheus để trở thành vợ của ông này.

Khi đưa nàng xuống trần, thần Jupiter đã cho Pandora một cái hộp và dặn nàng đừng bao giờ mở ra. Một ngày nọ, do không kìm hãm được tính tò mò nên Pandora đã mở hộp. Và từ trong hộp, chết chóc, dịch bệnh, đói kém… và hàng loạt đủ thứ xấu xa khác thoát ra tàn phá loài người. Pandora quá sợ hãi nên đã vội đóng hộp, nhưng không còn kịp nữa, mọi tai ương đã được phóng thích không gì có thể kìm hãm chúng lại; chỉ còn một thứ dưới đáy hộp không kịp thoát ra, đó là hy vọng.

Từ đó, con người mới có những tính xấu như kiêu ngạo, tham lam, lười biếng, đố kỵ, giả dối, phản bội… dẫn tới hận thù, tranh giành và chém giết nhau; tuy nhiên, vẫn còn niềm hy vọng để nâng đỡ những người đau khổ và hứa hẹn cho họ một tương lai hạnh phúc.

Xem thêm:   Nơi thờ phượng (kỳ 3)

Vào thế kỷ 16, học giả Erasmus khi dịch sự tích này sang tiếng Latinh đã dịch sai từ chiếc bình (tiếng Hy Lạp: pithos) thành pyxis (cái hộp), dẫn đến cách nói “Cái hộp Pandora” như bây giờ.

Ngày nay, ý nghĩa của câu “mở hộp Pandora” là thực hiện một hành động sẽ dẫn đến hậu quả tai hại không không lường trước được. Chẳng hạn, một tờ báo đã giật tít: “Cái hộp Pandora đã mở ra khi Nga tấn công Unkraine”.

Nếu theo dõi văn học thế giới, có lẽ bạn biết tác phẩm “Chiếc hộp Pandora” của nhà văn Nhật Bản Dazai Osamu. Nước Nhật sau Đệ nhị Thế chiến lâm vào đại họa không khác cảnh tượng khi cái hộp Pandora vừa được mở ra. Tác phẩm của ông không bàn về thứ ẩn chứa bên trong hộp, mà luận về bên ngoài – tức là tâm tư của người mở hộp. Trong bầu không khí điêu tàn lúc đó, những con thuyền kiêu hãnh lướt trên “đạo lộ” thủy triều chính là những thanh niên tràn đầy nhiệt huyết cho cuộc tái thiết một nước Nhật Bản mới.