Hôm thứ Tư 2/7, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Hoa Kỳ và Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thuế quan theo đó hàng hóa của Hoa Kỳ sẽ được miễn thuế khi nhập vào Việt Nam.
Đổi lại, Hoa Kỳ sẽ áp đặt mức thuế 20% đối với hàng hóa của Việt Nam thay vì mức thuế 46% mà ông Trump công bố vào tháng 4, trước khi tạm ngưng các mức thuế đối ứng để đàm phán.
Ngoài ra, hàng hóa từ các quốc gia khác đi qua Việt Nam trên đường đến Hoa Kỳ sẽ bị áp mức thuế cao hơn là 40%. Trong các cuộc đàm phán với Việt Nam, một trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ là giải quyết vấn đề được gọi là quá trình trung chuyển hàng hóa, nói nôm na là dùng Việt Nam làm cửa hậu để đưa hàng vào Hoa Kỳ, đặc biệt là hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc –
Thỏa thuận này đánh dấu hiệp định thương mại thứ hai mà chính quyền Trump đã ký kết kể từ sau khi đưa ra chính sách thuế đối ứng, được áp dụng đối với hầu hết các đối tác thương mại của Hoa Kỳ vào đầu tháng 4, trước khi tạm ngưng trong 90 ngày. Trước đó, Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận với Vương quốc Anh để giảm một số mức thuế quan đối với nước này.
Trong quá trình đàm phán, ngành xuất cảng nông nghiệp Hoa Kỳ được hưởng lợi lớn nhất. Tháng 6 vừa qua, các công ty Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ để mua $2 tỷ nông sản của Hoa Kỳ như một phần của các cuộc đàm phán thương mại với chính quyền Trump, và chính phủ Việt Nam đã chấp thuận nhập cảng trái đào (peach) và xuân đào (nectarine) của Hoa Kỳ vào Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Nội dung thỏa thuận
Thỏa thuận thuế quan với Việt Nam nhấn mạnh một trong những ưu tiên hàng đầu của Hoa Kỳ trong các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu trong nhiều tháng qua là nhằm đóng cửa mọi tuyến đường cửa hậu để đưa hàng hóa Trung Quốc vào Hoa Kỳ.
Một điều khoản quan trọng của thỏa thuận Việt Nam như nói tới ở trên là hàng hóa “trung chuyển” đến Hoa Kỳ thông qua Việt Nam sẽ phải chịu mức thuế trừng phạt 40%, gấp đôi so với mức 20% áp dụng cho hàng nhập cảng thông thường từ Việt Nam.
Qua lời tuyên bố của Tổng thống Trump vào hôm thứ Tư, ông không nhắc đến tên Trung Quốc và cũng không đề cập rõ ràng các chi tiết chính xác về cách định nghĩa và kiểm soát các hàng hóa “trung chuyển” là như thế nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết biện pháp này dường như nhằm mục đích khiến các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc sử dụng Việt Nam làm điểm trung chuyển để vận chuyển hàng hóa từ Trung Quốc đến Hoa Kỳ trong khi tránh được mức thuế cao mà hàng nhập cảng từ Trung Quốc thường phải đối mặt.
Những điều khoản nói trên của thỏa thuận Việt Nam cho thấy Trung Quốc vẫn là trọng tâm chính của chính sách thương mại Hoa Kỳ ngay cả sau khi Washington và Bắc Kinh đạt được thỏa thuận đình chiến thương mại mặc dù thỏa thuận vẫn có nguy cơ bị sụp đổ, trong khi các cuộc thảo luận với các đối tác thương mại khác vẫn còn tiếp tục kéo dài và vẫn chưa có kết quả.
Thỏa thuận với Việt Nam ngụ ý rằng các quốc gia khác cũng được kỳ vọng là sẽ phải hạn chế sự hiện diện của Trung Quốc trong nền kinh tế của họ nếu họ muốn tiếp tục bán hàng hóa cho Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã đồng ý với các điều khoản trong hiệp định thương mại gần đây của họ với yêu cầu Vương quốc Anh cần tăng cường an ninh chuỗi cung ứng của họ, được hiểu tương tự là nhắm vào Trung Quốc.
Nguồn lợi của Việt Nam
Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi chính từ chính sách sắp xếp lại trật tự chuỗi cung ứng toàn cầu sau nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Trump cũng như hậu quả của sự hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Các nhà máy mới mọc lên khá nhiều quanh những khu vực như Hà Nội và Sài Gòn trong khi các công ty Trung Quốc và phương Tây tìm cách di chuyển các cơ sở sản xuất của họ ra khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng của đại dịch và sự cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng giữa Washington và Bắc Kinh.
Đối với người tiêu dùng Hoa Kỳ, việc Việt Nam gia nhập hàng ngũ các quốc gia xuất cảng hàng đầu sang Hoa Kỳ đã mang lại nguồn hàng dồi dào với giá cả thấp, trong khi các công ty như Nike và Apple mở rộng công việc sản xuất của họ ở đây.
Với mức thuế mới là 20% chắc chắn sẽ đưa đến hậu quả là giá cả tăng cao hơn đối với người tiêu dùng ở Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục là địa điểm thu hút sản xuất hàng đầu, một phần vì chi phí lao động còn tương đối thấp. Hàng nhập cảng của Hoa Kỳ từ Trung Quốc phải chịu mức thuế trung bình từ 40% đến 50%, điều này mang lại cho Việt Nam lợi thế ngay cả khi phải chịu mức thuế 20%, mặc dù liệu Việt Nam có thể giữ được lợi thế đó hay không là còn tùy thuộc vào thỏa thuận thuế quan giữa Hoa Kỳ và những quốc gia sản xuất khác như Ấn Độ hoặc Nam Dương.
Thâm hụt thương mại
Cho tới gần đây là năm 2018, thâm hụt thương mại hàng hóa của Hoa Kỳ với Việt Nam còn nhỏ hơn mức thâm hụt với Nhật Bản hoặc Đức và chỉ bằng 1/10 mức thâm hụt với Trung Quốc.
Đến cuối năm 2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ, với gần $150 tỷ thương mại hàng hóa giữa hai bên. Nhưng Việt Nam cũng lại là quốc gia có thâm hụt thương mại lớn thứ ba của Hoa Kỳ – với hơn $123 tỷ vào năm ngoái – chỉ đứng sau Trung Quốc và Mexico, và góp một phần đáng kể trong tổng thâm hụt thương mại hàng hóa $1.2 nghìn tỷ của Hoa Kỳ.
Việc Việt Nam vươn lên trong bảng xếp hạng thương mại của Hoa Kỳ cũng khiến Hoa Kỳ phải giám sát chặt chẽ hơn vì hiểu một cách đơn giản thì Việt Nam đang trở thành trung tâm để chuyển hướng hàng hóa do Trung Quốc sản xuất sang Hoa Kỳ cho các công ty muốn trốn thuế.
Số liệu hải quan Trung Quốc cho thấy xuất cảng của Trung Quốc sang Hoa Kỳ thấp hơn khoảng 10% trong 5 tháng đầu năm nay so với cùng thời kỳ năm ngoái vì thuế quan cao ảnh hưởng đến thương mại trực tiếp giữa hai siêu cường kinh tế. Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, số liệu của Việt Nam cho thấy nhập cảng của Việt Nam từ Trung Quốc đã tăng 28% so với năm trước, trong khi xuất cảng của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 26%.
Khuôn khổ cho các hiệp định thương mại khác
Việt Nam đã tỏ ra có những nỗ lực để nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển hướng thương mại như vậy thông qua việc kiểm soát chặt chẽ hơn các quy định chứng nhận xuất xứ, cung cấp cho cơ quan hải quan các thông tin chi tiết hơn về nơi sản xuất sản phẩm và các thành phần của sản phẩm để đánh thuế cho phù hợp.
Nhiều loại hàng hóa khác nhau được sản xuất tại Việt Nam, bao gồm quần áo, bàn ghế, tủ giường và đồ điện tử, sử dụng các bộ phận được sản xuất tại Trung Quốc. Trong trường hợp nếu Hoa Kỳ xác định những sản phẩm nói trên là hàng “trung chuyển” thì cho dù hàng hóa đó được gắn mác sản xuất từ Việt Nam vẫn có thể phải chịu mức thuế cao hơn 20% như trong thỏa thuận.
Thỏa thuận thuế quan giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ đóng vai trò là khuôn khổ cho các hiệp định thương mại với các quốc gia khác, và điều khoản về hàng hóa “trung chuyển” có khả năng sẽ được sử dụng đối với bất kỳ quốc gia nào được coi là cầu nối để chuyển hướng hàng hóa, đặc biệt là những hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.
VH