Bích Hạnh

Cách đây gần 3 năm, tôi may mắn và vinh dự được đón chị Thoa – vợ của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức cùng chị gái, em gái của anh Thức ghé nhà thăm và ngủ lại qua đêm ở nhà tôi trong chuyến thăm anh Thức ở trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An. Cùng đi với các chị, còn có anh Tân, em anh Thức, những người bạn của anh Thức: luật sư Lê Công Định, anh Phạm Bá Hải, anh Lê Thăng Long và những người bạn của tôi: anh Lê Đình Lượng, anh Hoàng Bình, anh Trần Hữu Đức, anh Đậu Văn Dương,…

Tôi kính trọng, ngưỡng mộ anh Trần Huỳnh Duy Thức, một trí thức tài năng đã bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam kết án 16 năm tù giam với tội danh mơ hồ “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Anh đã phải sống trong chốn lao tù hơn 10 năm nhưng anh nhất quyết không chịu nhận tội, không đi tị nạn ở nước ngoài. Anh kiên định giữ trọn lý tưởng: dâng hiến cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam. Cũng trong chuyến đi thăm anh Thức lần đó mà chúng tôi có dịp ngồi lại với nhau, rồi trong đêm khuya tĩnh mịch ở nơi làng quê nhỏ bé, chúng tôi ngồi nghe luật sư Lê Công Định nói chuyện thêm về anh Thức, một kĩ sư, một doanh nhân tài  giỏi đã dám từ bỏ đỉnh cao của sự vinh quang để dấn thân cho công lý, tự do và nhân quyền.

Không ngờ, thời gian ngắn sau đó, nhà cầm quyền cộng sản tiếp tục bắt giam và kết án những người bạn của tôi: anh Lê Đình Lượng 20 năm tù, anh Hoàng Bình 14 năm tù, anh Nguyễn Văn Hoá 7 năm tù vị họ không chịu cúi đầu im lặng khi công ty Hưng Nghiệp Formosa xả thải ra huỷ diệt môi trường biển miền trung của Việt Nam.

Mới đây, cũng những người bạn của tôi là anh Nguyễn Bắc Truyển và anh Hoàng Bình đã tuyệt thực và bất chấp nguy hiểm, đã cố thông tin ra bên ngoài về tình trạng anh Nguyễn Văn Hoá bị tra tấn trong tù rất dã man bằng hình thức kẹp cổ, bị biệt giam và có thể nhiều đòn tra tấn dã man khác nữa vì Hóa dám phản đối những việc làm sai trái của cán bộ trại giam An Điềm, Quảng Nam. Tôi hình dung, với thân hình gầy gò nhỏ bé của Hoá mà phải hứng chịu những đòn tra tấn của công an Việt Nam, rồi bị biệt giam thì quả là quá sức chịu đựng của Hoá.

 Trong một thể chế độc tài, lẽ hiển nhiên, cái giá của tự do, công lý phải trả rất đắt bằng máu, nước mắt và biết bao oan khiên chất chồng của những người yêu chuộng công lý và cả những người dân vô tội.

 Tôi nhớ những ngày đồng hành cùng anh Lê Đình Lượng, Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Nam Phong phản đối Formosa. Họ đã truyền cảm hứng mãnh liệt cho tôi quyết tâm đứng về phía lẽ phải, âm thầm làm việc, hy sinh mà không cần ai biết đến, chịu đựng mọi gian nan thiếu thốn như là lẽ đương nhiên.

Tôi nhớ những lần gặp chị Phạm Đoan Trang ở nhà thầy Phạm Toàn, nghe chị chia sẻ về những lần bị công an “mời” lên đồn, những lần viết một đêm một mạch bốn bài báo vì không thể im lặng được trước bất công và tội ác của nhà cầm quyền Việt Nam. Công an Việt Nam đã rất nhiều lần đánh chị tàn nhẫn, đánh đến gãy cả chân. Nhưng họ vẫn không buông tha chị. Có lần tôi điện thoại hỏi thăm chị, hỏi chị sao không ở lại Mỹ mà về Việt Nam chi cho khổ. Chị dịu dàng nói với tôi: “Chị là người Việt Nam. Chị chọn sống ở Việt Nam.”

Tôi nhớ Nguyễn Văn Dương, một cử nhân luật rất trẻ ở Vinh. Dương sống với lý tưởng của người Ki tô hữu phụng sự Chúa. Vì lý tưởng đó, từ năm 2007 – 2011, anh đã đồng hành và tư vấn luật cho linh mục Hoàng Sỹ Hướng đòi lại đất của nhà thờ Cầu Rầm, bị quan chức cấp tỉnh cướp rồi đem chia chác. Dương không bị bắt đi tù như các bạn tôi nhưng anh thường xuyên bị công an sách nhiễu, hành hung và đi xin việc, chỗ nào người ta cũng từ chối không dám nhận vì nằm trong “danh sách đen”.

Những người nằm trong ” danh sách đen”, dù chưa bị bắt đi tù nhưng họ bị công an sách nhiễu, hãm hại và bị triệt đường sinh sống cốt để làm cho họ sợ hãi mà từ bỏ lý tưởng của mình ngày càng một thêm lên.

Nhiều khi, có người cầm một cái biểu ngữ để phản đối một vấn nạn nào đó, họ còn không dám. Hoặc vì họ sợ, hoặc vì bị nhồi sọ, hoặc vô cảm coi như đó là chuyện của thiên hạ. Nói chi đến chuyện bị công an đánh, bắt và triệt đường sinh sống thì có lẽ họ mới nghe đã rụng rời tay chân rồi.

 Nhưng biết bao lần, biết bao người bạn của tôi bị công an đánh dã man, bị triệt đường sống, bị sống trong ngục tù, bị đối xử tàn tệ, bất công, thậm chí họ còn bị những người thiếu hiểu biết dè bĩu, công kích, khinh chê.

Điều gì đã thôi thúc họ, những người dấn thân cho công lý, tự do, nhân quyền cho Việt Nam không sợ đói, không sợ đau, không sợ bị những người khác hiểu lầm khi dấn thân cho lý tưởng của mình? Ấy là bởi những con người đó mang trong mình tình yêu đối với non sông Việt Nam. Chính tình yêu nồng nàn đối với đất nước quê hương đã giúp họ kiên cường chịu đựng đau thương, oan khiên và chuyển hoá nó thành nguồn năng lượng tươi mới cho công lý và tự do của mọi người dân Việt Nam.

 

*Chú thích: Tựa đề bài viết được trích dẫn trong bài hát Con đường Việt Nam của tác giả cũng là  một tù nhân lương tâm ở Việt Nam.

H1: chuyến thăm nuôi anh Trần Huỳnh Duy Thức của gia đình và bạn hữu năm 2016

H2: Bạn trẻ Nguyễn Văn Dương trong phiên tòa dàn dựng xét xử luật sư Lê Quốc Quân tại Hà Nội ngày 18 tháng 2 năm 2014.